Thoái Hoá Khớp Tay

Ngày cập nhật: 20/02/2024 Biên tập viên: Nguyễn Trang

Ở nước ta, thoái hóa khớp tay là một bệnh xương khớp thường gặp, chiếm tỉ lệ 14% trong các vị trí thoái hóa khớp. Bệnh gây đau đớn và ảnh hưởng đến quá trình vận động và sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân. Cùng tham khảo các thông tin trong bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về bệnh lý này.

Thoái hóa khớp tay là gì?

Thoái hóa khớp tay là thuật ngữ chung dùng để chỉ các tình trạng thoái hoá xương khớp phát sinh ở cổ tay, bàn tay và ngón tay.

Hầu hết các trường hợp gặp phải thoái hóa khớp cổ tay, bàn tay, ngón tay thuộc độ tuổi 60 – 65. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh chiếm đến 75% trường hợp. Nguyên nhân chủ yếu là do nồng độ hormone estrogen trong cơ thể thay đổi làm ảnh hưởng đến sức khỏe sụn khớp. Tuy nhiên, trên thực tế, bệnh thoái hóa khớp tay vẫn có nguy cơ gặp phải ở những người chưa đến 60 tuổi bởi nhiều yếu tố khác nhau.

Thông tin tổng quan về bệnh thoái hoá khớp tay
Thông tin tổng quan về bệnh thoái hoá khớp tay

Phần lớn những người mắc chứng thoái hóa khớp tay đều phải chịu đựng tình trạng cứng, sưng khớp, lực tay yếu đi đáng kể và đau nhức khó tả mỗi khi dùng tay để sinh hoạt hàng ngày.

Hơn nữa, thoái hóa lâu ngày không chỉ ảnh hưởng đến xương khớp mà còn tác động tiêu cực đến nhiều bộ phận xung quanh như mạch máu, dây thần kinh,… Nếu bệnh lý này không được kiểm soát tốt và chữa trị kịp thời, rủi ro gặp phải có thể là tê liệt hoặc thậm chí là tàn phế tay hoàn toàn.

Nguyên nhân gây bệnh thoái hoá khớp tay

Có nhiều yếu tố kích hoạt bệnh thoái hoá khớp tay, trong số đó, những nguyên nhân phổ biến gây bệnh có thể kể đến như:

Tuổi tác

Thoái hóa là quá trình tự nhiên diễn ra theo thời gian của cơ thể gây suy giảm chức năng xương khớp. Khi về già, phụ nữ hay bị thiếu hụt estrogen – hormone giới tính góp phần duy trì sức khỏe xương khớp. Do vậy nên phụ nữ dễ bị ảnh hưởng của tình trạng thoái hóa hơn so với đàn ông.

Thêm vào đó, hệ tuần hoàn của người cao tuổi không còn được như bình thường. Từ đó dẫn đến tế bào khớp tay không nhận đủ hồng cầu mang oxy và các chất dinh dưỡng. Lúc này, không chỉ sức khỏe mà cả khả năng chịu đựng của khớp tay trước áp lực hàng ngày sẽ suy giảm, dần dần trở thành bệnh thoái hóa.

Tiền sử mắc bệnh cơ xương khớp và một số bệnh lý liên quan

Mặc dù thoái hóa khớp tay phổ biến ở người cao tuổi nhưng trên thực tế, người trẻ tuổi vẫn có nguy cơ gặp phải bệnh lý này. Trong trường hợp này, thoái hoá khởi phát từ các tình trạng viêm xương khớp xảy ra sau chấn thương nhưng không được điều trị kịp thời và hiệu quả. Các chấn thương này có thể là gãy xương, trật khớp hay viêm khớp dạng thấp,…

Ngoài ra, đôi khi, bệnh thoái hóa khớp còn là biến chứng của một số bệnh mãn tính như gout hay đái tháo đường.

Một vấn đề khác gây nên thoái hoá, đặc biệt ở bàn tay và ngón tay, là tình trạng thiếu canxi. Đây cũng là tình trạng thường gặp của không ít phụ nữ đang trong độ tuổi tiền mãn kinh hoặc mãn kinh.

