Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Huyệt Phong Môn: Vị Trí, Tác Dụng Và Ứng Dụng Chữa Bệnh
Theo quan điểm của y học cổ truyền, tác động vào huyệt Phong Môn giúp điều trị nhiều bệnh lý như cảm mạo, đau lưng, vẹo cổ,… Mời bạn đọc theo dõi thông tin trong bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vị trí, tác dụng cũng như cách xác định huyệt Phong Môn.
Huyệt Phong Môn là gì? Đặc tính của huyệt đạo
Tên huyệt:
Huyệt Phong Môn còn có tên gọi khác huyệt Phủ Nhiệt hoặc Bối Du. Đây là huyệt vị từ Túc Kinh Thái Dương chi phối các biểu hiện của cơ thể liên quan đến biểu.
Giải nghĩa tên huyệt:
- “Phong” có nghĩa là gió, gió phong là tác nhân gây ra bệnh.
- “Môn” có nghĩa là cánh cửa, cánh cổng, là nơi đi vào đi ra.
Do vậy, huyệt Phong Môn tức là nơi đi qua của tác nhân gây ra bệnh, xâm nhập vào bên trong cơ thể.
Hay có thể hiểu theo cách của người xưa là: Khí phong (Phong) thường dễ dàng xâm nhập vào cơ thể thông qua huyệt vị này, tức là thông qua môn (Cửa) nên có tên gọi là huyệt Phong Môn.
Đặc tính của Phong Môn huyệt:
- Là huyệt thứ 12 của Bàng Quang Kinh, nhận một nhánh mạch phụ của Mạch Đốc.
- Đây là hội huyệt của Mạch Đốc và Bàng Quang Kinh.
Vị trí huyệt Phong Môn và cách xác định huyệt phong môn
Cách tìm huyệt Phong Môn rất đơn giản: Huyệt nằm ở vị trí dưới mỏm gai của đốt sống lưng 2, đo ngang ra 1,5 tấc.
Xác định như sau: Huyệt nằm ở vị trí giao nhau của đường thẳng đứng ngoài Đốc Mạch 1.5 thốn và đường ngang qua mỏm gai của đốt sống lưng 2.
Tác dụng của huyệt Phong Môn
Theo giải phẫu học hiện đại, huyệt Phong Môn có những đặc điểm sinh lý đặc biệt. Vì thế khi tác động, có thể đem đến tác dụng trị cảm, đau mỏi vai gáy,…
- Phía dưới da tại vị trí huyệt Phong Môn là thang cơ, trám cơ (hoặc thoi cơ), cơ gối cổ, cơ dài lưng, cơ bé răng trên sau, cơ dài đầu, cơ bán gai của đầu và cơ sườn ngang, bên trong là phổi,
- Dây thần kinh vận động cơ chi phối là nhánh của nhóm dây thần kinh sọ não số XI, nhánh đám rối cánh tay, nhánh đám rối cổ sâu, nhánh dây sống lưng số 2 và nhánh dây thần kinh gian sườn số 2.
- Da vùng huyệt vị này được chi phối bởi dây thần kinh tiết đoạn D2.
Theo quan điểm của y học cổ truyền, nhờ nằm ở vị trí nơi giao nhau của Mạch Đốc và Bàng Quang Kinh nên huyệt đạo này có nhiều tác dụng trong việc điều trị các bệnh lý phổ biến hiện nay. Cụ thể là:
- Tác dụng khu phong tà: Tác động vào Phong Môn huyệt có khả năng phòng tránh gió độc, giúp thanh nhiệt, giải tà hiệu quả.
- Tác dụng giải biểu: Huyệt đạo này có khả năng thanh lọc phần biểu của cơ thể, từ đó giúp loại bỏ các độc tố bên trong để trừ độc, điều hòa khí huyết và ổn định cơ thể.
Nhờ vậy, thông qua châm cứu hay bấm huyệt Phong Môn, người bệnh có thể nhanh chóng được trị khỏi các bệnh lý như: cảm mạo, viêm phế quản, đau mỏi lưng, vai, gáy, vẹo cổ gáy.
Tất cả các huyệt vị trên cơ thể con người đều tương thông với nhau. Do vậy, việc tác động lên một nhóm huyệt cùng lúc sẽ giúp tăng khả năng trị bệnh lên vài phần.
Các thầy thuốc thường phối huyệt Phong Môn với các huyệt đạo sau đây:
Theo sách Loại Kinh Đồ Dực, phối với Đại Lăng (Tb.7), Gian Sử (Tb.5) và Hợp Cốc (Đtr.4) để trị mụn nhọt.
Theo sách Châm Cứu Tập Thành, phối với Côn Lôn (Bq.60), Kiên Tỉnh (Đ.21), Phong Phủ (Đc.16), Phong Trì (Đ.20), Thiên Trụ (Bq.12) và Tuyệt Cốt (Đ.39) để trị tê cứng cổ gáy.
Theo sách Thần Cứu Kinh Luân:
- Phối Cứu Kỳ Môn (C.14), Phong Môn (Bq.12) và Thiếu Phủ (Tm.8) để trị ngực, lưng đau.
