Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Kỹ thuật bấm huyệt chữa bệnh xương khớp mang lại hiệu quả cao
Bấm huyệt chữa bệnh xương khớp là cách dùng bàn tay, ngón tay tác động lên các huyệt, khớp, gân của người bệnh giúp giảm nhanh các cơn đau. Để đạt được hiệu quả như mong muốn, người thực hiện cần biết chính xác vị trí, kỹ thuật bấm huyệt. Cùng tìm hiểu tại bài viết để biết cách bấm huyệt xương khớp.
Bấm huyệt chữa xương khớp có tác dụng gì?
Bấm huyệt chữa bệnh xương khớp là phương pháp được lưu truyền từ nhiều đời nay trong dân gian. Theo nghiên cứu của y học hiện đại, những tác dụng của phương pháp bấm huyệt cũng đã được khẳng định.
Thủ thuật bấm huyệt hay xoa bóp có tác dụng làm huyết quản co giãn, tuần hoàn máu lưu thông dễ dàng, cung cấp được nhiều dưỡng chất và dưỡng khí cho các tế bào, tăng dinh dưỡng cho cơ thể, từ đó tăng cường sức mạnh toàn thân.
Cụ thể, bấm huyệt chữa bệnh xương khớp có những tác dụng sau:
Theo y học cổ truyền
- Bấm huyệt, xoa bóp giúp sơ thông kinh lạc và lưu thông khí huyết.
- Giúp tuần hoàn khí huyết được điều hòa, cân bằng âm dương, hấp thu dinh dưỡng
- Có khả năng trấn thống, giảm đau nhờ sự tác động vào các huyệt, kinh lạc.
- Đuổi ngoại tà, thông kinh hoạt lạc và giúp điều hòa chức năng của tạng phủ.
Theo y học hiện đại
- Bấm huyệt xương khớp giúp tăng tuần hoàn dinh dưỡng chuyển hóa tại cơ, tăng đàn hồi và khối lượng cơ, tăng sức cơ, từ đó phòng chống teo cơ, nhanh chóng phục hồi sau khi vận động.
- Loại trừ chất có hại do các chấn thương gây ra, giúp vết thương mau lành.
- Tăng tuần hoàn máu qua cơ, từ đó gân cũng nhận được dinh dưỡng tốt hơn, gân trở nên mềm mại, tính đàn hồi cao, tăng khả năng hoạt động của khớp trong trường hợp bị co rút gân hay dây chằng khớp.
- Bấm huyệt giúp xương được nuôi dưỡng một cách tốt hơn, làm tan tụ máu cơ, các sợi cơ và gân không bị kết dính khi gặp chấn thương.
- Xoa bóp, bấm huyệt làm tăng lượng máu tới khớp xương, bao khớp, gân, dây chằng, các cơ, tăng sự tiết hoạt dịch.
- Giúp dây chằng luôn giữ được tính đàn hồi tốt.
- Xoa bóp thường xuyên còn giúp đề phòng được bệnh thoái hóa khớp, hạn chế biến chứng của bệnh thấp khớp, khớp xương vận động dễ dàng hơn.
Như vậy, bấm huyệt chữa bệnh xương khớp không chỉ giúp giảm đau nhức xương, cơ hiệu quả mà còn có tác dụng nâng cao sức khỏe cho hệ xương khớp, phục hồi sau chấn thương, đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh và bảo vệ các cơ quan khác của cơ thể.
Hướng dẫn cách bấm huyệt chữa bệnh xương khớp
Bấm huyệt xương khớp là phương pháp không khó để thực hiện. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần nắm được những kỹ thuật cơ bản để đạt được hiệu quả như mong đợi.
Tùy vào từng vị trí bấm huyệt chữa bệnh xương khớp, người thực hiện cần lưu ý các kỹ thuật khác nhau.
Tại vùng đầu, mặt và cổ
- Thủ thuật: Day, ấn, phân, hợp, miết, bóp, chặt, vờn và vận động.