Tay thường xuyên hoạt động

Những người làm việc cần sử dụng tay nhiều như lao động chân tay, nội trợ, thợ thủ công,… rất dễ bị thoái hóa khớp tay sớm. Hầu hết thoái hóa sẽ diễn ra ở tay thuận nhiều hơn so với tay không thuận.

Bệnh thường gặp ở những trường hợp thường xuyên phải hoạt động bàn tay
Bệnh thường gặp ở những trường hợp thường xuyên phải hoạt động bàn tay

Khi khớp tay hoạt động thường xuyên, lâu dần các khớp sẽ bị khô, lực ma sát giữa phần xương tăng dần gây ra bệnh. Ở những đối tượng này, bàn tay thường tê mỏi nên khó khăn hơn trong việc nhận diện các triệu chứng của thoái hoá.

Việc xác định đúng nguyên nhân gây nên thoái hoá khớp tay có thể giúp bệnh nhân dễ dàng tìm kiếm giải pháp điều trị hiệu quả hơn. Do vậy, khi xuất hiện các dấu hiệu của bệnh, bạn đọc nên đến các chuyên khoa xương khớp để được thăm khám.

Một số dấu hiệu, triệu chứng thường gặp

Triệu chứng thoái hóa khớp cổ tay, bàn tay, ngón tay có thể nhận biết dễ dàng thông qua cảm nhận:

  • Đau khớp: Trong thời gian đầu, người bệnh có cảm giác đau nhức âm ỉ và khó chịu ở các khớp. Dần dần, cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn và thường tái phát. Lúc này bệnh nhân có thể bị đau nhói, khó uốn cong các khớp ở ngón tay. Ngoài ra, đau khớp có thể trầm trọng hơn khi thời tiết lạnh, sử dụng khớp nhiều hay lặp đi lặp lại một động tác, ấn mạnh và khi ít vận động.
  • Cứng khớp: Cứng và đau khớp thường đi kèm với nhau khiến người bệnh không thể uốn cong hoặc duỗi thẳng các khớp ngón tay. Cứng khớp thường nặng hơn vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc khi không sử dụng tay.
  • Sưng, đỏ khớp: Thoái hóa sẽ kích hoạt phản ứng viêm gây ra tình trạng sưng tấy và đỏ ửng ở các khớp. Đối với những khớp ở gần đầu ngón tay, nút sưng to được gọi là nút Herberden. Còn đối với các khớp giữa của ngón tay, nút sưng được gọi là Bouchard.
  • Xuất hiện tiếng kêu lục cục: Khi cử động bệnh nhân sẽ nghe thấy tiếng kêu lục cục ở các khớp. Nguyên nhân là do âm thanh của các đầu xương ma sát tại khớp – nơi có sụn khớp bị thoái hóa.
  • Nóng ran: Đôi khi bệnh nhân có cảm giác nóng rang ở các khớp bị tổn thương, đặc biệt là khi sử dụng khớp.
  • Hạn chế khả năng vận động: Tình trạng thoái hóa khớp tay làm mất đi tính linh hoạt ở các khớp. Điều này gây khó khăn không nhỏ trong việc uốn cong và duỗi bàn tay, khiến cho bàn tay khó cầm nắm đồ vật hoặc giảm thiểu độ bám.
Đau và cứng khớp là những biểu hiện đầu tiên của bệnh thoái hoá khớp tay
Đau và cứng khớp là những biểu hiện đầu tiên của bệnh thoái hoá khớp tay

Bàn tay phải là vị trí hay bị bệnh thoái hóa hơn vì đa số chúng ta đều thuận tay phải, sử dụng tay phải nhiều hơn trong công việc và sinh hoạt. Trong số các ngón tay thì ngón cái, ngón giữa và ngón trỏ có nguy cơ bị bệnh cao hơn các ngón còn lại.

Còn trong các vị trí khớp ở từng ngón thì tỷ lệ thoái hoá ở khớp gốc ngón tay là cao nhất. Do đây là khớp có hình yên ngựa, có chức năng cầm, nắm đồ vật nên dễ bị tổn thương.

