Xoa bóp bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm không cần dùng thuốc

Ngày cập nhật: 03/04/2024 Biên tập viên: Nguyễn Trang

Thoát vị đĩa đệm gây ra nhiều triệu chứng đau nhức, khó chịu và làm suy giảm vận động vùng cột sống và các khu vực xung quanh. Nếu không điều trị bệnh có thể gây chèn ép quá mức và dẫn đến tình trạng bại liệt. Do đó, để ngăn chặn triệu chứng thoát vị nặng hơn bạn có thể áp dụng cách xoa bóp bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm hàng ngày.

Xoa bóp bấm huyệt chữa bệnh thoát vị đĩa đệm hiệu quả không?

Thoát vị đĩa đệm là bệnh thường gặp ở vị trí cột sống cổ và thắt lưng. Bệnh gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng đối tượng dễ mắc nhất là lứa tuổi lao động. Nguyên nhân chính gây ra bệnh là do thói quen sinh hoạt và làm việc không khoa học.

Có nhiều phương pháp để điều trị hiệu quả bệnh thoát vị đĩa đệm. Trong đó liệu pháp xoa bóp bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm là một phương pháp điều trị ngoại khoa không xâm lấn được nhiều bệnh nhân áp dụng.

Phương pháp này trực tiếp tác động vào da thịt, thần kinh, mạch máu, các cơ quan cảm thụ trên da làm thay đổi về thần kinh, thể dịch, nội tiết. Qua đó tăng cường dinh dưỡng tại chỗ, giãn cơ, giảm đau, hạn chế quá trình thoái hóa, giảm thoát vị và phục hồi chức năng vận động.

Có thể thực hiện xoa bóp bấm huyệt để làm giảm triệu chứng thoát vị đĩa đệm
Có thể thực hiện xoa bóp bấm huyệt để làm giảm triệu chứng thoát vị đĩa đệm

Theo quan điểm của Y học cổ truyền, bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống nằm trong nhóm tọa cốt phong, yêu cước thống. Nguyên nhân gây bệnh do tình trạng can thận suy kém, phong hàn thấp thừa hư xâm phạm kinh bàng quang, kinh đởm và kinh khí bế tắc gây ra.

Chính vì vậy, có thể hoàn toàn dùng phương pháp xoa bóp, bấm huyệt để tác động lên vùng thoát vị đĩa đệm giúp làm giảm cơn đau và hỗ trợ phục hồi.

Tác dụng khi áp dụng phương pháp xoa bóp bấm huyệt đối với người bệnh:

  • Thúc đẩy lưu thông máu: Bấm huyệt, xoa bóp có thể thúc đẩy quá trình lưu thông máu và hỗ trợ chữa lành các triệu chứng thoát vị.
  • Giảm căng thẳng: Khi bị đau nhức, người bệnh thường căng thẳng và lo lắng quá mức và chúng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình phục hồi thoát vị đĩa đệm. Do đó, bấm huyệt giúp cơ thả lỏng và ngăn ngừa các vấn đề mãn tính liên quan đến thoát vị đĩa đệm.
  • Thư giãn cơ bắp: Cơ bắp có xu hướng căng lên khi đĩa đệm bị chấn thương và gây ảnh hưởng đến cột sống và đĩa đệm. Vì vậy, khi tác dụng một lực vừa phải lên vùng cơ bắp có thể giúp cơ khớp không còn căng cứng, khó chịu nữa.
  • Cải thiện tính linh hoạt: Bệnh có thể dẫn đến cứng khớp và cơ khắp cơ thể gây ảnh hưởng đến khả năng vận động của cơ khớp. Do đó xoa bóp giúp cải thiện các hoạt động ở cột sống và các bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng, hỗ trợ phục hồi chức năng và tăng cường khả năng chuyển động.
  • Mang lại cảm giác hạnh phúc: Khi bấm huyệt có thể hỗ trợ giải phóng endorphin của cơ thể – hormone này có thể thúc đẩy cảm giác hài lòng, hạnh phúc và cải thiện cơn đau do thoát vị hiệu quả.

Xoa bóp bấm huyệt mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể như vậy nên người bệnh có thể cân nhắc và áp dụng điều trị bệnh cho mình.

