Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Cấy Chỉ Chữa Liệt Dây Thần Kinh Số 7: Quy Trình, Lưu Ý An Toàn
Phương pháp cấy chỉ chữa liệt dây thần kinh số 7 nhận được rất nhiều sự quan tâm từ người bệnh. Vậy phương pháp chữa bệnh này có thực sự mang lại hiệu quả tốt không? Quy trình thực hiện thế nào và cần lưu ý gì khi cấy chỉ? Bài viết dưới đây chuyên gia Thần kinh tại Đông Phương Y Pháp sẽ giải đáp cụ thể những câu hỏi này.
Phương pháp cấy chỉ chữa liệt dây thần kinh số 7 là gì?
Liệt dây thần kinh số 7 đặc trưng với các triệu chứng như méo mặt, méo miệng, mắt không thể nhắm kín,… Nếu không được điều trị sớm sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: Co thắt nước mặt, các bệnh về mắt, cơ co không tự chủ,…
Hiện nay, phương pháp cấy chỉ chữa liệt dây thần kinh số 7 được ứng dụng phổ biến trong Y học. Đây là phương pháp kết hợp cả Đông và Tây y. Theo đó, bác sĩ sẽ dùng kim châm đưa chỉ phẫu thuật (thường là chỉ catgut tự tiêu) vào một số huyệt vị trên cơ thể.
Cơ chế chữa bệnh của phương pháp cấy chỉ liệt dây thần kinh số 7 như sau: Chỉ catgut khi được đưa vào các huyệt đạo phù hợp sẽ thực hiện nhiệm vụ kích thích cơ thể sản sinh kháng thể chống viêm, đả thông kinh lạc, cân bằng âm dương. Từ đó cơ thể thư giãn, tăng tuần hoàn máu và giải phóng hệ thần kinh đang bị chèn ép, giúp phục hồi tổ chức thần kinh, cải thiện triệu chứng liệt dây thần kinh số 7 hiệu quả.
Cấy chỉ liệt dây thần kinh số 7 hiệu quả tốt không?
Phương pháp cấy chỉ chữa liệt dây thần kinh số 7 được đánh giá hiệu quả rất tốt. So với phương pháp châm cứu truyền thống thì phương pháp cấy chỉ mang lại nhiều ưu điểm hơn như:
- Rút ngắn thời gian khỏi bệnh: Phương pháp cấy chỉ phát huy hiệu quả nhanh hơn so với châm cứu thông thường. Thông thường, liệu trình trị liệu từ 14 – 20 ngày sẽ cho tác dụng rõ rệt, trong khi đó phương pháp châm cứu sẽ 1 – 2 tháng mới bắt đầu phát huy hiệu quả.
- Tỷ lệ hồi phục cao: Theo số liệu thống kê thực tế, có hơn 90% bệnh nhân phục hồi hoàn toàn di chứng chỉ sau 2 – 3 lần cấy chỉ. Nhưng điều kiện tiên quyết là được điều trị sớm và đúng kỹ thuật. Trường hợp bệnh nặng, lâu năm sẽ cần kết hợp xoa bóp bấm huyệt để tăng tốc độ hồi phục.
- Giúp cơ mặt hoạt động bình thường lại: Phương pháp này giúp phục hồi chức năng của dây thần kinh, nhờ đó cơ mặt có thể hoạt động trở lại bình thường và khắc phục toàn bộ triệu chứng của bệnh như méo miệng, méo mặt, không thể nhắm mắt,…
- An toàn cho người bệnh: Chữa liệt dây thần kinh số 7 bằng cấy chỉ không cần phẫu thuật dao kéo và cũng không cần dùng thuốc. Do đó, người bệnh không bị đau đớn, hạn chế tối đa tác dụng phụ từ thuốc hoặc biến chứng nguy hiểm từ phẫu thuật. Điều này giúp bệnh nhân phục hồi nhanh mà không tốn nhiều thời gian nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả tích cực nhất và đảm bảo an toàn cho người bệnh, cần thực hiện cấy chỉ chữa liệt dây thần kinh số 7 tại những đơn vị bệnh viện, phòng khám uy tín, bác sĩ điều trị có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm.