Các trường hợp thoái hoá khớp tay phổ biến

Các xương và khớp ở tay kết nối lại với nhau cho phép cổ tay và các ngón tay cử động linh hoạt. Tuy nhiên tình trạng viêm và thoái hóa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí kết hợp nào. Bên cạnh đó bệnh thoái hoá khớp tay có thể xuất hiện ở một hoặc ở cả hai bàn tay.

Ngoài ra một số vị trí xương khớp có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn những khớp còn lại là:

  • Khớp IP: Có ba xương nhỏ ở mỗi ngón tay và chúng được ngăn cách bởi các khớp được gọi là khớp IP (khớp giữa). Khớp liên não gần (PIP) là khớp IP gần với khớp MCP nhất còn khớp liên não xa (DIP) là khớp gần đầu ngón tay.
  • Khớp MCP: Xương bàn tay là các xương ở trong lòng bàn tay. Chúng được kết nối với các ngón tay bằng khớp metacarpophalangeal (MCP). Những khớp này cho phép chúng ta duỗi thẳng và uốn cong các ngón tay.

Do các khớp này phải hoạt động nhiều hơn trong quá trình làm việc, sinh hoạt hàng ngày nên cũng thường gặp phải tình trạng thoái hoá hơn cả.

Cách điều trị thoái hóa khớp tay hiệu quả

Việc chẩn đoán thoái hóa khớp tay sẽ bắt đầu bằng tiền sử bệnh. Bác sĩ sẽ thảo luận về sự xuất hiện của chấn thương trong quá khứ và khuynh hướng của các bệnh tự miễn dịch và viêm khớp. Trong quá trình khám sức khỏe, các khía cạnh khác của chẩn đoán bao gồm:

  • Xác định các đặc điểm đau.
  • Cho người bệnh tập các bài tập thụ động và tích cực để đánh giá những thay đổi trong phạm vi chuyển động tay.
  • So sánh giải phẫu và chức năng của cả cổ tay, bàn tay và các ngón tay.
  • Chụp X-quang để hình dung những thay đổi trong xương và sụn ở tay.
  • Xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh lý khác.

Nhìn chung, vấn đề về xương khớp thoái hoá khớp tay ở vị trí cổ tay, bàn tay hay ngón tay thường được điều trị bằng các phương pháp như sau:

Giảm đau bằng các biện pháp điều trị tại nhà

Dưới đây là một số cách chữa trị bệnh, người bệnh có thể tham khảo.

  • Nghỉ ngơi phù hợp: Người bệnh nên nghỉ ngơi nhiều hơn để giảm đau nhức, sưng viêm. Cần ngưng các hoạt động trong khoảng 1 – 2 tuần và hạn chế sử dụng tay để vận động nặng.
  • Chườm lạnh: Sử dụng đá chườm lạnh là cách giúp giảm đau nhức tức thời. Người bệnh có thể sử dụng một túi nước đá đặt trong túi nhựa và chườm lên vùng cổ tay, bàn tay trong khoảng 15 phút.
  • Kê cao khuỷu tay: Đưa cao khuỷu tay lên ngang ngực sẽ giúp giảm sưng và đau đớn do bệnh thoái hóa khớp khuỷu tay, cổ tay gây ra. Người bệnh chỉ cần chống khuỷu tay lên trên chăn để giúp cổ tay thoải mái hơn.
  • Dùng nẹp, băng bàn tay: Biện pháp này sẽ giúp cố định cổ tay, bàn tay bị thoái hóa. Nẹp sẽ hỗ trợ giảm áp lực lên vùng tay khi thực hiện một số hoạt động nhất định.
  • Áp dụng một số bài thuốc dân gian: Với các nguyên liệu từ cà gai leo, cây cỏ xước, lá ngải cứu,… bệnh nhân có thể kiểm soát các triệu chứng do bệnh thoái hóa tay gây ra.

Với những trường hợp người bệnh bị thoái hóa khớp bàn tay ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể áp dụng các cách điều trị bệnh tại nhà để kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị chứ không thể điều bệnh khỏi hoàn toàn.

