Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Hướng Dẫn Tập Vật Lý Trị Liệu Cho Người Bị Tai Biến Hiệu Quả
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân lớn nhất gia tăng số lượng bệnh nhân tử vong tại Việt Nam. Không chỉ vậy bệnh cũng để lại rất nhiều di chứng nặng nề, khó hồi phục ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Một trong số đó điển hình là liệt nửa người hoặc toàn thân, mất ý thức, rối loạn ngôn ngữ, thị giác và chức năng cảm xúc. Vì vậy tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến được xem là giải pháp an toàn, hiệu quả nhất được áp dụng cho bệnh nhân để có thể cải thiện tình trạng và quay trở về cuộc sống sinh hoạt như bình thường.
Tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến có hiệu quả không?
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới WHO năm 2015, tại Việt Nam 21,7% nguyên nhân gây tử vong chính là do đột quỵ. Bệnh gây tâm lý hoang mang, nỗi ám ảnh và di chứng vô cùng nặng nề cho người bệnh cũng như người thân trong gia đình. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân, máu không cung cấp lên não, gây tắc nghẽn, dẫn đến tổn thương não, liệt nửa người, toàn thân, rối loạn cảm xúc và chức năng ngôn ngữ.
Khoảng 80% người bệnh sống sót sau cơn đột quỵ sẽ gặp di chứng của bệnh. Di chứng nặng hay nhẹ còn phục thuộc vào vị trí, kích thước tổn thương não cũng như có kịp thời cấp cứu cho người bệnh hay không. Trong đó, liệt nửa người chính là hậu quả thường gặp nhất sau các cơn đột quỵ. Với những trường hợp này, cách để cải thiện, khôi phục sức khỏe chính là vật lý trị liệu cho người bị tai biến.
Quá trình tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến hồi phục nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Người bệnh cần được thăm khám cụ thể, bác sĩ đánh giá và xây dựng phác độ phục hồi chức năng theo từng giai đoạn phù hợp với mức độ tổn thương của người bệnh.
Một số bệnh nhân bị đột quỵ có thể hồi phục tự phát nhưng phần lớn cần được tập vật lý trị liệu để có thể phục hồi chức năng, tăng sự tự chủ trong cuộc sống. Có thể nói vật lý trị liệu cho người tai biến chính là giải pháp tốt nhất cho người bệnh để có thể chủ động quay trở lại cuộc sống như trước đây.
Tập vật lý trị liệu cho người tai biến cũng được chia thành các giai đoạn khác nhau, phù hợp với tình trạng bệnh nhân:
- Giai đoạn cấp: Thời điểm này, người bệnh được hướng dẫn các tư thế nằm sao cho phù hợp để tránh tổn thương các khớp và không bị viêm loét vùng da tỳ đè quá lâu.
- Vận động thụ động: Bắt đầu tập luyện để vận động những vị trí nhỏ nhất chẳng hạn như khớp ngón tay, khuỷu tay đến cổ tay và vai cho đến những khớp có kích thước lớn hơn như khớp đầu gối, khớp háng. Quá trình này chủ yếu được người thân của bệnh nhân hỗ trợ vận động.
- Vận động chủ động: Người bệnh bắt đầu tự tập luyện với sự hỗ trợ của người bệnh, bác sĩ và các dụng cụ, chủ động tăng tiến có kháng lực. Những bài tập này cần được thực hiện tại những trung tâm vật lý trị liệu có thiết bị hỗ trợ và chuyên viên giám sát tránh gây nên những tổn thương không đáng có.
Thời gian thích hợp nhất để tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến chính là sau 24 giờ từ khi cơn đột quỵ khởi phát. Tuy nhiên, giai đoạn này, người nhà cũng như bác sĩ chỉ hỗ trợ bệnh nhân ở các tư thế nằm, ngồi thụ động.
Qua 48 – 72 giờ tiếp theo, bệnh nhân bắt đầu có thể tập những bài tập chủ động. Theo nghiên cứu, bệnh nhân bị tổn thương các tế bào não, sau đó các tế bào này tự tái cấu trúc lại tự nhiên. Do đó, đây là thời điểm vàng để tập luyện tích cực, kéo dài trong 3 – 6 tháng thì các tế bào ở hệ thần kinh sẽ được kích hoạt, hệ thống lại, bù trừ cho những tế bào não đã bị tổn thương trước đó.
Bài tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân tai biến thụ động được áp dụng
Sau khi bị tai biến, người bệnh thường sẽ bị liệt nửa người. Khi đó, tay, chân khó có thể vận động linh hoạt theo ý muốn mà cần sự hỗ trợ của người thân. Lúc này, người nhà cùng bác sĩ sẽ hỗ trợ vật lý trị liệu tai biến bằng những bài tập thụ động.