Hướng dẫn các bước xoa bóp bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm

Khi tiến hành xoa bóp, bấm huyệt điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm cần tuân thủ theo các bước sau:

Xác định vị trí huyệt đạo 

Trước tiên, cần tiến hành xác định các huyệt đạo có ảnh hưởng đến vùng đĩa đệm. Đây là bước cực kỳ quan trọng, nếu xác định sai bệnh sẽ không thuyên giảm và có thể gia tăng hoặc dẫn đến một số ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cần xác định vị trí huyệt đạo trước khi tiến hành xoa bóp bấm huyệt
Cần xác định vị trí huyệt đạo trước khi tiến hành xoa bóp bấm huyệt

Một số huyệt đạo khi tác động có khả năng suy giảm triệu chứng thoát vị đĩa đệm nhanh chóng gồm:

Huyệt vùng cổ:

  • Huyệt Á thị: Huyệt này còn gọi là huyệt Thiên ứng hay huyệt Bất định. Huyệt không nằm ở 1 vị trí nhất định, người bệnh có thể xác định bằng cách ấn vào vị trí đau.
  • Huyệt Phong trì: Có vị trí nằm ở chỗ lõm giữa bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài của cơ thang nằm bám vào đáy của hộp sọ.
  • Huyệt Kiên tỉnh: Huyệt nằm ở vị trí chỗ lõm của đỉnh vai, dễ dàng xác định bằng cách giơ ngang tay ra, sẽ thấy huyệt ở vị trí lõm trên vai.
  • Huyệt Hậu khê: Khi nắm bàn tay lại có thể xác định huyệt này nằm ở nếp ngang thứ 2 của khớp bàn tay và ngón tay út.

Huyệt vùng thắt lưng:

  • Huyệt Thận du: Nằm ở vùng thắt lưng, dưới gai sống thắt lưng 2, cách đốt sống này 1,5 thốn sang ngang.
  • Huyệt Đại trường du: Dưới gai sống thắt lưng 4, đo ngang ra 1,5 thốn, nằm ngang huyệt Yêu Dương Quan.
  • Huyệt Can du: Dưới gai sống lưng 9, đo ngang ra 1, 5 thốn, ngang vị trí huyệt Cân Súc.
  • Huyệt Hoàn khiêu: Nằm ở vị trí chỗ lõm sau dưới mấu chuyển lớn của xương đùi, hoặc nằm ở 1/3 ngoài và 2/3 trong đoạn mấu chuyển xương đùi và khe xương cùng.
  • Huyệt Thừa phù: Nằm ở vị trí giữa nếp lằn chỉ mông, ở chính ụ ngồi của xương chậu.
  • Huyệt Túc tam lý: Huyệt ở dưới gối 3 thốn, tại chỗ nổi lên của gân cơ lớn ngoài cẳng chân.
  • Huyệt Uỷ trung: Huyệt này nằm ngay chính giữa nếp lằn khoeo chân.
  • Huyệt Phong thị: Huyệt nằm ở mặt ngoài của đùi, tại phần đường rãnh 2 gân mặt ngoài đùi trước và đùi sau.
  • Huyệt Thừa sơn: Huyệt nằm giữa đường nối huyệt ủy trung và gót chân, dưới ủy trung 8 thốn, ở ngay vị trí lõm giữa 2 khe cơ sinh đôi trong và ngoài.
  • Huyệt Côn lôn: Là huyệt nằm giữa khe gân cơ mác bên ngắn và gân cơ mác bên dài, trước gân gót chân và ở sau đầu dưới của xương chày
  • Huyệt Chiếu hải: Nằm ở chỗ lõm ngay dưới mắt cá trong cách 01 thốn, khe giữa gân cơ cẳng chân sau và cơ gấp các ngón chân.

Ngoài ra, trong một số trường hợp bệnh có thể xác định thêm một số huyệt liên quan như: huyệt Túc lâm khấp, huyệt Thái xung,…

Lưu ý: Nếu không thể tự xác định vị trí các huyệt đạo trên, hãy nhờ đến sự hướng dẫn của các chuyên gia, bác sĩ để đảm bảo an toàn, tránh sai lầm đáng tiếc.

Áp dụng đúng kỹ thuật xoa bóp bấm huyệt chữa bệnh 

Nguyên tắc khi xoa bóp bấm huyệt chữa đĩa đệm bị thoát vị cần đảm bảo: Thư cân hoạt lạc, hoạt huyết chỉ thống.

Do đó, khi thực hiện cần tuân thủ theo các bước sau:

Bước 1: Làm mềm và giãn cơ vùng cổ vai gáy hoặc vùng lưng mông

  • Tư thế của bệnh nhân: Nằm sấp, toàn thân thư giãn, vùng ngực áp vào đệm giường, 2 tay để dọc thân và 2 chân duỗi thẳng.
  • Tư thế của người thực hiện: Người thực hiện đứng về phía bên đau của bệnh nhân.
Các bước làm mềm và giãn cơ rất quan trọng không nên bỏ qua
Các bước làm mềm và giãn cơ rất quan trọng không nên bỏ qua

Thao tác thực hiện: 