Điều trị thoái hoá bằng phương pháp của Tây y

Các phương pháp điều trị theo Tây y đều hướng đến mục tiêu bảo tồn chức năng xương khớp và cải thiện các triệu chứng của bệnh. Người bệnh thoái hóa khớp tay cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tránh gây biến chứng teo cơ, huyết áp, loãng xương, đái tháo đường,…

Dùng thuốc điều trị

Một số loại thuốc điều trị phổ biến thường được kê đơn:

  • Thuốc giảm đau thông thường: paracetamol, acetaminophen, alaxan, tramadol,…
  • Thuốc giảm đau chống viêm không steroid NSAID: Diclofenac, Ibuprofen, Piroxicam, Naproxen,Meloxicam,…
  • Thuốc giãn cơ.
  • Thuốc chống trầm cảm.
Các loại thuốc tân dược giúp người bệnh giảm đau nhanh chóng
Các loại thuốc tân dược giúp người bệnh giảm đau nhanh chóng

Các loại thuốc này giúp kiểm soát triệu chứng đau nhức, sưng tấy, nóng đỏ và cứng khớp do bệnh gây ra. Tuy nhiên, đây không phải là một giải pháp tối ưu, nếu bệnh nhân lạm dụng thuốc sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Phẫu thuật

Với các trường hợp thoái hoá khớp tay ở giai đoạn nặng, sau khi các phương pháp điều trị nội khoa không đạt được hiệu quả như mong đợi, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật.

Các phương pháp phẫu thuật thường được chỉ định gồm có:

  • Phẫu thuật nội soi nhằm làm sạch khớp.
  • Tái tạo tổn thương dưới sụn bằng kỹ thuật nội soi.
  • Phẫu thuật cấy xương sụn tự thân vào tổn thương.
  • Đục xương sửa trục.
  • Thay khớp nhân tạo.

Phẫu thuật chữa thoái hóa khớp tay khá tốn kém và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như: Nhiễm trùng, xuất huyết, đau kéo dài ở khu vực điều trị… Sau mổ, người bệnh cần tập vật lý trị liệu và tránh sử dụng bàn tay làm việc nặng trong một thời gian để sớm phục hồi được chức năng vận động.

Điều trị bệnh bằng các bài thuốc Đông y

Cách điều trị thoái hóa khớp ngón tay, bàn tay bằng Đông y tuy thời gian kéo dài nhưng lại an toàn, lành tính và đạt được nhiều hiệu quả khả quan. Các bài thuốc Đông y trị thoái hoá khớp tay đều là sự kết hợp các thảo dược có tác dụng bồi bổ khí huyết, thông kinh mạch. Đồng thời bài thuốc này còn có tác dụng làm mạnh gân cốt, tăng sức đề kháng và tăng cường chức năng gan thận cho người sử dụng.

Bài thuốc 1:

Chuẩn bị:

  • Tế tân, cam thảo, quế nhục mỗi loại 4g;
  • Tần giao, xuyên khung mỗi loại 8g;
  • Phòng phong, bạch thược, bạch phục linh mỗi loại 10g;
  • Đương quy, đỗ trọng, đảng sâm, sinh địa, độc hoạt và ngưu tất mỗi loại 12g.

Cách thực hiện: Đem các nguyên liệu cho vào ấm, đun sôi với nước. Sắc thuốc trong khoảng 30 phút thì có thể sử dụng được. Mỗi ngày dùng đều đặn một thang sẽ giúp giảm đau ở các khớp tay.

Tuỳ từng trường hợp, các thầy thuốc Đông y sẽ kê các bài thuốc khác nhau
Tuỳ từng trường hợp, các thầy thuốc Đông y sẽ kê các bài thuốc khác nhau

Bài thuốc 2:

Chuẩn bị:

  • Đầu vù, hồng đằng, hà thủ ô chế mỗi loại 16g;
  • Bao kim, quế chi mỗi loại 10g;
  • Cam thảo chích, xương bồ, đương quy mỗi loại 12g;
  • Rễ xấu hổ, thổ phục linh mỗi loại 20g
  • Đậu đen 24g.

Cách thực hiện: Đem các nguyên liệu đã chuẩn bị sắc với 1 lít nước đến khi chỉ còn lại khoảng ⅓ thì chia thành 2 lần uống hết trong ngày.

