Bà bầu bị đau nhức xương khớp: Nguyên nhân và Cách khắc phục

Ngày cập nhật: 31/01/2024 Biên tập viên: Trần Hoa

Tình trạng bà bầu bị đau nhức xương khớp xảy ra rất phổ biến và có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy đau nhức xương có gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi hay không và bà bầu nên làm gì để cải thiện cơn đau nhức? Các thông tin liên quan tới vấn đề này sẽ được giải đáp tường tận trong bài viết.

Nguyên nhân bà bầu bị đau nhức xương khớp

Đau nhức xương khớp là vấn đề sức khỏe mà rất nhiều bà bầu phải đối diện trong quá trình mang thai. Theo thống kê, có tới 85% thai phụ gặp phải tình trạng này, các cơn đau nhức xương khớp thường xuất hiện chủ yếu trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Vị trí khớp bị đau nhức thường gặp nhất là khớp vệ (khớp mu), khớp háng, khớp cùng – chậu, khớp đầu gối và cột sống. Ngoài ra, bà bầu còn có thể bị đau cổ tay, ngón tay, đau gót chân và nguy hiểm nhất là cơn tetani do hạ canxi máu (một tình trạng kích thích quá mức của hệ thống thần kinh – cơ, khiến cho thai phụ bị co cơ đột ngột, mạch nhanh và hoảng hốt).

Đau nhức xương khớp là tình trạng phổ biến ở phụ nữ mang thai và thường xuất hiện chủ yếu trong 3 tháng cuối thai kỳ
Đau nhức xương khớp là tình trạng phổ biến ở phụ nữ mang thai, thường xuất hiện chủ yếu trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Đau nhức xương khớp khi mang thai có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, dưới đây là một vài nguyên nhân thường gặp nhất.

Bà bầu bị đau nhức xương khớp do tăng cân đột ngột

Trọng lượng cơ thể lớn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra đau nhức xương khớp. Với mỗi kg cân nặng tăng lên, cột sống sẽ phải chịu thêm áp lực tương ứng 4kg.

Mức tăng cân khuyến cáo trong thai kỳ là từ 10-12kg. Tuy nhiên, nhiều thai phụ trên thực tế có thể tăng tới 20, thậm chí là 30kg. Điều này vô tình gia tăng áp lực rất lớn cho hệ thống xương khớp, đặc biệt là khớp cột sống, khớp háng, khớp gối và khớp cổ chân, dẫn tới tình trạng sưng đau và viêm khớp.

Các cơn đau nhức xương do tăng cân đột ngột thường bắt đầu xuất hiện từ tháng thứ 4 thai kỳ trở đi và ngày càng trở nên nghiêm trọng cùng với quá trình lớn lên của thai nhi.

Ảnh hưởng của hormone Relaxin

Cùng với tăng cân, ảnh hưởng của hormone relaxin là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau nhức xương ở bà bầu. Relaxin là một loại hormone có tác dụng thư giãn các các cơ, xương và khớp được sản sinh trong suốt quá trình mang thai, đặc biệt là 3 tháng cuối thai kỳ, nhằm tạo điều kiện cho tử cung giãn nở để thai nhi có không gian phát triển tốt nhất.

Loại hormone này cũng có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi nhờ khả năng làm mềm cổ tử cung và thư giãn dây chằng xung quanh xương chậu. Tuy nhiên, tình trạng giãn dây chằng lại khiến các khớp xương bị nới lỏng, mất ổn định vì vậy mà khiến cho bà bầu dễ bị nhức mỏi khi di chuyển và vận động.

Đau khớp khi mang thai do lười vận động

Cơ thể người phụ nữ trong thời gian mang thai sẽ có nhiều thay đổi ở cả bên trong lẫn bên ngoài. Thể trạng mệt mỏi, nặng nề khiến nhiều thai phụ có thói quen lười vận động. Điều này dẫn tới hệ thống xương khớp bị chèn ép thường xuyên, giảm độ linh hoạt, trở nên dễ bị tổn thương và đau nhức.

bà bầu lười vận động khiến cho xương khớp giảm độ linh hoạt, trở nên dễ bị tổn thương và đau nhức.
Bà bầu lười vận động khiến cho xương khớp giảm độ linh hoạt, trở nên dễ bị tổn thương và đau nhức.

Chế độ ăn uống không hợp lý

Dinh dưỡng trong thời gian mang thai có vai trò vô cùng quan trọng. Chế độ ăn không lành mạnh gây thiếu hụt vi chất dinh dưỡng hoặc khiến mẹ bầu tăng cân quá nhanh đều làm gia tăng nguy cơ đau khớp trong thai kỳ. Bà bầu bị đau nhức xương khớp thường có các thói quen ăn uống xấu như:

Bổ sung quá nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng và thường xuyên ăn quá no khiến cơ thể tăng cân nhanh và gia tăng áp lực chèn ép lên hệ thống xương khớp.

Thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm gây hại như rượu bia, cà phê, nước ngọt có ga, thức ăn nhanh, đồ ngọt, đồ mặn… làm giảm khả năng hấp thu canxi và kích thích phản ứng viêm ở các ổ khớp.

Chế độ ăn thiếu cân bằng, nghèo dinh dưỡng, dẫn tới thiếu hụt các dưỡng chất có vai trò quan trọng trong việc tạo xương như canxi, vitamin D, sắt, magie…

Tiền sử chấn thương

Các bà bầu có tiền sử chấn thương thường dễ bị khởi phát các cơn đau nhức trong quá trình mang thai, đặc biệt là từ tháng thứ 4 trở đi. Cơn đau nhức xương có thể âm ỉ kéo dài trong suốt thai kỳ và thậm chí là trong vài tháng đầu sau khi sinh nở.

Bà bầu đau nhức xương khớp do thói quen sinh hoạt

Bên cạnh chế độ ăn không hợp lý và thói quen lười vận động, một vài thói quen sinh hoạt thiếu khoa học khác cũng có thể là nguyên nhân gây đau nhức xương khớp khi mang thai. Giờ giấc sinh hoạt không ổn định, làm việc quá sức, căng thẳng quá mức, thường xuyên đi giày cao gót, vận động nhiều, ngủ sai tư thế, duy trì một tư thế quá lâu… đều là các yếu tố làm gia tăng nguy cơ đau nhức xương ở bà bầu.

Biểu hiện của bệnh xương khớp

Ngoài các nguyên nhân thông thường, tình trạng có bầu đau nhức xương khớp cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý xương khớp mà phổ biến nhất có thể kể đến như:

  • Loãng xương: loãng xương là tình trạng suy giảm mật độ khiến xương ngày càng trở nên giòn, xốp và dễ gãy. Đây là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ sau sinh và người cao tuổi, tuy nhiên cũng có thể xảy ra ở phụ nữ mang thai do thiếu hụt canxi và vitamin D trầm trọng.
  • Đau vai gáy: là hội chứng đau nhức xương khớp khá phổ biến ở các thai phụ và sản phụ. Cơn đau nhức ở vùng cổ – vai – gáy có thể lan xuống vùng bả vai, cánh tay và ngón tay; ngoài ra còn thường đi kèm với hiện tượng tê cứng gáy gây đau và khó khăn khi cúi gập hay xoay cổ.
  • Thoát vị đĩa đệm: phụ nữ mang thai cũng có nhiều nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm do sự gia tăng áp lực đè nặng lên cột sống. Các cơn đau nhức do thoát vị đĩa đệm thường bắt đầu từ hông, mông, kéo dài xuống đùi và cẳng chân; kèm theo đó là các triệu chứng châm chích, tê bì, yếu cơ.
Đau vai gáy là một trong những hội chứng đau nhức xương khớp khá phổ biến ở các thai phụ và sản phụ.
Đau vai gáy là một trong những hội chứng đau nhức xương khớp khá phổ biến ở các thai phụ và sản phụ.

Đau nhức xương khớp khi mang thai do suy tuyến giáp

Tỷ lệ bà bầu bị đau nhức xương khớp do suy tuyến giáp là rất nhỏ tuy nhiên nhóm nguyên nhân này vẫn cần được xem xét tới.

Đau nhức xương khớp trong thai kỳ do suy tuyến giáp có thể kiểm soát tốt nếu được phát hiện và điều trị sớm. Bởi vậy, bà bầu nên cảnh giác trước các dấu hiệu đau nhức xương khớp, chủ động đi khám chuyên khoa để có thể kịp thời xử lý nếu không may mắc phải bệnh lý này.

Triệu chứng đau nhức xương khớp khi mang thai

Đau nhức xương khớp khi mang thai thường rất dễ nhận biết, các triệu chứng điển hình nhất bao gồm:

  • Cơ thể nặng nề, thường xuyên nhức mỏi. Tư thế đi đứng thay đổi và vùng lưng dưới bị đau nhiều.
  • Ống cổ tay, rãnh cổ tay bị đau nhức, tê bì, ngứa ngáy gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và làm việc.
  • Các khớp chân bị đau do dây thần kinh vùng mông bị kích thích.
  • Vùng xương chậu và xương hông bị đau nhức nghiêm trọng vào những tháng cuối của thai kỳ.
  • Xuất hiện tình trạng đau cổ, đau vai do bị giãn dây chằng tử cung. Cảm giác đau rõ rệt hơn khi thai phụ thay đổi tư thế.

Bà bầu bị đau nhức xương khớp có nguy hiểm không?