Quy trình điều trị cấy chỉ chữa liệt dây thần kinh số 7
Dưới đây là thông tin chi tiết về các huyệt vị được ứng dụng trong cấy chỉ chữa liệt dây thần kinh số 7 và quy trình thực hiện cụ thể.
Huyệt vị ứng dụng trong cấy chỉ chữa liệt dây thần kinh số 7
Trước khi tiến hành điều trị cấy chỉ, bác sĩ sẽ thăm khám và kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân. Đồng thời, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ với những huyệt đạo cụ thể cần tác động trong buổi trị liệu và dự kiến về liệu trình điều trị bệnh. Một số huyệt đạo được ứng dụng phổ biến trong điều trị liệt dây thần kinh số 7 gồm:
- Huyệt Đồng Tử Liêu: Huyệt cách đuôi mắt 5 phân, lấy ngang đuôi mắt, ngay chỗ lõm sát ngoài đường khớp mỏm ngoài mắt xương gò má với xương trán.
- Huyệt Thái Dương: Huyệt nằm ngay tại điểm lõm nhất gần bên ngoài của mỏm ổ mắt xương gò má. Đây cũng là điểm nối giữa đuôi lông mày với đuôi mắt.
- Huyệt Dương Bạch: Vị trí nằm ngay trên đường thẳng qua chính giữa trán và mắt, cách lông mày 1 thốn.
- Huyệt Toản Trúc: Huyệt nằm ở chỗ lõm đầu trong của chân mày, thẳng ngay trên phía góc mắt.
- Huyệt Ngư Yêu: Nằm ở vị trí điểm giữa cung lông mày.
- Huyệt Tình Minh: Vị trí huyệt Tình Minh nằm gần mắt, cách phần đầu trong góc mắt khoảng 0.1 đốt giữa của ngón tay trỏ.
- Huyệt Quyền Liêu: Huyệt nằm dưới xương gò má, là điểm giao giữa chân cánh mũi ngang ra với bờ ngoài của mắt theo chiều hướng thẳng xuống.
- Huyệt Giáp Xa: Nằm ở vị trí phía trước góc hàm và ngay tại bờ dưới của xương hàm dưới một khoát ngón tay. Khi khép miệng, cắn chặt răng, phần nhô lên của cơ cắn là huyệt Giáp Xa.
- Huyệt Nhân Trung: Huyệt Nhân Trung nằm ở vùng môi trên, tại điểm chính giữa của vùng rãnh lõm nối sống mũi và môi.
- Huyệt Địa Thương: Nằm trên đường đi ngang qua mép với rãnh mép mũi, cách khóe miệng 0.4 thốn.
- Huyệt Nghinh Hương: Vị trí nằm bên cạnh cánh mũi, ngay trên đường rãnh mũi má, cách cánh mũi khoảng 0.5 thốn.
- Huyệt Thừa Tương: Nằm ở đáy chỗ lõm, tại điểm chính giữa và dưới môi dưới, nằm trên đường dọc giữa hàm dưới.
- Huyệt Phong Trì: Là phần lõm sau gáy cơ thang bám chắc vào hộp sọ, xác định bằng cách vuốt dọc 2 ngón tay cái từ gáy theo chiều đi xuống qua một ụ xương, tới chỗ lõm nằm giữa hai khối cơ nối phía sau gáy chính là vị trí huyệt.
- Huyệt Hợp Cốc: Vị trí huyệt Hợp Cốc nằm trên nền thịt, giữa ngón trỏ và ngón cái, hơi lệch về phía với ngón trỏ, ở đường giữa đi qua xương bàn ngón hai.
Quy trình thực hiện cấy chỉ chữa liệt dây thần kinh số 7
Để kết quả cấy chỉ tốt nhất và đảm bảo yếu tố an toàn, quy trình các bước thực hiện cần tuần tự các bước đúng kỹ thuật. Cụ thể như sau:
Dụng cụ chuẩn bị
- Phòng trị liệu khử khuẩn vô trùng
- Dụng cụ y tế: Kim châm và chỉ catgut đã được khử khuẩn.
- Dụng cụ hỗ trợ khác: Bông gạc, kẹp, găng tay y tế, cồn vô trùng, khay đựng.