Bài thuốc 3:

  • Chuẩn bị: Lá lốt, rễ cẩu vĩ trùng và rễ bưởi bung mỗi loại 30g.
  • Cách thực hiện: Đem nguyên liệu đã chuẩn bị cắt nhỏ và sao vàng đều, rồi cho vào ấm sắc cùng 1 lít nước cho đến khi còn ⅓ thì mang ra sử dụng.

Trước khi sắc thuốc, bệnh nhân nên ngâm thuốc vào nước ấm hoặc nước sạch trong 15 – 30 phút, để tạo điều kiện cho các hoạt chất tách ra được dễ dàng và rút ngắn hơn thời gian sắc thuốc. Đồng thời, các thuốc sắc trị thoái hoá khớp tay nên được sử dụng hết trong ngày.

Vật lý trị liệu giúp giảm đau, điều trị thoái hóa khớp tay hiệu quả

Với nền y học phát triển như hiện nay, chữa đau nhức do thoái hóa khớp tay không dùng thuốc đang là một bước tiến mới. Các liệu pháp vật lý trị liệu luôn được chỉ định đi kèm phác đồ điều trị bằng thuốc. Dưới đây là một số liệu pháp vật lý trị liệu được áp dụng phổ biến nhất.

Xoa bóp, bấm huyệt

Thay bằng việc dùng thuốc, thầy sĩ sẽ dùng biện pháp xoa bóp, bấm huyệt để hỗ trợ điều trị bệnh. Khi thực hiện, bàn tay, ngón tay của chuyên viên sẽ tác động đến da, dây thần kinh và các huyệt như Huyết hải, Độc tỵ, Túc tam lý, Ủy trung,…

Qua đó, khí huyết và kinh mạch được đả thông, các triệu chứng đau nhức, sưng tấy, tê cứng cũng dần thuyên giảm.

Trị thoái hoá xương khớp bằng vật lý trị liệu đang là xu hướng mới trong điều trị
Trị thoái hoá xương khớp bằng vật lý trị liệu đang là xu hướng mới trong điều trị

Các thủ thuật trong xoa bóp, bấm huyệt cần phải được thực hiện bởi thầy thuốc có chuyên môn cao và kinh nghiệm dày dặn. Do vậy, nếu muốn điều trị bằng các liệu pháp này, bệnh nhân thoái hoá khớp tay nhất định phải tìm đến cơ sở uy tín.

Châm cứu

Cách điều trị bằng châm cứu đông y, người bệnh sẽ được thầy thuốc dùng kim châm tác dụng trực tiếp đến các huyệt vị. Với bệnh thoái hóa khớp tay, có 3 cách châm cứu thường được áp dụng là điện châm, nhu châm và thuỷ châm. Tùy vào mức độ bệnh mà thầy thuốc sẽ thực hiện các biện pháp cũng như lựa chọn kim châm, vị trí huyệt và mức độ tác động cho phù hợp.

Liệu pháp châm cứu giúp tăng cường lưu thông máu đến khớp tay bị thoái hoá để các khớp giảm nhanh đau nhức, viêm sưng. Từ đó mà khôi phục lớp sụn và cơ xương khớp bị tổn thương một cách hiệu quả.

Vận động trị liệu cho người thoái hóa khớp tay

Dưới đây là các bài tập vận động trị liệu được thiết kế bởi chuyên gia xương khớp để khắc phục tình trạng thoái hoá khớp tay.

Luyện tập khớp từng đốt tay

  • Bước 1: Người bệnh đặt một bàn tay lên mặt bàn, bàn tay còn lại đặt lên trên để cố định thẳng các ngón tay và chừa ra một đốt ngón tay cuối cùng.
  • Bước 2: Dần dần co lên và duỗi thẳng các đốt ngón tay cuối, rồi lần lượt đến các đốt ngón tay còn lại.

Luyện tập các khớp ngón tay

  • Bước 1: Người bệnh thoái hoá mở bàn tay ra, dùng ngón cái lần lượt chạm vào các ngón còn lại.
  • Bước 2: Thực hiện lần lượt từ ngón trỏ, ngón giữa đến ngón áp út và cuối cùng là ngón út. Lặp đi lặp lại ở từng bàn tay sẽ cho kết quả tốt.

