Thoát Vị Đĩa Đệm Cổ

Ngày cập nhật: 27/03/2024 Biên tập viên: Trần Hoa

Thoát vị đĩa đệm cổ không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân mà còn có khả năng để lại những di chứng lâu dài. Các thông tin tổng hợp dưới đây sẽ giúp quý vị hiểu hơn về căn bệnh xương khớp này, từ đó có biện pháp phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả trong trường hợp bệnh phát sinh.

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ là gì?

Cột sống cổ của con người cấu tạo từ 7 đốt sống trên cùng (C1-C7), được phân cách nhau bằng các đĩa đệm có chức năng nâng đỡ, bảo vệ các đầu xương cột sống, đồng thời hỗ trợ các cử động của cổ diễn ra một cách linh hoạt, trơn tru.

Đĩa đệm cột sống bao gồm 2 bộ phận chính là lớp nhân nhầy như keo dính ở bên trong và lớp bao xơ tạo nên từ các vòng sợi ở bên ngoài. Do nguyên nhân thoái hóa hoặc sang chấn, bao xơ đĩa đệm có thể bị rách, làm cho phần nhân nhầy bên trong thoát ra ngoài, chèn ép lên các dây thần kinh và tủy sống gây ra đau nhức, tê bì. Hiện tượng này được gọi là thoát vị đĩa đệm cổ.

Nhân nhầy đĩa đệm đốt sống cổ thoát ra ngoài, chèn ép vào các dây thần kinh và tủy sống gây đau nhức, tê bì
Nhân nhầy đĩa đệm đốt sống cổ thoát ra ngoài, chèn ép vào các dây thần kinh và tủy sống gây đau nhức, tê bì.

Thông thường, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường gặp nhất ở đối tượng người cao tuổi do ảnh hưởng của quá trình lão hóa. Tuy nhiên, những thói quen sinh hoạt và làm việc thiếu khoa học trong đời sống hiện đại đang khiến cho số lượng người trẻ mắc phải bệnh lý này ngày càng có xu hướng gia tăng.

Vị trí và các giai đoạn thoát vị đĩa đệm cổ

Bệnh thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cột sống cổ, tuy nhiên do đặc thù về chức năng, nhiệm vụ và phân tán lực mà các vị trí dưới đây thường có nguy cơ thoát vị cao hơn hẳn so với các đốt sống còn lại:

  • Đĩa đệm cổ C3-C4: nằm ở vị trí ngã tư giữa trung tâm đầu não của cơ thể, là nơi chịu tác động nhiều nhất trước mỗi cử động đầu và cổ nên dễ bị tổn thương và thoái hóa nhất.
  • Đĩa đệm cổ C5-C6-C7: thực hiện chức năng giảm ma sát của vùng đầu khi cơ thể vận động hay di chuyển nên rất dễ bị ảnh hưởng và thoát vị. Đĩa đệm thoát vị ở vị trí này thường gây ra triệu chứng cứng cổ vào buổi sáng sau khi ngủ dậy.
Thoát vị đĩa đệm cổ thường xảy ra nhất ở vị trí các đốt sống từ C3-C7
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ thường xảy ra nhất ở vị trí các đốt sống từ C3-C7.

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ dù xảy ra ở bất cứ vị trí nào cũng sẽ trải qua 4 giai đoạn sau đây, với triệu chứng và mức độ tổn thương tăng dần:

  • Giai đoạn 1- Phình đĩa đệm: nhân nhầy đã có xu hướng biến dạng trong khi bao xơ vẫn bình thường. Các cơn đau thường không xuất hiện rõ ràng và liên tục.
  • Giai đoạn 2 – Lồi đĩa đệm: vòng xơ đĩa đệm đã suy yếu nhưng chưa bị rách hết độ dày. Bệnh nhân có thể cảm nhận được những cơn đau cục bộ với mức độ dữ dội trong giai đoạn này.
  • Giai đoạn 3 – Thoát vị: bao xơ đĩa đệm lúc này đã bị rách hoàn toàn, nhân nhầy và các tổ chức khác bên trong thoát ra ngoài nhưng vẫn là 1 khối thống nhất. Các triệu chứng đau nhức, tê bì trở nên rõ ràng và nặng nề hơn, gây nhiều khó khăn cho người bệnh trong sinh hoạt và làm việc.
  • Giai đoạn 4 – Thoát vị đĩa đệm có mảnh rời: nếu tình trạng thoát vị kéo dài lâu ngày, khối nhân nhầy thoát vị có thể tách rời ra khỏi đĩa đệm, chèn ép nặng nề lên các tổ chức thần kinh và tủy sống xung quanh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.

Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Nguyên nhân hàng đầu gây thoát vị đĩa đệm là do ảnh hưởng của quá trình lão hóa khiến cấu trúc cột sống mất đi sự ổn định, các đĩa đệm bị hao mòn, mất nước và giảm độ đàn hồi.

Ngoài ra, chấn thương và thói quen vận động, làm việc sai tư thế làm gia tăng sức ép lên cột sống cổ cũng có thể là nguyên nhân khiến đĩa đệm bị tổn thương và thoát vị. Khi đĩa đệm đã suy yếu, chỉ 1 tác động nhỏ nhưng lặp đi lặp lại thường xuyên cũng có khả năng ảnh hưởng lớn tới cấu trúc và hoạt động bình thường của các tổ chức đĩa đệm.

Lão hóa là nguyên nhân hàng đầu gây ra thoát vị đĩa đệm
Lão hóa là nguyên nhân hàng đầu gây ra thoát vị đĩa đệm.

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Các triệu chứng thoát vị đĩa đệm cổ thường gặp nhất bao gồm: đau nhức và căng cứng cổ, tê bì tứ chi, yếu cơ gây hạn chế vận động. Tùy thuộc vào dạng bệnh và mức độ tổn thương mà bệnh nhân sẽ gặp phải những triệu chứng điển hình khác nhau.

Nhận diện dấu hiệu thoát vị đĩa đệm cổ theo dạng chèn ép

Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cổ có thể gặp phải những triệu chứng điển hình thuộc 1 trong 2 nhóm dưới đây hoặc đôi khi là các biểu hiện ở cả hai nhóm.

Nhóm bệnh lý rễ (chèn ép và thương tổn ở ngoại biên)

Nhóm bệnh lý rễ thường biểu hiện với triệu chứng đau và tê. Các cơn đau cổ lan sang hai vai và xuống cánh tay, đôi khi ảnh hưởng tới một vùng đầu. Một vài bệnh nhân có thể bị đau thành ngực hoặc đau ở vùng cột sống giữa hai bả vai.

Triệu chứng tê thường xuất hiện ở cánh tay, bàn tay và các ngón tay; có xu hướng gia tăng sau khi làm việc nhiều hoặc lái xe. Bệnh nhân cũng có thể bị yếu cơ và teo cơ tay, gây ảnh hưởng tới chức năng cầm nắm.

Biểu hiện điển hình của nhóm bệnh lý rễ là các cơn đau cổ gáy lan sang hai vai và xuống cánh tay
Biểu hiện điển hình ở nhóm bệnh lý rễ là các cơn đau cổ gáy lan sang hai vai và xuống cánh tay.

Nhóm bệnh lý tủy (chèn ép và thương tổn ở trung ương)

Nhóm bệnh lý này thường biểu hiện với triệu chứng đặc trưng là tê và yếu liệt. Triệu chứng tê thường bắt đầu ở vùng thân mình và vùng bụng, sau đó tới hai tay và chân. Các thớ cơ suy yếu có thể rung lên mỗi khi chạm vào hoặc gắng sức. Tê yếu khiến người bệnh hay bị rớt dép, dễ vấp ngã khi đi lại. Ở giai đoạn nặng sẽ gặp khó khăn trong cầm nắm, đồng thời có thể xuất hiện triệu chứng bí tiểu và táo bón.

