Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Huyệt Thượng Tinh: Vị Trí Và Cách Tác Động Giảm Đau An Toàn
Huyệt Thượng Tinh là một trong những huyệt đạo quan trọng nằm ở trên đầu, được biết đến với nhiều công dụng trong việc điều trị các bệnh về mũi, đau đầu, mất ngủ, stress,… Hãy cùng tìm hiểu về vị trí, tác dụng và cách khai thông huyệt nhằm cải thiện sức khỏe một cách hiệu quả và an toàn.
Huyệt Thượng Tinh là gì?
Huyệt Thượng Tinh có xuất xứ từ Giáp Ất Kinh, là huyệt đạo thứ 23 thuộc mạch Đốc – một trong những mạch chính có vai trò quan trọng trong điều trị và cân bằng năng lượng cơ thể..
Trong Trung Y Cương Mục phân tích tên huyệt như sau:
- “Thượng” có nghĩa là “ở trên”, ý chỉ vị trí cao của huyệt nằm trên đỉnh đầu, gần trung tâm của hệ thống huyệt đạo trên đầu.
- “Tinh” mang nghĩa là “ngôi sao”, ám chỉ vai trò của huyệt như một điểm sáng hoặc nguồn năng lượng trên đỉnh đầu.
Tên gọi này nhấn mạnh tầm quan trọng của huyệt trong việc điều hòa khí huyết, giúp điều trị các bệnh liên quan đến đầu, mắt, mũi và hệ thần kinh.
Ngoài ra, huyệt có tên gọi khác như huyệt Minh Đường, huyệt Quỷ Đường, huyệt Thần Đường, huyệt Tư Đường.
Vị trí của huyệt Thượng Tinh
Huyệt Thượng Tinh nằm trên đường dọc giữa đầu, ở chính giữa đoạn nối huyệt Bá Hội và Ấn Đường. Dưới đây là 2 cách phổ biến và dễ thực hiện nhất để xác định vị trí huyệt:
Cách 1: Dựa vào huyệt Bá Hội và Ấn Đường
- Xác định huyệt Bá Hội: Huyệt Bá Hội nằm ở điểm cao nhất trên đỉnh đầu, là nơi giao nhau của đường nối hai đỉnh tai và đường dọc giữa đầu.
- Xác định huyệt Ấn Đường: Huyệt Ấn Đường nằm ở điểm giữa hai đầu lông mày.
- Tìm huyệt Thượng Tinh: Huyệt nằm trên đường dọc giữa đầu, chính giữa đoạn nối huyệt Bá Hội và Ấn Đường.
Cách 2: Dùng ngón tay
- Đặt ngón tay trỏ dọc theo sống mũi.
- Di chuyển ngón tay lên phía trên cho đến khi chạm chân tóc.
- Chỗ lõm xuống ở chân tóc chính là huyệt đạo Thượng Tinh.
Đặc điểm giải phẫu:
- Dưới da vùng huyệt đạo là cân sọ, dưới cân sọ chính là xương sọ.
- Da vùng huyệt sẽ được chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.
Tác dụng của huyệt Thượng Tinh
Trong Y học cổ truyền, huyệt Thượng Tinh được ứng dụng trong điều trị nhiều bệnh lý như:
- Cải thiện đau đầu: Huyệt có tác dụng kích thích lưu thông khí huyết, giảm co thắt cơ vùng đầu, từ đó làm giảm đau. Hiệu quả đặc biệt cho các chứng đau đầu do căng thẳng, stress, đau nửa đầu, đau đầu kinh niên và đau đầu do viêm xoang.
- Hỗ trợ điều trị vấn đề về mũi: Huyệt giúp điều trị các vấn đề liên quan đến mũi như viêm mũi dị ứng, chảy nước mũi và ngạt mũi, đồng thời cải thiện triệu chứng cho những người bị viêm xoang.
- Cải thiện thị lực: Day ấn huyệt này giúp tăng cường tuần hoàn máu đến vùng mắt, cải thiện thị lực, giảm mỏi mắt, hỗ trợ điều trị các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị.