Đau nhức xương khớp khi mang thai thông thường chỉ tác động đến sức khỏe của mẹ chứ hầu như không gây ảnh hưởng đến thai nhi. Tình trạng đau nhức khiến cho mẹ bầu thường xuyên mệt mỏi, gặp khó khăn trong sinh hoạt và làm việc, đồng thời có thể làm suy giảm chất lượng giấc ngủ. Bên cạnh đó, bà bầu bị viêm khớp dạng thấp sẽ phải đối diện với nguy cơ mắc bệnh răng nướu và tiền sản giật cao hơn.

Nhức mỏi xương khiến cho mẹ bầu thường xuyên mệt mỏi, khó chịu và gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và làm việc
Đau nhức xương khớp khiến cho mẹ bầu thường xuyên mệt mỏi, khó chịu và gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và làm việc.

Mặc dù tình trạng viêm khớp thông thường không ảnh hưởng đến quá trình sinh nở và cũng rất ít có khả năng di truyền từ mẹ sang con. Tuy nhiên, nếu không áp dụng các biện pháp chăm sóc và điều trị kịp thời, các cơn đau nhức tăng nặng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thai phụ. Trong một số ít trường hợp, em bé sinh ra cũng có thể bị gầy yếu, nhẹ cân hơn so với tiêu chuẩn do ảnh hưởng của đau nhức xương ở người mẹ trong quá trình mang thai.

Chính vì vậy, bà bầu không nên chủ quan trước các dấu hiệu đau nhức mà nên chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa và khắc phục ngay từ sớm để hạn chế những tác động tiêu cực mà đau nhức xương khớp có thể gây ra.

Các biện pháp hỗ trợ giảm đau khớp khi mang thai

Việc chăm sóc sức khỏe cho thai phụ cần hết sức thận trọng. Bà bầu tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc điều trị xương khớp trong thời gian mang thai. Các bài thuốc dân gian cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Trong trường hợp cần thiết, phải thăm khám và sử dụng thuốc theo đơn kê của bác sĩ.

Bên cạnh đó, để chủ động phòng ngừa và cải thiện các triệu chứng đau nhức xương khi mang thai, bà bầu nên áp dụng một số biện pháp hỗ trợ tại nhà dưới đây.

Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ cho bà bầu bị đau nhức xương khớp

Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ trong quá trình mang thai không chỉ giúp bà bầu cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp mà còn mang lại nhiều lợi ích tích cực khác, làm giảm tình trạng mệt mỏi và giúp cho các hoạt động sinh hoạt diễn ra thuận lợi hơn. Một số dụng cụ hỗ trợ đặc biệt hữu ích cho bà bầu bị đau nhức xương khớp có thể kể đến như:

  • Gối ngủ cho bà bầu: các loại gối ngủ cho bà bầu được thiết kế với hình chữ J hoặc chữ U. Sử dụng gối ngủ giúp nâng đỡ vùng bụng, giảm áp lực lên cột sống thắt lưng, tránh tình trạng nhức mỏi do thường xuyên duy trì một tư thế ngủ và tạo cảm giác thoải mái giúp mẹ bầu dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
  • Đai đỡ bụng bầu: đây là một dụng cụ chuyên dụng cho bà bầu để làm giảm áp lực tác động từ thai nhi lên hệ thống xương khớp và các cơ quan xung quanh. Sử dụng đai đỡ bụng bầu giúp thai phụ kiểm soát hiệu quả tình trạng đau khớp, đồng thời đi lại, vận động và sinh hoạt dễ dàng hơn.
Bà bầu nên sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như gối ngủ và đai đỡ bụng bầu để phòng ngừa và kiểm soát tình trạng nhức mỏi trong thai kỳ.
Bà bầu nên sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như gối ngủ và đai đỡ bụng bầu để phòng ngừa và kiểm soát tình trạng đau nhức xương khớp trong thai kỳ.

Áp dụng các biện pháp giảm đau tại nhà

Khi các cơn đau nhức xương khởi phát, áp dụng một số mẹo đơn giản tại nhà sẽ giúp bà bầu cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Các biện pháp giảm đau an toàn cho phụ nữ có thai bao gồm:

