Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Đau nhức xương khớp toàn thân là bệnh gì? Nên điều trị thế nào?
Đau nhức xương khớp toàn thân là vấn đề sức khỏe phổ biến ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên đây là tình trạng không nên xem nhẹ bởi ngoài các nguyên nhân thông thường, nhức mỏi toàn thân có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý xương khớp nguy hiểm. Các triệu chứng đau nhức vì vậy nên được theo dõi thận trọng và can thiệp y tế nếu có dấu hiệu tăng nặng hoặc kéo dài.
Nguyên nhân gây đau nhức xương khớp toàn thân
Nhức mỏi xương khớp toàn thân có thể khởi phát từ một trong số các nguyên nhân thuộc hai nhóm sau đây.
Nguyên nhân cơ học
Khi bị đau nhức xương khớp toàn thân, trước hết người bệnh nên rà soát lại tiền sử chấn thương, thói quen sinh hoạt – vận động, yếu tố stress và cân nặng. Vì rất có thể đây là các nguyên nhân làm khởi phát cơn đau nhức.
- Lười vận động: thói quen lười vận động, thường xuyên ngồi, nằm một chỗ, không tập thể dục sẽ khiến cho xương khớp giảm độ linh hoạt và dễ bị đau nhức.
- Vận động quá sức: thường xuyên lao động nặng nhọc hoặc mang vác nặng khiến hệ thống cơ – xương phải chịu nhiều áp lực, gây ra đau nhức và tình trạng thoái hóa sớm.
- Ngồi, nằm hoặc vận động sai tư thế: các thói quen xấu thường gặp như ngồi gù lưng, ngủ gối quá cao hoặc quá thấp, cúi xuống nâng vật nặng… đều gây hại cho cột sống và làm khởi phát các cơn đau nhức.
- Chấn thương: tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc tai nạn do luyện tập thể thao có thể gây ra những tổn thương cho hệ thống xương khớp. Những chấn thương này nếu không được phát hiện và điều trị dứt điểm sẽ để lại di chứng lâu dài, gây ra tình trạng đau nhức xương tái phát thường xuyên.
- Béo phì: trọng lượng cơ thể lớn khiến cho các khớp xương phải chịu áp lực lớn hơn và nhanh thoái hóa hơn. Người béo phì vì vậy dễ gặp phải tình trạng đau xương khớp khắp người, đặc biệt là các vị trí khớp đóng vai trò lớn trong việc nâng đỡ cơ thể như đầu gối, cột sống, gót chân…
- Rối loạn giấc ngủ: khó ngủ, ngủ không sâu giấc, thiếu ngủ sẽ khiến cơ thể ở trong tình trạng nhức mỏi, uể oải vào sáng hôm sau.
- Stress: căng thẳng, lo âu thường xuyên cũng là một trong những tác nhân gây ra và làm trầm trọng hơn tình trạng nhức mỏi toàn thân.
Nhức mỏi xương khớp toàn thân do nguyên nhân bệnh lý
Bên cạnh các nguyên nhân thông thường, tình trạng đau nhức xương khớp khắp người rất có thể là triệu chứng của các bệnh lý xương khớp thường gặp dưới đây:
- Thoái hóa khớp: thoái hóa khớp là hiện tượng tất yếu diễn ra cùng quá trình lão hóa và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây đau nhức xương khớp toàn thân. Thoái hóa khớp khiến cho các sụn khớp bị bào mòn, bị vỡ, các gai xương hình thành chèn ép lên các dây thần kinh gây ra các cơn đau nhức.
- Thoát vị đĩa đệm: là tình trạng bao xơ đĩa đệm bị rách khiến nhân nhầy tràn ra ngoài, chèn ép rễ thần kinh gây ra đau nhức. Đau xương khớp do thoát vị đĩa đệm thường xuất hiện ở vùng cổ và thắt lưng, lan xuống hai bên cánh tay và hai chân.
- Loãng xương: loãng xương cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra đau nhức xương khớp toàn thân. Loãng xương khiến cho xương trở nên giòn, xốp và dễ gãy. Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi.
- Viêm đa khớp dạng thấp: triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm đa khớp dạng thấp là viêm nhiều khớp đối xứng (như khớp cổ tay, khớp háng, khớp đầu gối…) gây ra tình trạng đau nhức và co cứng các khớp về gần sáng.