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm cổ phân chia theo cấp độ

Tùy vào tình trạng bệnh mà triệu chứng và mức độ đau bệnh nhân cảm nhận được sẽ có sự khác biệt. Các biểu hiện thoát vị đĩa đệm cổ được phân chia thành 3 cấp độ như sau:

  • Cấp độ 1: bệnh nhân có triệu chứng cứng cổ, khó cử động, hơi đau khi cúi xuống. Cơn đau lan dần xuống vai, đau nặng hơn khi làm việc, mức độ đau tăng dần từng ngày.
  • Cấp độ 2: cơn đau xuất phát từ gáy, lan ra sau đầu và tai. Cổ bị đau khi vận động và có thể bị vẹo cổ.
  • Cấp độ 3: cơn đau lan từ gáy xuống bả vai và tay, nhức đầu ở vùng chẩm, vùng trán. Tê bì một hoặc cả 2 tay làm giảm độ linh hoạt và khéo léo của bàn tay. Đôi khi có thể xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, ngáp chảy nước mắt và nấc cụt.

Thoát vị đĩa đệm cổ có nguy hiểm không?

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây đau, tê và hạn chế vận động, làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu không tích cực áp dụng các biện pháp điều trị, các ảnh hưởng nghiêm trọng hơn như tiểu khó, táo bón, khó thở sẽ xuất hiện. Và về lâu dài, bệnh nhân có thể phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm dưới đây:

  • Thiếu máu não, thiểu năng tuần hoàn não: đĩa đệm thoát vị chèn ép lên hệ thống động mạch đốt sống sẽ gây cản trở lưu thông máu tới não.
  • Chèn ép rối thần kinh cánh tay: trường hợp đĩa đệm đốt sống cổ thoát vị chèn ép vào tủy sống hoặc các lỗ liên hợp sẽ làm ảnh hưởng tới các rễ thần kinh cánh tay. Bệnh nhân lúc này có biểu hiện đau mỏi vai gáy lan xuống hai bên tay, đi kèm triệu chứng tê bì hoặc teo cơ cánh tay.
  • Hẹp ống sống: biến chứng này có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như đau đốt sống cổ trầm trọng, đau hoặc tê ở vai, bả vai lan xuống cánh tay, đôi khi gây yếu cơ. Triệu chứng đau thường nghiêm trọng hơn khi duy trì tư thế thẳng lưng và thuyên giảm ở các tư thế thư giãn như nằm, cúi gập thả lỏng người.
  • Hội chứng chèn ép tủy: trong trường hợp đĩa đệm thoát vị gây chèn ép tủy, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện rối loạn cảm giác, rối loạn vận động dù cột sống cổ chưa bị đau hoặc chỉ mới đau nhẹ.
  • Hội chứng rối loạn thần kinh thực vật: biến chứng nguy hiểm này thường biểu hiện với các triệu chứng như ù tai, chóng mặt, mất thăng bằng, vã mồ hôi, hạ huyết áp, đau ngực từng cơn, tăng nhu động ruột, khó nuốt. Đôi khi có thể đau hốc mắt và cảm giác mắt mờ từng cơn.
  • Đau lan rộng: ở giai đoạn nặng, bệnh có thể gây ra các cơn đau nghiêm trọng lan dọc cột sống xuống lưng, mông, đùi và cẳng chân, làm yếu chi và hạn chế vận động.
  • Tàn phế: nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ chèn ép lên tủy sống có thể gây bại liệt suốt đời.
Hẹp ống sống là một trong những biến chứng nặng nề nhất của thoát vị đĩa đệm cổ
Hẹp ống sống là một trong những biến chứng nặng nề nhất của thoát vị đĩa đệm cổ.

Biện pháp chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

Để chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm, bên cạnh thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ cần tiến hành xét nghiệm chuyên sâu thông qua các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp CT hay chụp cộng hưởng từ MRI.