- Thúc đẩy sức khỏe tâm lý: Tác động huyệt giúp an thần, tĩnh tâm, giúp giảm căng thẳng, lo âu, stress, cải thiện chất lượng giấc ngủ. Thường xuyên bấm huyệt này còn giúp tăng cường trí nhớ, khả năng tập trung.
Kỹ thuật châm cứu, bấm huyệt Thượng Tinh
Huyệt Thượng Tinh có thể được tác động bằng cả hai phương pháp châm cứu và bấm huyệt, cụ thể như sau:
Châm cứu huyệt:
- Sát trùng: Sát trùng vùng da xung quanh huyệt bằng cồn y tế.
- Châm kim: Dùng kim châm cứu chuyên dụng, châm thẳng đứng vào huyệt với độ sâu khoảng 0.5 – 1 thốn (tương đương 1.5 – 3cm).
- Kích thích: Thực hiện các thủ thuật kích thích như xoay kim, nâng hạ kim để đạt hiệu quả điều trị.
- Rút kim: Sau khi châm khoảng 15 – 20 phút, rút kim ra và sát trùng lại vùng da.
- Lưu ý: Châm cứu huyệt cần được thực hiện bởi bác sĩ Y học cổ truyền có chuyên môn. Không tự ý châm cứu tại nhà để tránh gây tổn thương hoặc nhiễm trùng.
Bấm huyệt Thượng Tinh:
- Rửa sạch tay: Trước khi bấm huyệt, bạn cần rửa sạch tay bằng xà phòng.
- Bấm huyệt: Dùng ngón tay trỏ hoặc ngón giữa day ấn huyệt đạo theo chiều kim đồng hồ.
- Thời gian: Bấm huyệt trong khoảng 1 – 2 phút, có thể lặp lại 2 – 3 lần mỗi ngày.
- Lưu ý: Không nên bấm huyệt quá mạnh, tránh gây đau hoặc tổn thương da. Nếu cảm thấy đau nhức hoặc khó chịu, nên dừng lại và tham khảo ý kiến bác sĩ.
Hướng dẫn phối huyệt Thượng Tinh
Khi phối huyệt Thượng Tinh cùng các huyệt khác có thể giúp tăng hiệu quả điều trị bệnh lý, đặc biệt là triệu chứng liên quan đến đau đầu, mũi, mắt và hệ thần kinh như sau:
- Phối cùng huyệt Bá Hội (Đc.20) + huyệt Thừa Quang (Bq.6) + huyệt Tín Hội (Đc.22): Điều trị mũi nghẹt không ngửi thấy mùi (theo Tư Sinh Kinh).
- Phối cùng huyệt Não Hộ (Đ.17): Điều trị mắt mờ, nhìn không rõ (theo Tư Sinh Kinh).
- Phối cùng huyệt Can Du (Bq.18): Điều trị khóe mắt đau, đỏ, khóe mắt ngứa (theo Tư Sinh Kinh).
- Phối cùng huyệt Não Hộ (Đ.17) + huyệt Phong Trì (Đ.20) + huyệt Tiền Đỉnh (Đc.21) + huyệt Tín Hội (Đc.22): Điều trị mặt sưng đỏ, mặt đau (theo Thiên Kim Phương).
- Phối cùng huyệt Hãm Cốc (Vi.43) + huyệt Khâu Khư (Đ.40): Điều trị sốt rét (theo Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt Bá Hội (Đc.20) + huyệt Hợp Cốc (Đtr.4): Điều trị đầu nhức (theo Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt Nhân Trung (Đc.26) + huyệt Phong Phủ (Đc.16): Điều trị mũi chảy nước trong (theo Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt Hòa Liêu (Đtr.19) + huyệt Nghênh Hương (Đtr.20) + huyệt Ngũ Xứ (Bq.5): Điều trị mũi nghẹt không ngửi thấy mùi thơm (theo Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt Bá Lao + huyệt Hợp Cốc (Đtr.4) + huyệt Phong Phủ (Đc.16): Điều trị chảy máu cam không cầm (theo Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt Phong Trì (Đ.20) + huyệt Thiên Trụ (Bq.10): Điều trị chóng mặt (theo Châm Cứu Tụ Anh).
