Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Huyệt Phong Phủ: Vị Trí, Lợi Ích Sức Khỏe, Cách Khai Thông
Huyệt Phong Phủ là một trong những huyệt đạo được đánh giá rất quan trọng trong Y học cổ truyền, có nhiều tác dụng hữu ích đối với sức khỏe. Trong bài viết này, chuyên gia Đông Phương Y Pháp sẽ cung cấp thông tin chi tiết về vị trí, công năng, hướng dẫn châm cứu, bấm huyệt cũng như các đối tượng chống chỉ định thực hiện phương pháp này.
Huyệt Phong Phủ là gì?
Huyệt Phong Phủ có xuất xứ từ Thiên Bản Du – Linh Khu 2. Theo Y học cổ truyền, tên gọi “Phong Phủ” được giải thích dựa trên hai từ “phong” – tượng trưng cho những cơn gió lớn, “phủ” – nghĩa là ngôi nhà. Sự kết hợp này mang ý nghĩa rằng huyệt đạo này là nơi hội tụ của những cơn gió lớn. Do đó, huyệt Phong Phủ thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý liên quan đến khí hậu và thời tiết gây ra.
Ngoài ra, huyệt Phong Phủ còn được biết đến với các tên gọi khác như huyệt Quỷ Chẩm, huyệt Quỷ Lâm, huyệt Nhiệt Phủ, huyệt Quỷ Huyệt, huyệt Tào Khê, huyệt Thiệt Bản.
Đặc tính của huyệt như sau:
- Huyệt thứ 16 của Bàng Quang kinh, hội của mạch Đốc cùng mạch Dương Duy và Bàng Quang kinh.
- Nằm trong nhóm huyệt Tủy Khổng liên hệ mật thiết với tủy xương (gồm 5 huyệt đạo Phong Phủ, Á Môn, Ngân Gia, Trường Cường, Não Hộ).
Vị trí huyệt Phong Phủ
Huyệt Phong Phủ nằm ở vị trí sau gáy, ngay chỗ lõm giữa hai múi cơ lớn ở trên của đường chân tóc 1 thốn. Khi giải phẫu huyệt đạo này sẽ thấy những đặc điểm sau:
- Dưới da vùng huyệt là gân cơ thang, cơ bán gai hay cơ gối to, màng chẩm – đội sau, cơ thẳng sau đầu bé và ống hành tủy.
- Thần kinh vận động cơ tại vùng huyệt do ngành sau của 3 dây thần kinh sống cổ trên cùng nhánh của dây thần kinh sọ não số XI.
- Da vùng huyệt đạo chịu sự chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C3.
Dưới đây hướng dẫn 3 cách xác định huyệt chuẩn xác:
Cách 1
- Bước 1: Ngửa cổ ra phía sau, dùng ngón tay giữa để sờ vào phần gáy, ngay dưới đường chân tóc.
- Bước 2: Di chuyển ngón tay đến khi cảm nhận được chỗ lõm giữa đáy hộp sọ với đốt sống cổ đầu tiên. Huyệt Phong Phủ nằm chính giữa chỗ lõm này.
Cách 2
- Bước 1: Xác định điểm chính giữa của đường chân tóc sau gáy.
- Bước 2: Từ điểm này, trượt ngón tay xuống dưới khoảng 2cm (tương đương với một đốt ngón tay hoặc 1 tấc).
- Bước 3: Khi trượt ngón tay xuống, bạn sẽ cảm nhận được một điểm lõm giữa xương chẩm và đốt sống cổ thứ nhất. Đây chính là vị trí của huyệt đạo Phong Phủ.
Cách 3
- Bước 1: Cúi đầu xuống và dùng tay sờ vào phần gáy, lúc này sẽ thấy hai gân cơ thang nổi lên.
- Bước 2: Huyệt đạo Phong Phủ nằm ở giữa 2 gân cơ thang, ngay tại điểm tiếp xúc đáy hộp sọ.
Tác dụng của huyệt Phong Phủ
Trong Y học cổ truyền, huyệt Phong Phủ được ứng dụng trong điều trị các tình trạng bệnh như:
- Huyệt có tác dụng thông kinh lạc, tán phong hàn, giúp giảm đau do co thắt cơ bắp, cải thiện lưu thông khí huyết, từ đó giảm đau đầu, nhức mỏi vai gáy hiệu quả.
- Huyệt Phong Phủ có tác dụng cố tinh, ích khí, giúp nâng cao sức khỏe cơ quan sinh sản, hỗ trợ điều trị lòi dom, sa tử cung sau sinh.
- Tác động đúng cách sẽ giúp an thần, thanh nhiệt, cải thiện các triệu chứng như ù tai, chóng mặt, người lạnh, cuồng nộ và tim đập nhanh.
- Nhờ khả năng bồi bổ khí huyết, châm cứu và bấm huyệt đạo Phong Phủ giúp tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại bệnh tật.