  • Khám lâm sàng: bên cạnh khai thác thông tin từ người bệnh, bác sĩ sẽ quan sát và thực hiện các kiểm tra cần thiết nhằm đánh giá các triệu chứng thực thể của thoát vị đĩa đệm cổ như rối loạn cơ lực, tăng phản xạ gân xương, rối loạn cảm giác tứ chi, mất thăng bằng…
  • Chụp X-quang: giúp đánh giá đường cong sinh lý của cột sống cổ, mức độ thoái hoá cột sống, tình trạng trượt đốt sống…
  • Chụp cắt lớp vi tính CT-Scan: cung cấp hình ảnh với độ phân giải cao hơn so với chụp X-quang, giúp xác định chính xác vị trí và mức độ thoát vị đĩa đệm.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: là phương pháp chẩn đoán hình ảnh tốt nhất trong 3 phương pháp, có khả năng xác định chính xác các thể và mức độ thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
Quá trình khám lâm sàng giúp các bác sĩ xác định các triệu chứng thực thể của thoát vị đĩa đệm
Quá trình khám lâm sàng giúp các bác sĩ xác định các triệu chứng thực thể của thoát vị đĩa đệm.

Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cổ

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là bệnh lý không thể chữa khỏi hoàn toàn. Ngay cả can thiệp phẫu thuật cũng không thể khôi phục đĩa đệm bị tổn thương trở lại như ban đầu. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời bằng các biện pháp phù hợp, bệnh nhân hoàn toàn có thể phục hồi tới 80-90%.

Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm thông thường được xếp vào 2 nhóm chính là điều trị bảo tồn và điều trị bằng phẫu thuật.

Điều trị bảo tồn thoát vị đĩa đệm cổ

Điều trị bảo tồn thoát vị đĩa đệm cổ bao gồm các biện pháp cố định cột sống cổ, sử dụng thuốc và vật lý trị liệu.

Cố định cổ

Các trường hợp cấp tính cần bất động cổ trong khoảng 5-7 ngày bằng cách sử dụng đai nẹp cổ ở tư thế sinh lý. Can thiệp bước đầu này có tác dụng giảm đau và giảm phù nề tương đối hiệu quả.

Sử dụng thuốc Tây chữa thoát vị đĩa đệm

Đây là biện pháp chủ yếu để điều trị triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống. Thuốc Tây cho tác dụng nhanh nhưng thường đi kèm nhiều tác dụng phụ nên bệnh nhân cần sử dụng đúng theo liều lượng được kê đơn và không được kéo dài thời gian dùng thuốc. Dưới đây là các loại thuốc điều trị thoát vị đĩa đệm cổ thông dụng nhất:

  • Thuốc giảm đau: tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau liều nhẹ như acetaminophen, paracetamol… hay các loại mạnh hơn như codein, opioids…
  • Thuốc chống viêm: bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc chống viêm non-steroid đường uống hoặc chống viêm steroid đường tiêm tùy vào mức độ tổn thương.
  • Thuốc giãn cơ: như mydocalm, coltramyl… để làm giãn cơ và giải phóng chèn ép.
  • Thuốc an thần: như seduxen để cải thiện giấc ngủ cho người bệnh.
Sử dụng thuốc Tây là giải pháp điều trị tiện lợi, cho tác dụng nhanh nhưng thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe
Sử dụng thuốc Tây là giải pháp điều trị thoát vị đĩa đệm tiện lợi, cho tác dụng nhanh nhưng thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là biện pháp điều trị không dùng thuốc phát huy tác dụng tốt trong cải thiện thoát vị đĩa đệm ở mức nhẹ đến vừa. Bằng cách sử dụng các tác nhân cơ học và vật lý để kích hoạt cơ chế tự phục hồi của cơ thể, vật lý trị liệu là giải pháp điều trị thoát vị đĩa đệm rất thân thiện và an toàn cho người bệnh.

Các biện pháp vật lý trị liệu điều trị thoát vị đĩa đệm cổ hiện đang được ứng dụng rộng rãi bao gồm các bài tập vận động, kéo giãn cột sống, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, trị liệu bằng nhiệt, trị liệu bằng ánh sáng và trị liệu bằng điện.

Điều trị thoát vị đĩa đệm cổ bằng thuốc Đông y

Nếu lo ngại về những tác hại sức khỏe khi sử dụng thuốc Tây, bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cổ hoàn toàn có thể lựa chọn hướng điều trị bằng Đông y. Thuốc Đông y phát huy tác dụng chậm hơn nhưng hiệu quả chữa bệnh không hề thua kém thuốc Tây, hơn nữa lại rất an toàn, không gây hại cho sức khỏe.