- Đau thần kinh tọa: khi dây thần kinh tọa (hay dây thần kinh hông to) bị kích thích, những cơn đau nhức dữ dội có thể xuất hiện. Cơn đau thần kinh tọa điển hình thường bắt đầu từ hông, lan xuống thắt lưng, mông, đùi và chân. Ngoài đau nhức, người bệnh còn có thể có cảm giác ngứa ran, châm chích và tê yếu bàn chân.
- Lao xương: là bệnh lý xuất hiện khi hệ thống xương khớp bị vi trùng lao tấn công. Trong trường hợp lao xương đa ổ, tổn thương xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau và gây ra các cơn đau nhức toàn thân.
Bên cạnh các bệnh lý xương khớp, triệu chứng nhức mỏi toàn thân cũng có thể xuất phát từ một vài bệnh lý khác như cảm cúm, viêm phổi hay bệnh đa xơ cứng… Thông thường, chỉ dựa trên các dấu hiệu lâm sàng là không đủ mà người bệnh sẽ cần thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác nhất về nguyên nhân gây đau nhức xương khớp toàn thân.
Dấu hiệu đau mỏi xương khớp toàn thân
Đau nhức xương khớp toàn thân thường biểu hiện với các triệu chứng rất rõ ràng. Phổ biến nhất bao gồm:
- Các cơn đau nhức xương khớp xảy ra đồng thời hoặc nối tiếp nhau tại vị trí nhiều khớp trên cơ thể.
- Các cơn đau cấp tính thường xuất hiện trong thời gian ngắn và có thể dễ dàng xác định nguyên nhân. Trong khi các cơn đau mạn tính thường bộc phát bất ngờ và không rõ nguyên nhân, sau đó dần cải thiện nhưng vẫn duy trì dai dẳng trong thời gian dài.
- Tình trạng cứng khớp có thể xuất hiện khi duy trì quá lâu một tư thế hoặc vào sáng sớm sau khi thức dậy.
- Trong trường hợp các dây thần kinh bị tổn thương hoặc chèn ép, người bệnh có thể có cảm giác tê buốt toàn thân.
- Đau nhức toàn thân có thể khiến người bệnh luôn ở trong tình trạng mệt mỏi, khó chịu, đau đầu, chóng mặt, căng thẳng thần kinh, lo âu, mất ngủ.
Ngoài ra, đau nhức xương khớp toàn thân còn có thể đi kèm một vài triệu chứng hiếm gặp hơn như ớn lạnh, rùng mình, sốt, đổ mồ hôi vào ban đêm, sụt cân không rõ lý do… Nếu cơ thể có các biểu hiện này, người bệnh tốt nhất nên sớm đi khám để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và có hướng xử trí kịp thời.
Điều trị đau nhức xương khớp toàn thân
Bệnh đau nhức xương khớp toàn thân có thể được điều trị hiệu quả bằng cả Tây và Đông y. Mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng, việc lựa chọn hướng điều trị nào phụ thuộc vào tình trạng bệnh và nhu cầu cá nhân của từng người.
Điều trị bằng thuốc Tây y
Các nhóm thuốc điều trị đau nhức xương khớp bao gồm thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid, thuốc giãn cơ và thuốc chống trầm cảm. Điều trị đau nhức xương khớp bằng thuốc Tây thông thường đem lại hiệu quả nhanh, tuy nhiên lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng tới các cơ quan bộ phận khác trong cơ thể.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là phương pháp hỗ trợ giảm đau, kháng viêm và giúp phục hồi chức năng xương khớp thông qua sử dụng các tác động cơ học và vật lý với cường độ và mức độ phù hợp. Các phương pháp vật lý trị liệu được áp dụng phổ biến nhất hiện nay bao gồm: kéo giãn, vận động trị liệu, nhiệt trị liệu, quang trị liệu, điện trị liệu và thủy trị liệu.
Vật lý trị liệu hiện nay thường được kết hợp với xoa bóp, bấm huyệt nhằm đem lại hiệu quả phục hồi chức năng nhanh chóng nhất.
Phẫu thuật
Điều trị ngoại khoa thông thường được áp dụng cho các trường hợp thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp. Nếu bệnh lý ở mức độ nặng, không khắc phục được thông qua điều chỉnh lối sống và điều trị nội khoa, phẫu thuật nội soi hoặc thay khớp có thể được chỉ định để sớm cải thiện đau nhức và ngăn ngừa nguy cơ teo cơ, bại liệt.