  • Chườm ấm: các trường hợp đau nhức xương do lười vận động, dẫn tới lưu thông máu kém, không đủ để nuôi dưỡng ổ khớp nên chườm ấm để giảm đau. Với khoảng từ 10-15 phút chườm, bà bầu sẽ cảm thấy dễ chịu hơn do tuần hoàn máu được tăng cường, không gian trong ổ khớp giãn nở và các dây thần kinh và dây chằng được giải phóng.
  • Chườm lạnh: nếu các khớp bị sưng viêm và phù nề, chườm lạnh sẽ giúp làm co mạch máu, giảm viêm, từ đó cải thiện các cơn đau nhức rõ rệt.
  • Tắm nước ấm: tắm nước ấm là biện pháp làm giảm đau nhức toàn thân rất đơn giản đồng thời lại hiệu quả và an toàn cho bà bầu. Nước ấm sẽ giúp thư giãn các dây thần kinh và mạch máu, từ đó giảm căng thẳng, mệt mỏi và các cơn đau nhức khó chịu.
  • Xoa bóp: xoa bóp cùng dầu nóng cũng là một biện pháp hiệu quả giúp mẹ bầu thư giãn và giảm cảm giác khó chịu, mệt mỏi do đau nhức xương trong thai kỳ. Tuy nhiên bà bầu lưu ý chỉ nên massage nhẹ nhàng, không được bấm huyệt hay châm cứu trong quá trình mang thai. Bởi nếu không may tác động lên các huyệt đạo nhạy cảm sẽ có thể gây động thai và thậm chí là sảy thai.
Xoa bóp cùng dầu nóng giúp mẹ bầu thư giãn và giảm cảm giác khó chịu, mệt mỏi do đau nhức xương trong thai kỳ
Xoa bóp cùng dầu nóng giúp mẹ bầu thư giãn và giảm cảm giác khó chịu, mệt mỏi do đau nhức xương trong thai kỳ.

Điều chỉnh lối sống để cải thiện đau khớp khi mang thai

Bên cạnh các biện pháp giảm đau tạm thời, bà bầu cần xây dựng chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý để có thể kiểm soát tình trạng đau nhức xương hiệu quả nhất. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng liên quan tới ăn uống, sinh hoạt và tập luyện cho bà bầu trong thời gian mang thai:

  • Xây dựng thực đơn ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thai nhi để đảm bảo cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết cho con nhưng không khiến mẹ bầu bị tăng cân đột ngột.
  • Tăng cường sử dụng các loại thực phẩm lành mạnh, có lợi cho sức khỏe xương khớp như cá, tôm, cua, sữa, thịt trắng, các loại rau có màu xanh đậm, các loại hạt, đậu… Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm không tốt như đồ ăn chế biến sẵn, thức ăn nhiều dầu mỡ, các loại đồ uống có cồn, nước ngọt có ga…
  • Mẹ bầu chỉ nên vận động nhẹ nhàng, hạn chế đi lại quá nhiều, mang vác vật nặng và đi giày cao gót. Bên cạnh đó, cần giảm khối lượng công việc, tăng cường thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ từ 7-9 tiếng/ngày và tránh để căng thẳng thần kinh.
  • Từ tháng thứ 4 của thai kỳ, mẹ bầu có thể luyện tập thêm các bài tập yoga hay bơi lội nhẹ nhàng để giúp cơ thể thư giãn, tăng độ dẻo dai, cải thiện các triệu chứng nhức mỏi xương và hỗ trợ quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi hơn.
  • Mẹ bầu cần chế độ nghỉ hơi hợp lý, điều độ, tránh căng thẳng stress,…

Bà bầu bị đau nhức xương khớp – Khi nào nên thăm khám bác sĩ?

Đau nhức xương khớp khi mang thai thông thường không đáng ngại và có thể được kiểm soát hiệu quả bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên trong một số trường hợp, các cơn đau nhức có thể là biểu hiện của tình trạng thiếu canxi trầm trọng hoặc do các bệnh lý xương khớp gây nên. Bà bầu nên chủ động tới bệnh viện thăm khám nếu thấy xuất hiện các triệu chứng sau:

  • Các ổ khớp, đốt sống tê cứng và ê mỏi.
  • Xuất hiện các dấu hiệu chèn ép dây thần kinh như cảm giác tê bì, nóng ran.
  • Đau nhức ở mức độ nặng khiến bà bầu không thể làm việc và thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
  • Đau nhức xương kéo dài và ngày càng nghiêm trọng hơn.
  • Đau nhức đi kèm với sốt, mệt mỏi, ăn uống kém.

Đau nhức xương là một trong những vấn đề sức khỏe thường gặp ở phụ nữ mang thai. Bà bầu bị đau nhức xương khớp không nên quá lo lắng mà hãy chủ động phòng ngừa và kiểm soát bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Nếu các cơn đau nhức vẫn không thuyên giảm sau khi đã tích cực điều chỉnh lối sống, hãy tới bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt để tìm ra nguyên nhân và được tư vấn hướng xử trí phù hợp.

Xem thêm:

Array

Triệu chứng:

Thuốc chữa

Dinh dưỡng

Tập luyện

Bài Viết Liên Quan

Chuyên khoa

Đặt lịch khám chữa bệnh

05/11

hôm nay

06/11

Ngày mai

07/11

Ngày kìa

+

Khác