Tuy nhiên, khi điều trị thoát vị đĩa đệm bằng Đông y người bệnh nên trực tiếp tới các bệnh viện hoặc phòng khám YHCT uy tín để được thăm khám, kê đơn phù hợp nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị và an tâm nhất về chất lượng của dược liệu.

Người bệnh nên tìm tới các cơ sở YHCT uy tín để có thể an tâm nhất về nguồn gốc và chất lượng của thuốc Đông y
Người bệnh nên tìm tới các cơ sở YHCT uy tín để có thể an tâm nhất về nguồn gốc và chất lượng của thuốc Đông y.

Điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng phẫu thuật

Trong trường hợp các biện pháp điều trị bảo tồn không phát huy hiệu quả tích cực, các triệu chứng thần kinh tiến triển nhanh, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm phẫu thuật để hạn chế tổn thương lan rộng.

Phẫu thuật thay thế đĩa đệm nhân tạo hoặc loại bỏ đĩa đệm thoát vị và hợp nhất đốt sống sẽ được thực hiện thông qua hình thức phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mổ hở tùy từng trường hợp.

Biện pháp phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cổ

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là bệnh xương khớp có thể gặp phải ở bất cứ ai và bất cứ độ tuổi nào. Các biện pháp phòng ngừa dưới đây sẽ giúp chúng ta bảo vệ sức khỏe cột sống cổ và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh:

  • Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh và đủ chất, thường xuyên bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi, vitamin, các chất chống oxy hóa để bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe xương khớp.
  • Giữ cho cổ thẳng khi làm việc với máy tính hoặc sử dụng điện thoại di động. Nếu dùng liên tục trong thời gian dài, nên dừng lại vận động nhẹ nhàng, thư giãn cổ sau mỗi 30-40 phút để giải phóng chèn ép và thúc đẩy lưu thông máu.
  • Chú ý giữ ấm vùng cổ khi đi ngủ, khi đi xe máy hay khi trời lạnh. Đồng thời tránh các động tác và tư thế làm căng cơ cổ.
  • Tạo thói quen tập thể dục hàng ngày để tăng cường cơ bắp và giúp xương chắc khỏe.
  • Đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để có thể phát hiện bệnh sớm và áp dụng các biện pháp điều trị kịp thời.

Thoát vị đĩa đệm cổ dù không gây nguy hiểm tính mạng nhưng có thể để lại những di chứng nặng nề. Để bảo vệ sức khỏe bản thân, quý vị nên tích cực áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đồng thời đi khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng đau nhức bất thường. Phát hiện và điều trị sớm không chỉ đem lại cơ hội hồi phục cao hơn, mà còn giúp chúng ta tiết kiệm rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức.

Xem thêm: 

Array

Cách chữa

Thuốc chữa

Dinh dưỡng

Tập luyện

Bài Viết Liên Quan

Giải Pháp

Hệ Giải Pháp Đông Phương Liệu Cốt Khang

Hệ giải pháp Đông Phương Liệu Cốt Khang ứng dụng lý luận Ngũ Liệu Khang Kiện trong chữa bệnh xương khớp của Y học Phương Đông, kết hợp khéo léo 5 phương pháp chính gồm: trị liệu, thuốc y học cổ truyền, vận đông, dinh dưỡng cùng các sản phẩm bổ trợ. Với TÁC ĐỘNG TOÀN DIỆN, ĐA CHIỀU, CẢ TẠI VỊ TRÍ ĐAU và CĂN NGUYÊN GÂY BỆNH, giúp RÚT NGẮN THỜI GIAN, HIỆU QUẢ BỀN VỮNG nhất. Hiện nay, hệ giải pháp được hội đồng chuyên gia đầu ngành tại Đông Phương Y Pháp tiến hành xây dựng, điều trị thành công trên hàng nghìn bệnh nhân.

Xem chi tiết