Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Huyệt Hậu Khê: Vị Trí Và Kỹ Thuật Khai Thông Điều Trị Bệnh
Trong Y học cổ truyền, các huyệt đạo đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí huyết, giảm đau nhức, hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý. Huyệt Hậu Khê là một trong những huyệt đạo then chốt trên đường kinh Tiểu Trường, có nhiều tác dụng tích cực cho sức khỏe. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về vị trí, các công dụng tiềm năng và cách tác động lên huyệt để đạt hiệu quả mong muốn.
Huyệt Hậu Khê là gì?
Huyệt Hậu Khê có xuất xứ từ Thiên ‘Bản Du’ (LKhu 2). Dưới đây là những phân tích về ý nghĩa tên gọi và các đặc tính của huyệt:
Ý nghĩa tên huyệt: Khi gập ngón tay vào bàn tay sẽ lộ rõ đường chỉ tâm đạo (tương tự như khe suối = khê) và huyệt ở cuối (sau = hậu) của đường vân này, do đó có tên gọi là Hậu Khê.
Đặc tính:
- Là huyệt thứ 3 của Tiểu Trường kinh.
- Là huyệt Du, thuộc vào hành Mộc.
- Là huyệt Bổ của Tiểu Trường kinh.
- Là huyệt hội với mạch Đốc.
Tìm hiểu vị trí huyệt Hậu Khê nằm ở đâu?
Huyệt Hậu Khê (SI3) nằm ở vị trí đặc biệt trên bàn tay, ngay chỗ lõm phía sau khớp xương ngón tay thứ 5, ngang đường vân tim trong lòng bàn tay.
Cách xác định huyệt Hậu Khê như sau:
- Bước 1: Xác định ngón út của bàn tay.
- Bước 2: Gập ngón út vào lòng bàn tay. Huyệt Hậu Khê nằm ở phía sau (gần gốc) của nếp gấp ngang ngón út, ngay tại rìa ngoài của bàn tay.
Để dễ hình dung hợp về huyệt đạo, bạn tham khảo hình ảnh minh họa dưới đây:
Giải phẫu huyệt đạo Hậu Khê sẽ thấy đặc điểm sau:
- Dưới da vùng huyệt đạo là cơ dạng ngón tay út, bờ trong của cơ gấp ngắn ngón tay, cơ đối ngón út và bờ trong đầu dưới xương bàn tay thứ 5.
- Thần kinh vận động cơ tại vùng huyệt đạo là nhánh dây thần kinh trụ.
- Da vùng huyệt chịu chi phối bởi tiết đoạn dây thần kinh D1.
Huyệt Hậu Khê có tác dụng gì?
Trong Y học cổ truyền, huyệt Hậu Khê có tác dụng thanh thần trí, giải nhiệt, cố biểu, thư cân. Khi áp dụng đúng cách khai thông huyệt đạo sẽ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cụ thể, các tác dụng của huyệt Hậu Khê như sau:
- An thần, giải tỏa căng thẳng: Tác động vào huyệt sẽ giúp điều hòa khí huyết, cải thiện tình trạng mất ngủ, lo âu, căng thẳng thần kinh.
- Giảm đau đầu, chóng mặt: Kích thích huyệt đạo này có tác dụng giảm đau nhức đầu, cải thiện tình trạng chóng mặt, hoa mắt.
- Hỗ trợ điều trị các bệnh về mắt: Bấm huyệt hỗ trợ điều trị một số bệnh về mắt như khô mắt, mỏi mắt, đau nhức mắt.
- Cải thiện các vấn đề về tai: Kích thích huyệt đạo hỗ trợ điều trị ù tai, viêm tai giữa.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Bấm huyệt Hậu Khê giúp lưu thông khí huyết, từ đó tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật.
- Điều hòa giấc ngủ: Áp dụng châm cứu, bấm huyệt đạo Hậu Khê giúp an thần, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
- Cải thiện tiêu hóa: Y học cổ truyền chứng minh tác dụng huyệt Hậu Khê đến hệ thống tiêu hóa, giúp điều trị các vấn đề về tiêu hóa như táo bón, đầy hơi.
- Bệnh xương khớp: Khai thông huyệt đúng cách sẽ cải thiện tích cực các vấn đề về xương khớp như đau đốt sống cổ, sưng viêm xương cổ và lưng gáy.
Kỹ thuật châm cứu, bấm huyệt Hậu Khê trị bệnh
Trong Y học cổ truyền, huyệt đạo Hậu Khê được khai thông chủ yếu bằng 2 liệu pháp là bấm huyệt và châm cứu.