- Thuốc hỗ trợ: Thuốc chống choáng.
Các bước cấy chỉ
- Bước 1: Người bệnh được bác sĩ đo tim mạch, huyết áp, ổn định tâm lý trước khi tiến hành thực hiện.
- Bước 2: Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân nằm ở tư thế thuận tiện và để lộ các huyệt vị.
- Bước 3: Bác sĩ vệ sinh tay và đeo găng tay vô trùng.
- Bước 4: Cắt chỉ catgut thành các đoạn có chiều dài từ 1 – 2cm rồi luồn vào lòng kim.
- Bước 5: Xác định vị trí chuẩn xác của các huyệt vị, sau đó sát trùng sạch sẽ.
- Bước 6: Đưa kim qua da, dùng lực vừa đủ đẩy từ từ kim để chỉ lưu lại trong huyệt đạo, sau đó rút kim.
- Bước 7: Đặt gạc đã vô trùng vào vị trí huyệt vừa được cấy chỉ, cuối cùng dùng băng dính cố định gạc.
Lưu ý: Trạng thái trước khi cấy chỉ, người bệnh trước khi cấy chỉ chữa bệnh không ăn quá no, không để bụng quá đói. Đặc biệt, trong thời gian này tuyệt đối không dùng rượu bia, đồ uống có cồn hoặc chất kích thích. Không chỉ làm giảm hiệu quả trị bệnh mà còn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện biến chứng.
Sau khi cấy chỉ
Sau khi kết thúc buổi trị liệu, người bệnh cần nằm nghỉ ngơi 30 phút tại cơ sở y tế để bác sĩ theo dõi phản ứng của cơ thể sau khi cấy chỉ. Nếu xuất hiện tai biến, bác sĩ sẽ kịp thời xử lý, cụ thể như:
- Đau sưng nơi cấy chỉ: Thực hiện phương pháp chườm đá hoặc sử dụng thuốc chống viêm phù nề (nếu cần).
- Chảy máu: Sử dụng bông gạc khô đã vô khuẩn ấn tại chỗ, không day cho đến khi máu ngừng chảy.
- Dị ứng: Bác sĩ kê đơn thuốc trị dị ứng cho người bệnh.
- Vựng châm: Đây là trường hợp người bệnh có phản ứng như chóng mặt, buồn nôn, tái mặt, hoa mắt, đổ mồ hôi, người lạnh, mạch nhanh, tụt huyết áp,… Tùy từng phản ứng bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp xử lý phù hợp.
Sau khi kết thúc điều trị cấy chỉ, người bệnh vận cần tuân thủ lịch tái khám được bác sĩ chỉ định. Điều này nhằm theo dõi sát sao khả năng tiếp nhận điều trị của người bệnh, đồng thời có biện pháp điều trị và phòng ngừa nguy cơ tái phát.
Lưu ý an toàn khi cấy chỉ chữa liệt dây thần kinh số 7
Phương pháp cấy chỉ giúp cải thiện triệu chứng liệt dây thần kinh số 7 và thúc đẩy phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Tuy nhiên, để đảm bảo phát huy hiệu quả cao và an toàn cho người bệnh, cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Thực hiện tại bệnh viện uy tín: Cấy chỉ cần được thực hiện tại những bệnh viện, phòng khám chuyên khoa uy tín, có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và chuyên môn để đảm bảo kỹ thuật cấy chỉ chính xác, đồng thời có thể kiểm soát và xử lý những tai biến không mong muốn an toàn nhất.
- Theo dõi phản ứng sau điều trị: Chuyên gia cho biết, sau khi kết thúc quá trình điều trị, người bệnh cần nằm im khoảng 15 – 20 phút để bác sĩ theo dõi các phản ứng của cơ thể. Nếu xuất hiện những dấu hiệu bất thường sẽ thăm khám và có biện pháp xử lý.