- Ngoài ra, huyệt còn được sử dụng để hỗ trợ điều trị các bệnh lý khác như cảm mạo, ho, sốt, đau lưng, đau bụng, tiêu chảy, táo bón,…
Kỹ thuật châm cứu, bấm huyệt điều trị bệnh
Để phát huy tối đa tác dụng trị bệnh, trong Y học cổ truyền, huyệt đạo Phong Phủ được khai thông bằng 2 phương pháp châm cứu và bấm huyệt.
Cách bấm huyệt Phong Phủ
Bấm huyệt là phương pháp trị bệnh được áp dụng phổ biến nhờ ưu điểm đơn giản, có thể thực hiện tại nhà với các bước sau.
- Bước 1: Xác định vị trí huyệt Phong Phủ ở sau gáy.
- Bước 2: Dùng ngón tay cái hoặc ngón trỏ ấn nhẹ nhàng vào huyệt đạo với lực vừa đủ cảm thấy hơi ê ẩm.
- Bước 3: Bấm huyệt trong khoảng 2 phút, mỗi lần bấm 10 – 20 lần.
Kỹ thuật châm cứu huyệt
Liệu pháp châm cứu cần được thực hiện bởi người có chuyên môn y tế để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Dưới đây là các bước thực hiện kỹ thuật châm cứu huyệt Phong Phủ:
- Bước 1: Xác định vị trí huyệt.
- Bước 2: Sát khuẩn huyệt đạo bằng cồn.
- Bước 3: Dùng kim châm cứu châm vào huyệt đạo theo hướng thẳng đứng, sâu khoảng 0.5 – 0.8 thốn.
- Bước 4: Có thể giữ kim trong 10 – 15 phút hoặc lâu hơn tùy theo tình trạng bệnh lý.
- Bước 5: Dùng gạc vô trùng ấn nhẹ vào huyệt đạo, sau đó rút kim ra.
- Bước 6: Sát khuẩn lại huyệt đạo bằng cồn.
Cách phối hợp cùng các huyệt đạo tương hợp
Ngoài việc tác động đơn huyệt, trong các Y thư cũng ghi chép về cách phối huyệt Phong Phủ cùng các huyệt đạo tương hợp để đạt hiệu quả chữa trị cao hơn.
- Phối cùng huyệt đạo Yêu Du: Có tác dụng trị chân tê dại (theo cuốn Thiên Kim Phương và Tư Sinh Kinh).
- Phối cùng huyệt đạo Lao Cung + huyệt Thiên Dung: Điều trị họng đau, đờm nhiều (theo cuốn Thiên Kim Phương).
- Phối cùng huyệt đạo Côn Lôn: Chủ trị cuồng, nói sảng, bất tỉnh (Theo cuốn Thiên Kim Phương).
- Phối cùng huyệt đạo Nghinh Hương + huyệt Nhị Gian: Điều trị chảy máu mũi (Theo cuốn Châm Cứu Đại Thành)
- Phối cùng huyệt đạo Thừa Tương: Điều trị gáy đau cứng không cử động được (theo Tư Sinh Kinh).
- Phối cùng huyệt đạo Kim Tân + huyệt Liêm Tuyền + huyệt Ngọc Dịch: Điều trị lưỡi bị cứng do trúng gió (theo cuốn Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt đạo Hậu Khê + huyệt Thừa Tương: Điều trị cứng gáy (theo cuốn Y Học Cương Mục).
- Phối cùng huyệt đạo Hợp Cốc + huyệt Phong Môn + huyệt Phong Trì + huyệt Liệt Khuyết + huyệt Phục Lưu: Trị cảm phong hàn (theo cuốn Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu).
- Phối cùng huyệt đạo Bách Hội + huyệt Giáp Xa + huyệt Hậu Đỉnh + huyệt Thiếu Thương + huyệt Phong Trì: Điều trị sưng đau họng (theo cuốn Trùng Lâu Ngọc Ngoạt).
Đối tượng chống chỉ định châm cứu, bấm huyệt Phong Phủ
Dưới đây là các trường hợp chống chỉ định châm cứu, bấm huyệt Phong Phủ nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe:
- Phụ nữ mang thai tuyệt đối không châm cứu, bấm huyệt Phong Phủ vì có thể dẫn đến nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.
- Người có bệnh lý về máu như bệnh hemophilia, giảm tiểu cầu,…
- Người đang bị sốt cao, cơ thể suy nhược, sức đề kháng yếu.
- Nếu da tại vị trí huyệt bị tổn thương như trầy xước, sưng tấy, nhiễm trùng,… cần tránh châm cứu, bấm huyệt để tránh nguy cơ nhiễm trùng thêm.
- Những người mắc các bệnh tim mạch nặng như suy tim, nhồi máu cơ tim,…
- Trẻ em dưới 3 tháng tuổi có hệ miễn dịch yếu ớt có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ.
Hiểu rõ về vị trí, công dụng và cách tác động lên huyệt Phong Phủ sẽ giúp bạn tận dụng được những lợi ích to lớn từ huyệt đạo này, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ Y học cổ truyền để được tư vấn về việc áp dụng huyệt đạo an toàn và hiệu quả.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!