Mục đích chính của những bài tập này là tăng cường tuần hoàn máu đến những vùng cơ, bị liệt, tránh tình trạng khô, cứng khớp, gây khó khăn cho việc tập luyện sau này. Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn và vất vả, cả người bệnh và người thân đều phải chấp nhận mất nhiều thời gian, vận động và sinh hoạt là không dễ dàng.
Tập tư thế nằm đúng cách
Tư thế nằm ảnh hưởng rất nhiều đến người bệnh, để máu có thể lưu thông một cách dễ dàng, người bệnh cần được nằm đúng tư thế. Đồng thời tư thế nằm cần được đổi liên tục để tránh tạo áp lực lên phần bị liệt, giảm sự co cứng của các khớp:
- Tư thế nằm ngửa: Người bệnh nằm ngửa trên giường, gối nên được kê sát xuống vai. Dùng thêm khăn cuộn lại hoặc chăn mỏng để lót vào phần hông và bên dưới cổ chân bị liệt.
- Tư thế nằm nghiêng sang bên lành: Lúc này và cánh tay của bên lành nên được để một cách thoải mái và tự nhiên nhất. Dùng chăn mềm cuộn lại và kê 3 điểm gồm lưng, tay liệt và chân liệt được gác lên gối.
- Tư thế nằm nghiêng sang bên liệt: Phần vai được gập vuông góc, cánh tay và chân liệt được duỗi thẳng, phần vai được gối kê lên, một chiếc gối nữa chặn sau lưng, giữ cho cơ thể được ở một trục thẳng.
Tập vật lý trị liệu cho người tai biến – lăn trở thường xuyên
Khi nằm liên tục, người nhà cũng nên thường xuyên lăn trở người bệnh ở các tư thế nằm khác nhau, khi nằm nghiêng sang bên lành, nhưng cũng có nằm nghiêng sang bên liệt hoặc nằm ngửa. Việc lăn trở liên tục giúp người bệnh thoải mái, nhẹ nhàng, đỡ đau nhức và tê liệt hơn.
Ngoài ra, lăn trở thường xuyên để tránh hiện tượng loét, tỳ đè lên da quá lâu. Khi một vùng da liên tục bị tỳ đè sẽ gây hiện tượng chèn ép kéo dài, dẫn đến các tổn thương mô, cơ. Hệ thống mao mạch, mạch máu bị tắc nghẽn khó lưu thông dẫn đến xuất hiện dịch kẽ.
Lúc này, thiếu máu, dịch kẽ sẽ dẫn đến các mảng mục ở mô bị chết. Tình trạng sẽ càng nguy hiểm hơn, việc tập vật lý trị liệu về sau càng khó khăn hơn. Do đóm người bệnh cần được lăn trở mình liên tục từ 1 – 2 tiếng một lần.
Bài tập vận động tay bị liệt
Vận động tay liệt, các khớp ở vị trí này để tránh tình trạng co cứng khớp sẽ khó để tập luyện những bài tập vật lý trị liệu chủ động về sau. Lúc này, người bệnh nên được sự trợ giúp của người thân và các kỹ thuật viên.
- Người bệnh nằm ngửa trên giường, kỹ thuật viên dùng tay ngược với tay liệt của người bệnh đan ngón tay vào nhau, kéo nó theo phương thẳng đứng và các hướng khác nhau để khớp vai được cử động linh hoạt nhất.
- Người hỗ trợ tập dùng tay trái giữ cánh tay phải người bệnh, tay còn lại nắm bàn tay liệt và xoay nhẹ khớp khuỷu.
- Kỹ thuật viên cầm sát cổ tay liệt của người bệnh dựng vuông góc so với bề mặt giường. tay còn lại đan chéo với ngón tay của người liệt. Tiến hành vận động khớp cổ tay ngửa, gập, nghiêng trái, nghiêng phải.
- Kết hợp vận động gấp duỗi các ngón tay linh hoạt.
Ngoài ra bản thân người bệnh cũng có thể tự tập tay liệt với tay bên lành. Khi nằm ngửa hoặc ở trong tư thế ngồi, hai tay đặt trước ngực, bàn tay đan vào nhau. Dùng sức của tay bên lành để nâng tay bên liệt lên cao. Mỗi lần như vậy là tập từ 5 – 10 lần
Bài tập vận động chân bị liệt
Để các khớp ở chân không bị co cứng, cần tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến từ sớm, với các động tác cơ bản:
- Kỹ thuật viên gập chân liệt của người bệnh lên, luồn tay xuống dưới đầu gối, tay còn lại nắm cổ chân. Thực hiện nhẹ nhàng gấp duỗi khớp gối, xoay khớp háng từ trái sang phải và ngược lại, thực hiện 5 lần mỗi động tác.
- Phần bàn chân, kỹ thuật viên cũng thực hiện động tác gấp, duỗi, nghiêng phải, nghiêng trái cổ chân và xoay tròn nhẹ nhàng.
- Kỹ thuật viên hỗ trợ bệnh nhân chống hai chân lên, giữ phần chân liệt để không bị rơi xuống. Người bệnh tự dùng sức nhấn chân không liệt lên, dồn trọng lượng sang chân bị liệt.
- Người bệnh vẫn chống hai chân lên giường, dồn sức sang chân không liệt và bắt đầu nâng mông và hông ra khỏi giường, hạ xuống, tập luyện động tác từ 3 – 5 lần.
Tập chuyển trọng lực giữa hai hai chân
Bên nhân dưới sự hỗ trợ của kỹ thuật viên đứng tựa hông vào thành dựa, vịn nhẹ tay không bị liệt lên tay nắm, hai chân đặt ngang bằng nhau, cách nhau từ 15 – 25 cm, không nên cách quá xa, khó chuyển lực hơn. Người tập hướng dẫn người bệnh đẩy hông ra phía trước, gập chân liệt lại và chuyển trọng lượng của cơ thể sang chân không liệt, cố gắng giữ thăng bằng trong vài giây.
Nhẹ nhàng duỗi chân liệt ra, gấp chân lành lại, chuyển trọng lượng cơ thể sang chân liệt, giữ tư thế này vài giây trước khi chuyển lại như ban đầu. Thực hiện tập chuyển trọng lượng từ chân không liệt sang chân liệt như thế mỗi ngày để đôi chân được cử động linh hoạt hơn, khi áp dụng những bài tập chuyên nghiệp sẽ có hiệu quả tốt nhất.
Bài tập vật lý chủ động cho người bệnh
Ngoài những bài tập kể trên thì còn có những bài tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến một cách chủ động hơn. Tuy nhiên, bài tập chỉ được áp dụng cho người bệnh đã có thể cử động tay hoặc chân đơn giản, còn yếu và cần tập luyện thường xuyên để cơ thể được phục hồi tốt nhất.
Lúc này khi tập luyện, người bệnh hạn chế sự hỗ trợ của người thân hay các kỹ thuật viên, nhưng vẫn cần có sự giám sát để tránh những chấn thương không mong muốn. Người bệnh chủ động dùng sức để thực hiện các bài tập, vừa để khôi phục sức khỏe vừa để hỗ trợ quá trình sinh hoạt hằng ngày, tự chăm sóc bản thân.
Người bệnh nên lưu ý những bài tập này nên được tập luyện ở các trung tâm hỗ trợ vật lý trị liệu. Đảm bảo có vật dụng hỗ trợ đảm bảo chắc chắn và sự giám sát của các kỹ thuật viên có kinh nghiệm. Một số bài tập điển hình được áp dụng nhiều nhất cho bệnh nhân sau khi tai biến mạch máu não:
- Bài tập kéo ròng rọc.
- Bài tập đạp xe.
- Bài tập chống co cứng ở các khớp tay và chân.
- Bài tập đứng và đi lại.
- Bài tập tự thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
- Bài tập ức chế cơ lực tay và chân.
- Bài tập đối kháng ở chân.
- Tập cơ lực ở tay.
Lưu ý khi thực hiện tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến
Một vài những lưu ý cần nhớ trong quá trình tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến không nên bỏ qua để đảm bảo hiệu quả mang lại là tốt nhất:
- Mức độ tập luyện nên được thực hiện từ từ, tăng dần khả năng theo mức độ hồi phục của người bệnh, không nên quá sức, mỗi ngày dành một khoảng thời gian để tập luyện và kiên trì để có hiệu quả tốt.
- Quá trình tập luyện sẽ kéo dài và mất nhiều thời gian, người thân bên cạnh nên dành thời gian động viên, thường xuyên vận động và kiên trì tập luyện mỗi ngày. Đồng thời theo dõi quá trình tập luyện để hỗ trợ kịp thời nhất.
- Lưu ý chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tập vật lý trị liệu sau tai biến. Ưu tiên những loại thực phẩm mềm nhừ, có nhiều rau xanh, giàu dinh dưỡng, thực phẩm an toàn nhất. Đặc biệt tránh những loại thức ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ, thức uống lên men, có chứa chất kích thích.
- Quá trình tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến cần có phác đồ và sự hướng dẫn của bác sĩ và kỹ thuật viên để đảm bảo an toàn cho quá trình tập luyện cũng như giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục.
Trên đây là những thông tin Đông Phương Y Pháp cung cấp cho bạn về tập vật lý trị liệu cho người bị tai biến sao cho hiệu quả, an toàn và mang lại kết quả tốt nhất. Để có thể giúp người bệnh sớm quay trở lại cuộc sống bình thường cần kiên trì, cố gắng và tập luyện thường xuyên.