- Chế độ dinh dưỡng sau cấy chỉ: Người bệnh sau khi cấy chỉ điều trị liệt dây thần kinh số 7 cần kiêng ăn rau muống, thịt bò, thịt gà và thực phẩm từ gạo nếp như xôi, bánh chưng. Các thực phẩm này sẽ gây hình thành sẹo và khiến vết cấy chỉ có thể sưng viêm. Thay vào đó, người bệnh nên bổ sung nhiều rau củ, trái cây để bổ sung vitamin, khoáng chất, giúp thúc đẩy sức khỏe phục hồi.
- Điều chỉnh thói quen khi tắm: Người bệnh tuyệt đối không tắm khuya, không tắm bằng nước lạnh. Nên điều chỉnh nhiệt độ nước mức ấm, đồng thời khi tắm cần dội nước từ phần chân trở lên, không dội nước đột ngột lên đầu sẽ dễ bị cảm và liệt dây thần kinh số 7.
- Giữ ấm cơ thể: Người bệnh luôn giữ ấm cơ thể, hạn chế tối đa tiếp xúc gió lạnh, đặc biệt là gió thu đông. Khi đi tàu xa, nên tránh nằm gần cửa sổ gió lùa. Đồng thời không nên ra ngoài vào nửa đêm nếu không thực sự cần thiết bởi gió đêm rất lạnh và độc. Nếu vào mùa hè, không bật điều hòa quá lạnh hoặc để gió điều hòa, gió quạt thổi thẳng vào người khi ngủ.
Giải đáp câu hỏi liên quan
Dưới đây là một số câu hỏi về phương pháp cấy chỉ chữa liệt dây thần kinh số 7 được nhiều người quan tâm.
Ai nên và không nên thực hiện cấy chỉ chữa liệt dây thần kinh số 7?
Phương pháp cấy chỉ phù hợp cho người bị liệt dây thần kinh số 7 do nhiễm lạnh, chấn thương, nhiễm vi khuẩn hoặc virus.
Một số trường hợp được khuyến cáo không thực hiện điều trị bằng phương pháp này bao gồm:
- Trường hợp liệt dây thần kinh số 7 do nguyên nhân u não, áp xe não.
- Bệnh nhân đang hôn mê, bị suy hô hấp hoặc tai biến mạch máu não.
- Người bệnh tâm thần, trí tuệ không minh mẫn.
- Người bị suy gan thận nặng, không đủ điều kiện sức khỏe để tiến hành cấy chỉ.
Thời gian cấy chỉ chữa bệnh trong bao lâu?
Thông thường mỗi buổi cấy chỉ sẽ được thực hiện trong khoảng 30 phút đến 1 tiếng tùy tình trạng cụ thể của mỗi người bệnh. Thời điểm để điều trị buổi tiếp theo cách lần điều trị đầu tiên khoảng 7 đến 14 ngày.
Cấy chỉ chữa liệt dây thần kinh số 7 có đau không?
Chuyên gia cho biết, phương pháp cấy chỉ cũng tương tự như châm cứu, khi thực hiện bệnh nhân chỉ cảm thấy đau nhẹ như kiến cắn hoặc thậm chí một số người bệnh không cảm thấy đau đớn gì. Đặc biệt, so với châm cứu truyền thống (châm kim khoảng 5 – 10 phút) thì cấy chỉ chỉ đau nhẹ trong khoảng 1 phút cho quá trình đưa chỉ catgut vào huyệt đạo.
Chi phí cấy chỉ chữa liệt dây thần kinh sọ 7 hết bao nhiêu?
Chi phí cấy chỉ chữa liệt dây thần kinh sọ 7 trung bình khoảng 150.000 – 300.000 VNĐ/lần. Nhưng mức giá này có thể chênh lệch tăng hoặc giảm phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, mức độ bệnh của người bệnh và đơn vị thực hiện,… Vậy nên để biết mức chi phí cụ thể, người bệnh cần đến bệnh viện trực tiếp thăm khám.
Trên đây là một số thông tin về biện pháp cấy chỉ chữa liệt dây thần kinh số 7. Mong rằng thông qua đó, bạn có thêm kiến thức hữu ích để lựa chọn được phương pháp điều trị bệnh hiệu quả. Nhưng lưu ý, cần đảm bảo lựa chọn đơn vị tiến hành cấy chỉ uy tín, chất lượng tốt để đảm bảo hiệu quả và độ an toàn tối đa.