  • Xoa: Sử dụng ngón tay, gốc bàn tay hoặc mô của ngón tay út, ngón cái xoa nhẹ nhàng vùng đau nhức do thoát vị đĩa đệm. Tiến hành xoa từ bên không đau đến bên đau trong thời gian 5 phút.
  • Day: Dùng gốc bàn tay, mô ngón tay út, mô ngón cái rồi hơi dùng sức ấn xuống da người bệnh dọc theo hai bên khối cơ cạnh xương sống từ phía không đau đến phía đau của bệnh nhân. Thực hiện động tác chậm và dùng lực vừa phải trong khoảng 3 phút.
  • Bóp: Sử dụng cả bàn tay bóp vào vị trí cơ vùng thoát vị bị đau. Người thực hiện có thể vừa bóp vừa kéo cơ và da lên với mức độ nhẹ nhàng tròng khoảng 3 – 5 phút. Chú ý không nên dùng lực bóp ở đầu các ngón tay vì có thể gây đau cho bệnh nhân.
  • Lăn: Dùng mô ngón tay út và 4 ngón còn lại lăn dọc theo hai khối cơ cạnh xương sống trong thời gian là 5 phút.

Các động tác này có tác dụng làm mềm và làm nóng cơ khớp. Qua đó giúp giảm tình trạng căng cứng và giúp thực hiện các bước tiếp theo dễ dàng hơn.

Bước 2: Bấm huyệt đúng kỹ thuật

Sau khi giãn cơ khớp, người thực hiện tiếp hành dùng ngón tay cái, mô ngón tay cái và gốc bàn tay hoặc khuỷu tay bấm lần lượt vào các vị trí huyệt đã xác định trước đó. Thời gian bấm và giữ mỗi huyệt trong khoảng 20 – 30 giây, lực bấm tùy thuộc vào sức chịu đựng của bệnh nhân.

Thực hiện bấm huyệt đúng cách mang lại hiệu quả giảm triệu chứng thoát vị nhanh chóng
Thực hiện bấm huyệt đúng cách mang lại hiệu quả giảm triệu chứng thoát vị nhanh chóng

Khi thực hiện bấm đúng huyệt sẽ làm cho cơ vùng bị thoát vị của bệnh nhân trở nên mềm ra, giãn tối đa, không còn có cảm giác căng cứng và thoải mái hơn.

Bước 3: Kéo giãn cột sống bằng tay

Sau khi bấm huyệt, để bệnh nhân nằm sấp, hai tay bám chặt ở thành trên của giường. Người thực hiện đứng ở phía chân bệnh nhân, nắm lấy 2 chân rồi dùng lực kéo dọc theo chiều cơ thể của bệnh nhân. Nếu thực hiện đúng các động tác này sẽ khiến cho cột sống được giãn ra, các khớp vận động dễ dàng và giúp hỗ trợ đĩa đệm trở về vị trí ban đầu.

Lưu ý khi xoa bóp bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm

Các động tác xoa bóp, bấm huyệt có tác dụng giảm triệu chứng bệnh thoát vị đĩa đệm an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, để bệnh cải thiện nhanh chóng và hiệu quả người bệnh cần:

  • Không nên tự ý thực hiện bấm huyệt điều trị tại nhà, vì việc tác động sai huyệt đạo có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn. Tốt nhất người bệnh nên đến các phòng khám, bệnh viện uy tín để được chuyên gia bấm huyệt chuyên sâu.
  • Không áp dụng phương pháp xoa bóp, bấm huyệt cho phụ nữ đang mang thai, trẻ em,…
  • Sau khi thực hiện người bệnh nên nghỉ ngơi từ 15 – 30 phút để thư giãn cơ thể.
  • Người bệnh cần xây dựng và thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, giàu canxi tốt cho xương khớp.
  • Nên tập các bài tập thể dục tốt cho người bị thoát vị đĩa đệm hoặc vận động nhẹ như bơi lội, đạp xe, yoga,… Các bài tập này giúp có thể thư giãn, nâng cao sức khỏe và cải thiện xương khớp hiệu quả.
  • Phương pháp xoa bóp, bấm huyệt này chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, do đó, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kết hợp sử dụng thêm các phương pháp đặc trị khác.

Xoa bóp bấm huyệt chữa thoát vị đĩa đệm mang lại hiệu quả giảm đau nhức và cải thiện chức năng xương khớp hiệu quả. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có thể vận dụng điều trị hàng ngày giúp đẩy lùi triệu chứng bệnh nhanh chóng, an toàn.

Tham khảo thêm

Array

Chuyên khoa

Bệnh học

Đặt lịch khám chữa bệnh

21/11

hôm nay

22/11

Ngày mai

23/11

Ngày kìa

+

Khác