- Phối với Hợp Cốc (Đtr.4), Khúc Sai (Bq.4) và Thượng Tinh (Đc.23) để trị tỵ uyên, tức viêm xoang mũi.
Theo sách Châm Cứu Học Thượng Hải:
- Phối Cứu Hợp Cốc (Đtr.4), Phong Long (Vi.40) (Vi.40), Phong Môn (Bq.12) và Trung Quản (Nh.12) để trị đờm quyết.
- Phối với Khí Hải (Nh.6), Kiên Tỉnh (Đ.21), Phong Long (Vi.40), Thái Uyên (P.7) và Thân Trụ (Đc.13) để trị viêm phế quản mạn.
- Phối với Đào Đạo (Đc.13) để trị cảm cúm.
- Phối với Phế Du (Bq.13) để trị đau lưng do phong thấp.
- Phối với Huyết Hải (Ty.10), Khúc Trì (Đtr.11) và Liệt Khuyết (P.7) để trị phong ngứa mề đay.
- Phối với Khổng Tối (P.6) và Phế Du (Bq.13) để trị viêm ngực.
- Phối với Cao Hoang (Bq.43) và Y Hy (Bq.45) để trị thần kinh suy nhược.
- Phối với Thân Trụ (Đc.13) và Xích Trạch (P.5) để trị cảm mạo.
Cách bấm huyệt và châm cứu huyệt trị bệnh
Được biết đến là một huyệt vị quan trọng chi phối nhiều hoạt động của cơ thể, việc tác động vào huyệt Phong Môn có thể mang đến hiệu quả điều trị khả quan. Tuy nhiên, dù là bấm huyệt hay châm cứu khi được thực hiện đúng kỹ thuật và thao tác thì mới mang lại hiệu quả tối ưu.
Bấm huyệt trị bệnh
Cách bấm huyệt Phong Môn chữa bệnh được thực hiện như sau:
- Bước 1: Xác định chính xác huyệt Phong Môn nằm ở đâu theo các bước đã hướng dẫn ở trên.
- Bước 2: Dùng tay hoặc dụng cụ chuyên dụng đặt lên vị trí huyệt.
- Bước 3: Từ từ ấn lên huyệt vị và day với lực vừa phải theo chiều kim đồng hồ. Sau đó tăng dần cho tới khi thấy hơi đau tức ở vùng ngực thì dừng lại.
- Bước 4: Thực hiện lặp lại khoảng 3 – 5 lần mỗi ngày, mỗi lần thực hiện trong khoảng 2 – 3 phút sẽ giúp cơ thể giải tỏa mệt mỏi và hỗ trợ điều trị hiệu quả các căn bệnh trên.
Lưu ý: Người bệnh nên thực hiện vào buổi tối trước khi đi ngủ. Thực hiện đầu đặn cách bấm huyệt này để đạt được kết quả tốt nhất.
Châm cứu trị bệnh
Ngoài việc day ấn, người bệnh có thể được thực huyệt châm cứu bằng cách như sau:
- Châm kim xiên về phía cột sống khoảng 0.5 – 0.8 thốn.
- Cứu 3 – 5 tráng thì ôn cứu trong khoảng 5 – 10 phút là được.
Lưu ý: Không nên châm kim quá sâu vì phần trong cơ thể là phổi. Châm kim vào phổi gây nguy hại cho sức khỏe người bệnh.
Lưu ý khi tác động lên huyệt Phong Môn
Trong quá trình chữa bệnh bằng các tác động lên huyệt Phong Môn, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Cần xác định chính xác vị trí huyệt đạo trước khi thực hiện bất kỳ các cách tác động nào để trị liệu nào. Người bệnh không nên tự ý thực hiện tại nhà mà nên tìm đến các chuyên gia vật lý trị liệu, bác sĩ y học cổ truyền để được hướng dẫn thực hiện chính xác nhất.
- Không châm cứu lên huyệt đạo tại vị trí vùng da đang bị tổn thương, lở loét hoặc chảy máu. Cũng nên thực hiện châm cứu khi đang quá no hoặc quá đói.
- Trong quá trình trị liệu, người bệnh nên xây dựng một chế độ ăn uống và tập luyện khoa học. Tăng cường rau xanh, trái cây và vận động nhẹ nhàng, hợp lý là biện pháp hữu hiệu nhất để nâng cao hệ miễn dịch chống chọi lại với bệnh tật.
- Trước khi quyết định tác động lên nhiều huyệt đạo cùng một lúc cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Việc phối hợp không hợp lý có thể gây nên nhiều hệ luỵ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
- Châm cứu, bấm huyệt Phong Môn trị bệnh cần một khoảng thời gian nhất định. Người bệnh nên kiên trì, không nên nóng vội mà bỏ lỡ cơ hội trị liệu tốt nhất.
- Phụ nữ đang mang thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu cũng nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa trước thực hiện châm cứu hoặc bấm huyệt.
Trên đây là toàn bộ các thông tin tham khảo về huyệt Phong Môn. Hy vọng thông qua bài viết, người bệnh sẽ hiểu hơn về huyệt đạo này cũng như có cách tác động phù hợp, sớm cải thiện được tình trạng bệnh lý của bản thân.
Tham khảo thêm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!