- Huyệt đạo thực hiện: Huyệt Phong trì, huyệt Đại chùy.
- Cách thực hiện: Người thực hiện đứng sau bệnh nhân, thao tác theo trình tự gồm miết, phân và hợp vùng trán, cổ, gáy, sau đó day thái dương và tiếp tục cổ gáy. Ngoài ra cần ấn, bấm huyệt và vận động khớp cổ. Thực hiện mỗi ngày, mỗi lần từ 3 – 5 phút
Bấm huyệt chữa bệnh xương khớp tại vùng lưng, thắt lưng
- Thủ thuật: Day, chặt, lăn, ve, véo, đấm, xát, điểm và vận động.
- Huyệt đạo thực hiện: A thị huyệt, huyệt Phong môn.
- Cách thực hiện: Cho bệnh nhân nằm sấp trên giường, lưu ý giường không được quá cao để vừa tầm tay người thực hiện. Bệnh nhân chống cằm vào gối thấp, nằm thẳng. Trình tự thực hiện gồm day, chặt cột sống lưng hai bên, lăn hai bên thắt lưng và vê ấn dọc cột sống, tiếp theo đó là bấm huyệt tùy vùng, cuối cùng là vận động cột sống và thắt lưng.
Tại vị trí ngực, bụng
- Thủ thuật: Miết, day, hợp, ấn, điểm, huyệt.
- Huyệt đạo thực hiện: Huyệt Thiên khu.
- Cách thực hiện: Bệnh nhân nằm ngửa, người thực hiện ngồi bên cạnh. Các động tác cần thực hiện là miết, phân, hợp và ấn huyệt.
Bấm huyệt chữa bệnh xương khớp tứ chi
Khi bấm huyệt chữa bệnh xương khớp người bệnh cần lưu ý:
Đối với chi trên:
- Thủ thuật: Lăn, day, án, vờn và vận động.
- Huyệt đạo thực hiện: Huyệt Khúc trì, huyệt Hợp cốc.
- Cách thực hiện: Người bệnh ngồi thoải mái, người thực hiện đứng phía sau. Thực hiện các động tác day vùng cổ vai, bóp cánh tay, cẳng tay, bóp các điểm huyệt, cuối cùng là vận động khớp tay và cổ vai.
Đối với chi dưới:
- Thủ thuật: Day, lăn, phát, bóp, điểm và vận động.
- Huyệt đạo thực hiện: Huyệt Huyết hải, huyệt Phong long, huyệt Tam âm giao, huyệt Túc tam lý.
- Cách thực hiện: Bệnh nhân nằm ngửa, người thực hiện đứng phía dưới chân và bấm huyệt. Sau đó, bệnh nhân vận động khớp bằng cách gấp chân đưa lên bụng, gấp duỗi gối khoảng 2 – 3 lần và vận động cổ chân. Cuối cùng, người bệnh nằm sấp, thực hiện xoa bóp tại các vùng thắt lưng, mông, vận động cột sống thắt lưng, khớp háng, gối, cổ chân, bàn chân.
Lưu ý: Khi thực hiện các thao tác trên cần thực hiện nhẹ nhàng với lực vừa phải, tránh để tổn thương nặng hơn. Có thể kết hợp xoa bóp, bấm huyệt với tinh dầu hoặc rượu thuốc, làm nóng hai bàn tay trước khi thực hiện để có hiệu quả tốt nhất.
Bấm huyệt chữa bệnh xương khớp trên những huyệt đạo nào?
Bấm huyệt chữa bệnh xương khớp thường được thực hiện trên các huyệt đạo sau:
- A thị huyệt: Huyệt này được xác định bằng cách ấn tay vào vùng xương khớp bị tổn thương, vị trí bị đau chính là A thị huyệt. Bấm huyệt A thị sẽ tác động trực tiếp lên vùng xương khớp bị đau, từ đó làm giảm đau cục bộ, thông kinh, hoạt lạc, máu huyết lưu thông dễ dàng.