Điều trị đau nhức xương khớp toàn thân bằng thuốc Đông y
Sử dụng thuốc Đông y là giải pháp điều trị đau nhức xương khớp an toàn, lành tính và có khả năng khắc phục tận gốc căn nguyên gây bệnh. Tuy nhiên, lời khuyên cho các bệnh nhân là không nên tin vào các bài thuốc nam không rõ nguồn gốc, được bán theo lời truyền miệng, thổi phồng công dụng. Thay vào đó hãy tìm tới các cơ sở YHCT uy tín, để có thể an tâm về chất lượng, nguồn gốc của thuốc và được các bác sĩ Đông y trực tiếp thăm khám và kê đơn đúng bệnh.
Sử dụng các bài thuốc dân gian trị đau nhức xương khớp
Trước khi tìm tới các bài thuốc đặc trị, bệnh nhân bị nhức mỏi xương có thể áp dụng các bài thuốc dân gian trị đau nhức xương khớp để cải thiện bệnh lý mới khởi phát, còn ở mức độ nhẹ. Dưới đây là một vài bài thuốc thông dụng nhất, đã được nhiều người bệnh áp dụng thành công:
Bài thuốc từ lá lốt
- Chủ trị: đau nhức xương khớp, tê thấp, chân tay lạnh.
- Cách làm: lấy 10g lá khô hoặc 20g lá tươi sắc với 3 bát nước tới khi còn 2 bát. Chia làm 2 lần, uống trong ngày.
Trị đau nhức xương bằng cây xấu hổ
- Chủ trị: bài thuốc từ cây xấu hổ có tác dụng giảm viêm, sưng, giúp cải thiện đau nhức xương khớp, tay chân tê bại.
- Cách làm: lấy rễ cây xấu hổ rửa sạch, thái mỏng, tẩm rượu trắng rồi đem sao thơm. Dùng 20-30g rễ cây đã sao sắc với 400ml nước, tới khi còn khoảng 100ml thì dừng lại, chắt lấy nước chia làm 2 lần uống trong ngày. Sử dụng liên tục trong 7-10 ngày.
Bài thuốc từ cây cỏ xước
- Cây cỏ xước là vị thuốc lành tính, có tác dụng rất tốt trong việc giảm đau, kháng viêm.
- Cách làm: lấy rễ cỏ xước rửa sạch, phơi khô. Dùng 10-15g sắc thuốc uống hàng ngày để cải thiện bệnh.
Biện pháp phòng ngừa và kiểm soát đau nhức xương khớp toàn thân
Đau nhức xương khớp dù xuất phát từ nguyên nhân nào và kéo dài trong bao lâu cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống người bệnh. Chủ động bảo vệ sức khỏe xương khớp bằng các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp chúng ta giảm thiểu nguy cơ đau nhức và hạn chế những tác động tiêu cực có thể xảy ra
Các biện pháp điều chỉnh lối sống sau đây không chỉ có tác dụng phòng ngừa mà còn giúp ích cho quá trình điều trị trong trường hợp cơn đau khởi phát:
- Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả, và các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của xương như canxi, vitamin D, vitamin C, sắt,…
- Điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, hạn chế sử dụng các loại thực phẩm gây hại như đồ ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn, nước ngọt có gas… để phòng tránh nguy cơ béo phì và viêm khớp.
- Tạo thói quen ăn ngủ điều độ, đúng giờ. Thức khuya, làm việc quá sức và căng thẳng thường xuyên đều là các yếu tố kích thích và làm nghiêm trọng hơn tình trạng nhức mỏi toàn thân.
- Chú ý duy trì tư thế đúng trong làm việc và sinh hoạt hàng ngày như: ngồi thẳng lưng, ngồi xuống để nâng vật nặng thay vì cúi xuống, để điện thoại ngang tầm mắt khi sử dụng…
- Không nên nằm nhiều, ngồi nhiều mà cần duy trì thói quen vận động thường xuyên. Có thể tập thể thao nhẹ nhàng, vừa sức để tăng cường cơ bắp và giúp xương chắc khỏe hơn.
- Khi bị đau nhức xương khớp khắp người, hãy tăng cường nghỉ ngơi và áp dụng các biện pháp giảm đau tại nhà như chườm nóng, chườm lạnh, xoa bóp, tắm nước ấm… để cải thiện triệu chứng trước khi sử dụng thuốc giảm đau.
Đau nhức xương khớp toàn thân thông thường là vấn đề không đáng lo ngại. Khi cơn đau khởi phát, hãy dành thời gian nghỉ ngơi và tích cực áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Nếu sau khoảng 1 tuần các triệu chứng vẫn không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu tăng nặng, hãy nhanh chóng tới bệnh viện để thăm khám xác định nguyên nhân và được điều trị kịp thời.
Xem thêm: