Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Phục Hồi Chức Năng Khớp Gối: Nguyên Tắc, Biện Pháp Áp Dụng
Phục hồi chức năng là chương trình được áp dụng nhằm giúp người bệnh cải thiện tình trạng bệnh, đảm bảo các cơ quan trong cơ thể vận động như bình thường, đặc biệt là trường hợp gặp vấn đề về xương khớp. Thông thường, sau khi khớp gối gặp chấn thương hoặc mới trải qua cuộc phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các bài tập trị liệu. Ở bài viết này, bạn đọc hãy cùng tìm hiểu về nguyên tắc, mục đích, phương pháp phục hồi chức năng khớp gối.
Nguyên tắc phục hồi chức năng khớp gối sau phẫu thuật
Tập phục hồi chức năng khớp gối được áp dụng chủ yếu trong các trường hợp khớp gối bị tổn thương và mới trải qua cuộc phẫu thuật. Các phương pháp phục hồi chức năng được thực hiện liên tục, có sự hỗ trợ của kỹ thuật viên, chuyên gia và người thân của bệnh nhân.
Bác sĩ cho biết, tập phục hồi chức năng sau khi phẫu thuật khớp gối đóng vai trò quan trọng để tạo nên thành công cho ca phẫu thuật. Lúc này, các chuyên viên sẽ xây dựng kế hoạch tập luyện và hướng dẫn bệnh nhân luyện tập để kiểm soát cơn đau, lấy lại sự dẻo dai, linh hoạt của các khớp, kích hoạt cơ chân, từ đó người bệnh có thể vận động, di chuyển dễ dàng, trở lại với cuộc sống bình thường.
Để quá trình phục hồi chức năng khớp gối sau phẫu thuật đạt hiệu quả và đảm bảo an toàn, cần tuân thủ theo nguyên tắc sau:
- Ưu tiên mục tiêu nâng cao khả năng vận động của khớp gối.
- Tăng sức mạnh và sự dẻo dai cho các cơ.
- Giúp người bệnh tập đứng, tập đi bộ với thiết bị chuyên dụng hỗ trợ.
- Các biện pháp phục hồi chức năng cần được áp dụng từ sớm và kiên trì thực hiện trong thời gian dài.
Quá trình tập phục hồi chức năng khớp gối sau phẫu thuật có thể thực hiện ngay sau ngày mổ, khi đó cả bệnh nhân và kỹ thuật viên trị liệu cần chú ý:
- Lựa chọn tư thế sao cho người bệnh cảm thấy thoải mái và đảm bảo an toàn tuyệt đối.
- Có thể hỗ trợ bệnh nhân thay đổi các tư thế hoặc để họ tự thực hiện.
- Kỹ thuật viên trị liệu hướng dẫn bệnh nhân chi tiết về việc đi lại, lên xuống cầu thang có sự hỗ trợ của thiết bị chuyên dụng để người bệnh dễ dàng thực hiện tại nhà.
- Bệnh nhân nên kiểm soát tình trạng đau, sưng viêm của khớp gối mới mẫu thuật.
- Tập đứng, ngồi, di chuyển với dụng cụ hỗ trợ.
- Việc tập luyện cần được tiến hành hàng ngày, duy trì thói quen, không bỏ cuộc.
Thông thường, chuyên viên vật lý trị liệu sẽ đánh giá thể chất, mức độ tổn thương của từng bệnh nhân để cung cấp dụng cụ hỗ trợ an toàn, phù hợp, bao gồm khung tập, nạng để hỗ trợ khả năng tự đi lại của họ. Thời gian đầu, bệnh nhân cần phụ thuộc vào dụng cụ bổ trợ này, sau đó có thể tự di chuyển bình thường.
Mục đích khi phục hồi chức năng khớp gối
Các chuyên gia cho biết, tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ nhằm hướng đến 5 mục đích sau:
Hạn chế cơn đau và tránh viêm khớp
Sau quá trình phẫu thuật, giúp bệnh nhân kiểm soát các cơn đau và tránh tình trạng viêm khớp là việc làm cần ưu tiên hàng đầu. Thực tế có không ít trường hợp gặp hiện tượng đau nhức, sưng, phù nề ở gân cơ tứ đùi và quanh khớp gối, ảnh hưởng đến khả năng đi lại, co duỗi gối của người bệnh. Những cơn đau, viêm khớp cũng chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng cứng khớp gối sau mổ.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, tình trạng đau, sưng ở gối có thể kiểm soát và thuyên giảm nếu người bệnh vận động nhẹ nhàng từ sớm. Các phương pháp phục hồi chức năng khớp gối được áp dụng cho trường hợp này là chườm lạnh, dùng băng ép, kê cao chân, vận động khớp cổ chân,…
Khôi phục khả năng gấp gối
Để khôi phục khả năng gấp gối, tránh hạn chế tầm vận động của khớp gối, các kỹ thuật viên trị liệu cần hướng dẫn, khuyến khích người bệnh tập vật lý trị liệu thường xuyên. Hạn chế gấp gối cũng là biến chứng thường gặp sau phẫu thuật nội soi khớp gối. Người bệnh có thể tập squat hoặc mini squat sẽ cho hiệu quả cao nhất, đồng thời hạn chế ảnh hưởng đến chức năng khớp gối.
Thông thường, mỗi bài tập vận động gấp gối sau mổ tái tạo dây chằng chéo trước có yêu cầu riêng. Do đó bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện gấp gối được 90 độ trong tuần đầu tiên và nâng dần mức độ gấp gối để phục hồi hoàn toàn trong 4 – 6 tuần sau phẫu thuật.
Cải thiện khả năng duỗi của gối
Khi chức năng của khớp gối bị hạn chế, việc thực hiện các bài tập nhằm cải thiện khả năng duỗi gối là việc làm cần thiết và nên áp dụng từ sớm. Theo một số thống kê, hiện tượng người bệnh không thể duỗi gối không hiếm gặp, đặc biệt là sau khi mổ tái tạo dây chằng chéo trước. Quá trình tăng cường khả năng vận động duỗi gối thường diễn ra khó khăn hơn nhiều so với vận động gấp gối. Để đạt được hiệu quả cao khi trị liệu, cần chú ý:
- Nếu tập luyện muộn sau khi mổ hoặc để khớp bất động quá lâu sẽ dễ hình thành sẹo xấu, sẹo xơ, ảnh hưởng đến khả năng duỗi gối.
- Tập phục hồi chức năng khớp gối sau phẫu thuật cần nhẹ nhàng, từ từ và tăng dần mức độ để tránh gặp biến chứng và những cơn đau nhức.
- Tập luyện các bài tập thường xuyên, liên tục tại nhà theo đúng chỉ dẫn.
Hỗ trợ xương bánh chè vận động bình thường
Khả năng vận động của xương bánh chè bị hạn chế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự linh hoạt của khớp gối vì quá trình vận động gấp gối cần sự tham gia của xương bánh chè. Nếu xương bánh chè hoạt động khó khăn sẽ khiến khớp gối mất đi tính linh hoạt, hạn chế vận động. Do đó, các chuyên gia cho biết, người bệnh cần thường xuyên xoa bóp phần mềm và áp dụng biện pháp vận động xương bánh chè ngay sau mổ để tránh biến chứng.
Giúp phục hồi cơ lực gân cơ tứ đầu đùi
Phục hồi cơ lực gân cơ tứ đầu đùi cũng là mục đích của các bài tập phục hồi chức năng khớp gối sau mổ. Thông thường, chuyên gia trị liệu sẽ tư vấn bệnh nhân áp dụng những biện pháp sau để hỗ trợ giảm đau, hạn chế sưng viêm, phù nề, tăng cường khả năng chịu lực của gân cơ tứ đầu đùi:
- Thực hiện bài tập cải thiện cơ lực theo kỹ thuật viên.
- Dùng điện xung kích để vận động cơ tứ đùi, hỗ trợ giảm đau, đồng thời giúp khôi phục khả năng chịu lực độc lập của bên chân mới phẫu thuật.
Quá trình tập phục hồi chức năng khớp gối theo từng giai đoạn
Sau khi phẫu thuật khớp gối, người bệnh có khả năng cao gặp những cơn đau nhức, thậm chí là sưng viêm, cản trở việc vận động của bộ phận này. Nếu tập phục hồi chức năng đúng cách, đúng bài tập sẽ hỗ trợ giảm đau và tăng sự linh hoạt, dẻo dai cho các khớp. Dưới đây là quá trình tập phục hồi chức năng khớp gối được bác sĩ lên kế hoạch và áp dụng cho hầu hết các đối tượng:
Giai đoạn 1: Sau mổ từ 1 – 2 tuần
Ở giai đoạn này, khớp gối đang chịu tổn thương, các tổ chức xung quanh khá nhạy cảm nên việc tập luyện cần thực hiện từ từ, nhẹ nhàng. Bài tập phục hồi chức năng sau khi phẫu thuật khớp gối từ 1 – 2 tuần nhằm mục đích giảm đau, kiểm soát tình trạng phù nề, duy trì sức mạnh cơ, tăng khả năng duỗi gối 0 độ và gấp 100 độ, hỗ trợ bệnh nhân di chuyển được với các dụng cụ hỗ trợ như gậy, nạng, khung tập đi,…
Ngày 1:
- Bệnh nhân nên chườm lạnh ở khớp gối, mỗi lần khoảng 15 phút và ít nhất 3 lần trong ngày hoặc ngay khi cơn đau xuất hiện.
- Thực hiện các bài tập trên giường, khi đó bệnh nhân sẽ nằm và duỗi thẳng chân, co cơ tĩnh chân phẫu thuật trong 5 giây rồi nghỉ 5 giây, tập mỗi ngày 10 lần.
- Người bệnh tập ngồi dậy và thay đổi vị trí ngay trên giường.
- Người bệnh tập vận động khớp cổ chân, đồng thời tập trượt gót chân.
- Vận động chủ động khớp gối từ 0 đến 70 độ.
- Sử dụng máy tập CPM từ 0 đến 100 độ mỗi ngày ít nhất 4 giờ đồng hồ.
Ngày 2:
- Lặp lại các bài tập tương tự ngày 1.
- Tập vận động khớp cổ chân.
- Thực hiện bài tập độc lập trên giường, mỗi ngày 5 lần.
- Tập gập, duỗi gối, dạng và khép háng chủ động hoặc có sự trợ giúp từ người thân.
- Tập di chuyển xung quanh nhà với sự giúp đỡ từ người thân.
- Người bệnh nên tập ngồi trên ghế 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 30 phút.
- Vận động khớp gối chủ động, từ 10 – 80 độ.
Ngày 3:
- Tiếp tục thực hiện các bài tập như ngày 2.
- Tập sức mạnh cơ đùi, cơ cẳng chân thông qua các bài tập có sức cản.
- Tập bài tập khớp gối như duỗi gối hoàn toàn, tập gập gối chủ động thêm 10 độ.
- Người bệnh tập đứng chịu lực trên 2 chân và trên từng chân, sau đó dồn trọng tâm dần lên chân phẫu thuật.
- Tập di chuyển nhiều hơn với khung, nạng tập đi.
- Luyện tập ở tư thế đứng, gấp duỗi dạng khép khớp háng chân phẫu thuật.
Giai đoạn 2: Sau mổ từ 2 – 5 tuần
Các bài tập phục hồi chức năng khớp gối ở giai đoạn sau mổ từ 2 – 5 tuần nhằm mục đích giảm sưng đau, phù nề, tăng sức mạnh khối cơ, tăng tầm vận động của khớp từ 0 độ lên 115 độ, giúp người bệnh dễ dàng thực hiện các hoạt động chức năng hàng ngày.
Tập phục hồi chức năng lúc này cần duy trì các bài tập ở giai đoạn 1, thêm vào đó, chuyên gia khuyến khích người bệnh tập luyện như sau:
- Tập gấp và duỗi gối phẫu thuật thông qua các bài tập thụ động hoặc chủ động.
- Mỗi tuần nên tăng khả năng gập gối thêm 5 độ và khi đến tuần thứ 5 sẽ đạt được 115 độ.
- Luyện tập bài tập kéo dãn thụ động khớp gối nhờ kỹ thuật viên.
- Tập bài tập tăng cường sức mạnh cơ, tập vận động khớp gối chủ động có sức cản tăng dần.
- Bệnh nhân tập di chuyển trên đệm, bước qua chướng ngại vật có sự hỗ trợ của nạng.
- Tập đạp xe ngày 2 lần, mỗi lần 15 phút.
Giai đoạn 3: Sau mổ từ 6 – 8 tuần
Người bệnh tập phục hồi chức năng khớp gối ở giai đoạn sau môt từ 6 – 8 tuần để tiếp tục cải thiện khả năng vận động của khớp từ 0 đến 120 độ, giúp gia tăng sức mạnh của cơ, tập thăng bằng không cần trợ giúp, đồng thời có thể trở lại các hoạt động hàng ngày.
Phương pháp được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân đó là:
- Duy trì các bài tập tương tự giai đoạn 2.
- Tập vận động gấp, duỗi cho khớp gối mới phẫu thuật.
- Tập đứng chịu lực hoàn toàn trên 1 chân phẫu thuật.
- Tập luyện tăng cường sức mạnh cho các nhóm cơ.
- Tập đi bộ, lên xuống cầu thang không cần dụng cụ hỗ trợ.
- Tập chạy xe đạp hoặc chạy nhẹ.
Những lưu ý khi tập phục hồi chức năng khớp gối
Khi tập phục hồi chức năng khớp gối sau phẫu thuật, để đạt được hiệu quả cao, nhanh chóng và an toàn tuyệt đối, bệnh nhân cần đặc biệt chú ý đến những vấn đề sau:
- Nên thực hiện các bài tập từ mức độ thấp đến cao, tuyệt đối không tập luyện quá sức khi khớp gối chưa lành thương vì rất dễ gây biến chứng nguy hiểm.
- Tuân thủ đúng hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ, kỹ thuật viên trong quá trình tập luyện, sinh hoạt tại nhà.
- Không nên đứng hoặc ngồi quá lâu trong một tư thế, không gập gối quá mức những ngày đầu sau phẫu thuật.
- Bạn cần lựa chọn ghế ngồi với độ cao phù hợp, đảm bảo có thể gấp gối 90 độ và có kèm theo tay vịn để dễ dàng khi đứng lên.
- Người bệnh cần chú ý khi đi vào nơi ẩm ướt như nhà tắm, nhà vệ sinh để tránh trơn trượt, tốt nhất hãy đi dép hoặc sử dụng thảm chống trượt.
- Sau 6 – 8 tuần nếu không còn cảm thấy cơn đau nhức khớp gối, bạn có thể lái xe hoặc thực hiện các hoạt động hàng ngày như bình thường.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, từ đó tăng cường sức mạnh xương khớp, đẩy nhanh quá trình phục hồi tổn thương.
Một số câu hỏi về phục hồi chức năng khớp gối
Trong quá trình phục hồi chức năng khớp gối, người bệnh đặt ra rất nhiều thắc mắc liên quan, có thể kể đến như:
Phục hồi chức năng của khớp gối sau phẫu thuật mất bao lâu?
Hiệu quả và thời gian phục hồi chức năng khớp gối phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng của bệnh nhân, sức khỏe tổng thể, mức độ đáp ứng với phương pháp trị liệu, sự kiên trì, cố gắng của người bệnh. Thông thường, bệnh nhân mất từ 12 – 14 tuần để các tổn thương được chữa lành và chức năng khớp gối được phục hồi. Chuyên gia khuyến khích bạn nên kiên trì tập luyện, không được nóng vội để tránh ảnh hưởng đến kết quả sau cùng.
Có cần tiếp tục phục hồi chức năng sau khi xuất viện không?
Rất nhiều trường hợp cho rằng chỉ cần tập luyện tại viện, không thực hiện chương trình phục hồi chức năng ở nhà. Đây là suy nghĩ sai lầm vì tập luyện cần kiên trì trong thời gian dài và chủ yếu cần được tiến hành tại nhà. Thông thường, sau khi xuất viện, bác sĩ sẽ giới thiệu bệnh nhân đến các cơ sở vật lý trị liệu để tiếp tục phục hồi chức năng.
Khi nào nên liên lạc với kỹ thuật viên trị liệu?
Sau phẫu thuật khớp gối, bệnh nhân có nguy cơ cao gặp biến chứng và một số vấn đề khác phát sinh. Nếu trong quá trình tập phục hồi chức năng gặp cơn đau nhức liên tục, có dấu hiệu sưng, phù nề và cứng khớp gối hơn bình thường, kèm theo đó là hiện tượng sốt cao trên 38 độ, tấy đỏ ở vết mổ, dịch tiết ra,… người bệnh cần ngưng tập luyện và liên hệ kỹ thuật viên hoặc đến cơ sở y tế để kiểm tra, xử lý.
Có thể thấy, phục hồi chức năng khớp gối đóng vai trò vô cùng quan trọng khi khớp gối bị tổn thương hoặc sau quá trình phẫu thuật. Bệnh nhân cần kiên trì áp dụng các bài tập trong thời gian dài, theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, chuyên gia, đồng thời xây dựng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp để đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Xem Thêm: TOP 6 Bệnh Viện Phục Hồi Chức Năng Bình Dương Uy Tín