Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Huyệt Thiên Trụ: Tìm Vị Trí Và Tác Dụng Đối Với Sức Khỏe
Huyệt Thiên Trụ là một trong những huyệt đạo quan trọng thuộc hệ thống kinh Bàng Quang. Huyệt đạo này có tác dụng chữa trị nhiều bệnh lý, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đau cổ, vai gáy và thần kinh. Các thông tin cụ thể về vị trí, cách khai thông và phối huyệt đạo này sẽ được Đông Phương Y Pháp giải đáp trong bài viết sau đây.
Huyệt Thiên Trụ là gì?
Huyệt Thiên Trụ có xuất xứ thuộc thiên “Khí Phủ Luân”, là một huyệt vị mạnh bởi phát ra mạch khí của kinh Túc Thái Dương Bàng Quang. Đây cũng là huyệt vị thứ 10 trong kinh Bàng Quang, thuộc nhóm huyệt Thiên Dũ (bao gồm huyệt Thiên Phủ, huyệt Thiên Dũ, huyệt Nhân Nghênh, huyệt Phù Đột).
Phân tích về ý nghĩa của huyệt đạo Thiên Trụ, trong Trung Cương Y Mục ghi chép như sau:
- “Thiên”: Ý chỉ phía trên, thể hiện phần trên của cơ thể (đặc biệt là phần đầu và cổ).
- “Trụ”: Có nghĩa là cột hoặc trụ, tượng trưng cho sự hỗ trợ, ổn định.
Tên “Thiên Trụ” phản ánh huyệt ở vị trí quan trọng, kết nối giữa đầu (thiên) và cột sống (trụ), giúp hỗ trợ và duy trì sự cân bằng, thông suốt của các dòng năng lượng (khí) và huyết mạch.
Vị trí của huyệt đạo Thiên Trụ
Huyệt Thiên Trụ nằm ở phía sau cổ, tại điểm giao giữa chân tóc sau gáy và cột sống cổ, hai bên cơ thang. Dưới đây là chi tiết 2 cách để xác định chuẩn xác huyệt vị này:
- Cách 1: Xác định điểm giữa chân tóc gáy. Đo từ điểm này lên trên 0.5 thốn. Vị trí huyệt Thiên Trụ nằm ngang 1.3 thốn về hai bên so với điểm giữa chân tóc gáy.
- Cách 2: Xác định vị trí huyệt Á Môn (nằm ở chỗ lõm sau tai, cách khe tai 0.5 thốn). Đo ngang 1.3 thốn từ huyệt Á Môn về phía sau. Vị trí huyệt đạo Thiên Trụ nằm tại điểm đo được.
Đặc điểm giải phẫu của Thiên Trụ huyệt như sau:
- Dưới da huyệt là bờ ngoài cơ thang, cơ thẳng sau nhỏ và to, cơ bán gai của đầu, cơ chéo dưới của đầu.
- Da vùng dưới huyệt đạo được chi phối từ tiết đoạn thần kinh C3.
- Thần kinh vận động cơ tại vùng huyệt là nhánh dây thần kinh số XI của sọ não, nhánh dây thần kinh chẩm lớn cùng đám rối cổ.
Tác dụng của huyệt Thiên Trụ trong trị bệnh
Bác sĩ cho biết, trong Y Học Cổ Truyền huyệt đạo Thiên Trụ được ứng dụng trong điều trị nhiều bệnh lý như:
- Điều trị đau đầu: Bấm hoặc châm cứu huyệt giúp giảm đau đầu, đặc biệt là các cơn đau đầu do căng thẳng, tuần hoàn máu kém lên não hoặc do các vấn đề về thần kinh.
- Chữa đau gáy và đau vẹo cổ: Huyệt này có tác dụng giảm đau, giảm căng cơ và khắc phục tình trạng đau vẹo cổ, giúp phục hồi sự linh hoạt của cổ.
- Điều trị mất ngủ: Tác động đúng cách lên huyệt đạo Thiên Trụ giúp thư giãn cơ thể, tinh thần, giảm căng thẳng và lo âu, từ đó cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp dễ dàng đi vào giấc ngủ và ngủ sâu hơn.
- Trị viêm thanh quản: Huyệt này hỗ trợ thanh nhiệt, giảm viêm và làm dịu các triệu chứng của viêm thanh quản như khàn tiếng, đau họng.
Cách tác động lên huyệt trị bệnh
Có 2 liệu pháp được ứng dụng trong khai thông huyệt Thiên Trụ trị bệnh như sau:
- Châm cứu: Bác sĩ sử dụng kim châm trực tiếp lên huyệt với độ sâu từ 0.5 – 0.8 thốn. Giữ kim tại huyệt trong khoảng 15 – 20 phút tùy từng trường hợp bệnh nhân.
- Bấm huyệt: Dùng đầu ngón tay day ấn lên huyệt đạo trong 2 – 3 phút theo chuyển động tròn, thực hiện khoảng 2 lần mỗi ngày để hiệu quả đạt tốt nhất.
Lưu ý:
- Đảm bảo yếu tố vệ sinh trong quá trình châm cứu và bấm huyệt như sát trùng kim châm cứu, vệ sinh tay và vị trí huyệt đạo,…
- Châm cứu và bấm huyệt nên được thực hiện bởi người có chuyên môn để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
- Nếu có bất kỳ phản ứng bất thường nào, nên ngừng lại và tham khảo ý kiến chuyên gia y học cổ truyền hoặc bác sĩ.
Phác đồ phối huyệt đạo hỗ trợ trị bệnh
Huyệt Thiên Trụ có liên kết mật thiết với nhiều huyệt đạo khác, nên khi kết hợp đúng cách sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị bệnh. Cụ thể trong các cuốn Y thư cổ ghi chép như sau:
- Phối cùng huyệt đạo Đại Trữ + huyệt đạo Đào Đạo + huyệt đạo Hậu Khê + huyệt đạo Khổng Tối: Chủ trị bệnh đau đầu (Theo cuốn Thiên Kim Phương).
- Phối cùng huyệt đạo Kiên Tỉnh + huyệt đạo Phong Trì + huyệt đạo Tân Thức + huyệt đạo Thiên Dũ + huyệt đạo Thiên Song: Giúp chủ trị đau vùng gáy (Theo cuốn Tân Châm Cứu Học).
- Phối cùng huyệt đạo Dưỡng Lão: Giúp trị đau vai (Theo cuốn Thiên Kim Phương).
- Phối cùng huyệt đạo Thiếu Thương : Trị bệnh về hô hấp như ho và viêm họng mãn tính (Theo cuốn Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt đạo Thiếu Thương: Có tác dụng chủ trị ho mãn tính (Theo cuốn Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt đạo Dịch Môn + huyệt đạo Đại Trữ + huyệt đạo Ngư Tế: Có tác dụng cải thiện tình trạng viêm Amidan mãn tính (Theo cuốn Trung Quốc Châm Cứu học),
- Phối cùng huyệt đạo Kiên Trung Du + huyệt đạo Lạc Chẩm + huyệt đạo Liệt Khuyết: Điều trị vẹo cổ (Theo cuốn Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt đạo Côn Lôn + huyệt đạo Đào Đạo: Giúp chủ trị hoa mắt (Theo cuốn Tư Sinh Kinh).
Bài viết đã trình bày rõ ràng về những lợi ích và ứng dụng của huyệt Thiên Trụ trong việc cải thiện sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật. Bằng cách cung cấp thông tin chi tiết về cách xác định và kích thích huyệt này sẽ giúp quá trình bảo vệ sức khỏe tối ưu nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!