- Huyệt Khúc trì: Bạn xác định huyệt Khúc trì bằng cách co khuỷu tay về phía ngực, huyệt sẽ nằm ở đầu lằn chỉ nếp gấp của khuỷu. Huyệt Khúc trì giúp khu phong, trừ thấp, giải biểu, thanh nhiệt, giúp tiêu độc, hòa vinh và dưỡng huyết. Vì vậy, bấm huyệt này thích hợp cho điều trị đau khuỷu tay, cánh tay, liệt chi trên.
- Bấm huyệt xương khớp tại huyệt Phong long: Đây là huyệt nằm ở trung điểm của đường nối đường ngang khớp gối với đường ngang cổ chân, là nơi có ụ cơ nhô lên cao. Huyệt này có tác dụng hòa vị khí, hóa đờm thấp, hỗ trợ điều trị chứng tê liệt chi dưới, bấm huyệt chữa đau đầu, ngực trướng, khó thở, ho đờm…
- Huyệt Phong trì: Huyệt này có vị trí ở phía sau tai, là chỗ hõm chân tóc ở sau mỏm xương chũm xát với bờ dưới của xương chẩm. Bấm huyệt Phong trì chữa đau xương khớp chủ trị các chứng cứng cổ gáy, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, các bệnh về não…
- Huyệt Phong môn: Vị trí nằm ở hai bên xương sống, dưới đốt xương thứ hai và ngang ra khoảng 1,5 tấc. Huyệt Phong môn đem lại hiệu quả cao trong điều trị đau lưng và đau vai, cổ gáy vẹo, trị cảm mạo, viêm phế quản.
- Huyệt Huyết hải: Nằm ở mặt trước trong đùi, trên xương bánh chè đầu gối khoảng 4 – 5cm, huyệt Huyết hải ở trong khe lõm giữa cơ rộng trong và cơ may, ấn vào sẽ có cảm giác ê nhức. Tác động lên huyệt này sẽ giúp điều huyết, thanh huyết, hỗ trị điều trị đau nhức xương khớp và các bệnh như kinh nguyệt không đều, xuất huyết tử cung…
- Huyệt Hợp cốc: Huyệt này có thể xác định bằng cách khép ngón tay trỏ và ngón tay cái sát nhau, huyệt Hợp cốc sẽ nằm ở vị trí nhất của ụ cơ giữa ngón cái và ngón trỏ. Huyệt Hợp cốc là huyệt có phạm vi tác động rất rộng và có tác dụng điều trị lên tới 90 bệnh, đặc biệt là khả năng làm giảm các cơn đau nhanh chóng.
- Huyệt Đại chùy: Ngồi hơi cúi đầu, quay cổ qua lại hai bên trái phải, u xương cao nhất và động đậy nhiều dưới ngón tay là đốt số 7, bạn sẽ thấy huyệt Đại chùy nằm ở ngay chỗ lõm phía dưới đốt sống cổ số 7. Bấm huyệt Đại chùy giúp thông dương khí toàn thân, nâng cao sức đề kháng, thanh não, định thần, điều khí…
- Tam âm giao: Huyệt này có vị trí nằm ngay sát bờ sau và trong xương chày, cao hơn khoảng 3 thốn so với đỉnh của mắt cá chân. Huyệt này hỗ trợ điều trị các chứng đau tay chân, liệt chân, đau khớp, mất ngủ. Ngoài ra còn có một số tác dụng trị bệnh khác như đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, kinh nguyệt không đều, khí hư, sa dạ con, đau dương vật…
- Túc tam lý: Xác định huyệt này bằng cách úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối, sao cho đầu ngón tay giữa chạm được xương ống chân, sau đó hơi dịch ra phía ngoài chừng khoảng một ngón tay sẽ thấy vị trí huyệt. Bấm huyệt túc tam lý có tác dụng điều trị nhiều căn bệnh như phong tê thấp, đau lưng, đau nhức tay chân, nhức đầu, một số bệnh về tiêu hóa…
- Huyệt Thiên khu: Đây là huyệt nằm ở vùng bụng, đo ngang rốn sang 2 thốn, mỗi bên sẽ có một huyệt. Bấm huyệt có tác dụng chữa đau thắt lưng, điều hòa đại tràng, lí khí tiêu trệ, bổ thổ hóa thấp.