- Phối cùng huyệt Bá Hội (Đc.20) + huyệt Thần Đình (Đc.24) + huyệt Tiền Đỉnh (Đc.21) + huyệt Tín Hội (Đc.22): Điều trị mắt sưng đỏ, mắt đau (theo Nho Môn Sự Thân).
- Phối cùng huyệt Hợp Cốc (Đtr.4) + huyệt Khúc Sai (Bq.4) + huyệt Phong Môn (Bq.12): Điều trị xoang mũi viêm (theo Thần Cứu Kinh Luân).
- Phối cùng huyệt Bá Hội (Đc.20) + huyệt Tiền Đỉnh (Đc.21): Điều đều châm ra máu, trị quáng gà (theo Y Học Cương Mục).
- Phối cùng huyệt Á Môn (Đc.15) + huyệt Chiếu Hải (Th.6) + huyệt Hợp Cốc (Đtr.4) + huyệt Nội Đình (Vi.44) + huyệt Phong Phủ (Đc.16) + huyệt Túc Tam Lý (Vi.36): Điều trị chảy máu cam (theo Y Học Cương Mục).
- Phối cùng huyệt Bá Hội (Đc.20) + huyệt Địa Ngũ Hội (Đ.42) + huyệt Quang Minh (Đ.37) + huyệt Thần Đình (Đc.24) + huyệt Tiền Đỉnh (Đc.21) + huyệt Tín Hội (Đc.22): Điều trị mắt đột nhiên sưng đau (theo Y Học Cương Mục).
- Phối cùng huyệt Hợp Cốc (Đtr.4) + huyệt Túc Tam Lý (Vi.36): Điều trị xoang mũi viêm (theo Tục Danh Y Loại Án).
- Phối cùng huyệt Cự Liêu (Vi.3) + huyệt Hoàn Cốt (Đ.12) + huyệt Phong Trì (Đ.20) + huyệt Thiên Dũ (Ttu.16) + huyệt Y Hy (Bq.45): Điều trị đầu mặt sưng phù (theo Châm Cứu Toàn Thư).
- Phối cùng huyệt Hợp Cốc (Đtr.4) + huyệt Nghênh Hương (Bq.20) + huyệt Tố Liêu (Đc.25): Điều trị mũi viêm, mũi chảy máu (theo Châm Cứu Học Giản Biên).
- Phối cùng huyệt Bá Hội (Đc.20) + huyệt Hợp Cốc (Đtr.4): Điều trị đầu đau (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Hợp Cốc (Đtr.4) + huyệt Thái Xung (C.3): Điều trị mũi nghẹt, trĩ mũi, xoang viêm (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Tố Liêu (Đc.15): Điều trị chảy máu cam (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Nghênh Hương (Đtr.20) + huyệt Tố Liêu (Đc.15): Điều trị chảy nước mũi trong (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt Hợp Cốc (Đtr.4) + huyệt Liệt Khuyết (P.7) + huyệt Nghênh Hương (Đtr.20): Điều trị mũi sưng, có nhọt (theo Trung Hoa Châm Cứu Học).
- Phối cùng huyệt A Thị Huyệt + huyệt Đầu Duy (Vi.8) + huyệt Hợp Cốc (Đtr.4): Điều trị trước đầu đau (theo Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học).
Việc châm cứu, bấm huyệt Thượng Tinh đúng cách sẽ giúp bạn cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, bạn cần kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc để đạt hiệu quả tốt nhất.
Xem Thêm:
- Huyệt Âm Giao Ở Đâu? Tác Dụng Và Cách Bấm Huyệt, Châm Cứu
- Huyệt Âm Bao: Vị Trí, Đặc Tính Và Công Dụng Chữa Trị Bệnh
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!