Luyện tập cơ bàn tay

  • Động tác 1: Bệnh nhân dùng một quả bóng nhỏ và thực hiện bóp hàng ngày.
  • Động tác 2: Người bệnh giữ cánh tay thẳng, rồi mở bàn tay ra sau đó nắm chặt lại, thực hiện động tác này lặp đi lặp lại.
  • Động tác 3: Bệnh nhân duỗi thẳng bàn tay, từ từ uốn cong ngón tay cái về phía ngón út rồi quay về trí ban đầu. Lặp lại nhiều lần động tác này để có kết quả tốt nhất.
Với những trường hợp có nguy cơ cao, tập luyện bàn tay cũng là một biện pháp phòng bệnh
Với những trường hợp có nguy cơ cao, tập luyện bàn tay cũng là một biện pháp phòng bệnh

Vật lý trị liệu sẽ mất một khoảng thời gian nhất định nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh. Người bệnh sẽ nhanh chóng lấy lại sự linh hoạt ở khớp cổ tay, bàn tay, ngón tay. Tuy nhiên, người bệnh cần kiên trì điều trị bệnh mới nhanh chóng khỏi.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt dành cho người bị thoái hóa khớp tay

Để kiểm soát bệnh thoái hóa khớp tay và ngăn chặn không cho bệnh tiến triển nặng thì trong chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, bệnh nhân cần chú ý:

  • Tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin B, C, D, Omega 3, beta-carotene và canxi trong khẩu phần ăn để giúp xương khớp chắc khỏe và có tốc độ hồi phục nhanh hơn.
  • Bổ sung thêm cá biển, ngũ cốc, các loại hạt và chất béo lành mạnh trong thực đơn. Chúng cung cấp cho cơ thể nguồn protein, canxi và các chất chống oxy hóa tự nhiên có thể giúp cải thiện được các triệu chứng của bệnh.
  • Tránh sử dụng các loại đồ ăn giàu calo, đồ béo, thức ăn nhanh, các món cay,…
  • Kiêng sử dụng đồ uống chứa cồn bởi chúng có thể gây hủy hoại xương khớp và cản trở quá trình hấp thu các thuốc điều trị.
  • Hạn chế làm những việc nặng phải sử dụng sức mạnh của bàn tay.
  • Tích cực vận động thể dục thể thao và kiên trì tập luyện các bài tập vận động cho bàn tay để khôi phục chức năng vận động cho khớp bị thoái hoá.

Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp người bệnh thoái hóa khớp tay hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách chữa trị bệnh hiệu quả. Với căn bệnh này, bạn đọc không nên chủ quan, ngay khi nhận thấy những triệu chứng bất thường nên tiến hành thăm khám sớm, tránh các biến chứng có thể xảy ra.

Array

Cách chữa

Thuốc chữa

Dinh dưỡng

Tập luyện

Bài Viết Liên Quan

Giải Pháp

Hệ Giải Pháp Đông Phương Liệu Cốt Khang

Hệ giải pháp Đông Phương Liệu Cốt Khang ứng dụng lý luận Ngũ Liệu Khang Kiện trong chữa bệnh xương khớp của Y học Phương Đông, kết hợp khéo léo 5 phương pháp chính gồm: trị liệu, thuốc y học cổ truyền, vận đông, dinh dưỡng cùng các sản phẩm bổ trợ. Với TÁC ĐỘNG TOÀN DIỆN, ĐA CHIỀU, CẢ TẠI VỊ TRÍ ĐAU và CĂN NGUYÊN GÂY BỆNH, giúp RÚT NGẮN THỜI GIAN, HIỆU QUẢ BỀN VỮNG nhất. Hiện nay, hệ giải pháp được hội đồng chuyên gia đầu ngành tại Đông Phương Y Pháp tiến hành xây dựng, điều trị thành công trên hàng nghìn bệnh nhân.

Xem chi tiết

Tư vấn chuyên môn bài viết

Lương y Phùng Hải Đăng

Biệt thự B31, ngõ 70 Nguyễn Thị Định, Nhân Chính. Thanh Xuân, Hà Nội

Đặt lịch khám chữa bệnh