Lưu ý: 1 thốn, 1 tấc bằng 2 – 5 cm.
Huyệt đạo cần được xác định chính xác, thao tác bấm huyệt cần đúng kỹ thuật mới đem lại hiệu quả cao và đảm bảo an toàn cho người bệnh. Do đó, nếu chưa biết vị trí các huyệt thì không nên tự ý thực hiện. Hãy tìm đến các cơ sở uy tín, bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cụ thể hơn.
Những lưu ý gì khi thực hiện bấm huyệt chữa xương khớp?
Khi bấm huyệt chữa bệnh xương khớp, ngoài việc thực hiện đúng huyệt, đúng kỹ thuật, người bệnh và người thực hiện bấm huyệt còn cần phải chú ý những điều sau đây:
- Người thực hiện nên thao tác mềm mại, tác động trực tiếp lên da và điều chỉnh động tác cho phù hợp.
- Mỗi khớp lại có cách vận động khác nhau, vì vậy cần nắm vững phạm vi vận động bình thường, đánh giá trạng thái vận động của khớp để có hướng vận động, xoa bóp phù hợp.
- Người bệnh thả lỏng cơ thể để làm mềm các cơ và khớp khi điều trị bấm huyệt.
- Không sử dụng rượu, bia, các loại thuốc chống đông máu trong quá trình bấm huyệt chữa bệnh xương khớp.
- Xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, kết hợp luyện tập đều đặn, hạn chế căng thẳng, lo âu để nhanh chóng phục hồi.
- Bấm huyệt chữa bệnh xương khớp chống chỉ định cho các đối tượng sau: Bệnh nhân bị tổn thương cơ xương khớp do chấn thương hở hoặc kín, huyệt nằm trên vùng da bị viêm, lở loét, sưng tấy; người bệnh tiểu sử mắc bệnh ngoại khoa như viêm vòi trứng, ruột thừa, xuất huyết dạ dày… hay các bệnh ác tính, suy thận nặng, suy tim; không thực hiện tại vị trí có hạch bạch huyết…
Bấm huyệt chữa bệnh xương khớp mang đến những hiệu quả nhanh chóng và lâu dài nếu người bệnh thực hiện đúng cách và đều đặn. Vì vậy, hãy ghi nhớ những lưu ý phía trên để đạt được hiệu quả như mong đợi.
Triệu chứng:
Cách chữa
Thuốc chữa
Dinh dưỡng
Tập luyện
Bài Viết Liên Quan
Chuyên khoa
Bệnh học
Trị liệu
- Cách Bấm Huyệt Chữa Bệnh Tim Mạch Hiệu Quả, Chuẩn Đông Y
- Bấm Huyệt Chữa Tiểu Đêm: Công Dụng, Huyệt Đạo Được Dùng
- Dầu xoa bóp xương khớp thái lan
- Bấm huyệt trị mất ngủ
- Xoa chân chữa mất ngủ
- Bấm Huyệt Giảm Ngứa: Giải Pháp Tự Nhiên Cho Da Khỏe Mạnh
- Bấm Huyệt Lưu Thông Khí Huyết Có Tốt Không? Lưu Ý Khi Thực Hiện
- Bài thuốc ngâm rượu xoa bóp
- Bấm huyệt sảy thai
- Bấm huyệt đả thông kinh mạch