Cách bấm huyệt Hậu Khê
Phương pháp bấm huyệt được áp dụng phổ biến nhất bởi các bước thực hiện đơn giản, người bệnh hoàn toàn có thể tự điều trị tại nhà mà vẫn mang lại hiệu quả tốt.
- Bước 1: Xác định huyệt Hậu Khê ở đâu.
- Bước 2: Dùng đầu ngón tay hoặc dụng cụ hỗ trợ để day ấn lên vị trí huyệt đạo trong 2 – 3 phút.
- Bước 3: Lặp lại động tác day ấn với huyệt đạo bên tay còn lại.
Kỹ thuật châm cứu huyệt
Châm cứu được thực hiện trực tiếp bởi các bác sĩ, thầy thuốc Y học cổ truyền có kinh nghiệm và chuyên môn cao nhằm đảm bảo hiệu quả trị bệnh và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
- Bước 1: Xác định vị trí huyệt Hậu Khê, sau đó dùng bông thấm cồn y tế để lau sạch vùng da quanh huyệt.
- Bước 2: Giữ kim châm cứu ở góc 90 độ độ so với mặt da, từ từ châm thẳng với độ sâu khoảng 0.5 đến 1 thốn. Khi kim đã vào đúng huyệt, bạn có thể cảm thấy một cảm giác căng nhẹ hoặc tê.
- Bước 3: Cứu 3 – 5 tráng, tiếp theo ôn cứu 5 – 10 phút.
- Bước 4: Sau khi kết thúc thời gian châm cứu, rút kim ra và dùng bông gòn ấn vào vị trí huyệt để ngăn chảy máu.
Lưu ý, dù áp dụng châm cứu hay bấm huyệt, người bệnh cũng cần ngồi lại theo dõi phản ứng của cơ thể trong khoảng 30 phút. Nếu có những dấu hiệu chóng mặt, đau đầu, toát mồ hôi,… cần thông báo bác sĩ để có hướng xử lý, điều trị an toàn.
Phác đồ phối huyệt Hậu Khê với huyệt khác trên cơ thể
Trong các Y thư cổ ghi chép lại các phác đồ phối huyệt Hậu Khê với một số huyệt đạo khác trên cơ thể giúp tăng hiệu quả trị bệnh như sau:
- Phối cùng huyệt đạo Cưu Vĩ + huyệt đạo Thần Môn: Điều trị ngũ giản (theo Thắng Ngọc Ca).
- Phối cùng huyệt đạo Đại Trữ + huyệt đạo Đào Đạo + huyệt đạo Khổng Tối + huyệt đạo Thiên Đột: Điều trị chứng đau đầu (theo Bị Cấp Thiên Kim Phương).
- Phối cùng huyệt đạo Dương Trì + huyệt đạo Giải Khê + huyệt đạo Hợp Cốc + huyệt đạo Lệ Đoài + huyệt đạo Phong Trì: Điều trị thương hàn mồ hôi không ra, (theo Châm Cứu Tụ Anh).
- Phối cùng huyệt đạo Âm Khích: Chữa trị mồ hôi trộm (theo Châm Cứu Tụ Anh).
- Phối cùng huyệt đạo Hợp Cốc: Nhằm để chữa trị đờm (theo Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt đạo Bá Lao Gian Sử + huyệt đạo Khúc Trì: Được ứng dụng trong điều trị lạnh nhiều, nóng ít (theo Châm Cứu Đại Thành).
- Phối cùng huyệt đạo Hoàn Khiêu: Có tác dụng trị đau đùi vế (theo Bách Chứng Phú).
- Phối cùng huyệt đạo Lao Cung: Có tác dụng chữa hoàng đản (theo Bách Chứng Phú).
- Phối cùng huyệt đạo Phong Phủ + huyệt đạo Thừa Tương: Nhằm điều trị cứng gáy (theo Y Học Cương Mục).
- Phối cùng huyệt đạo Liệt Khuyết: Giúp chữa đau ngực, đau cổ (theo Châm Cứu Đại Toàn).
- Phối cùng huyệt đạo Bát Tà + huyệt đạo Tam Gian: Giúp chữa tay và bàn tay tê đau (theo Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu).
- Phối cùng huyệt đạo Đại Chùy + huyệt đạo Gian Sử: Có tác dụng chữa sốt rét cách nhật (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt đạo Phong Phủ: Điều trị đau đầu, đau cổ (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt đạo Đại Chùy + huyệt đạo Điều Khẩu + huyệt đạo Thấu Thừa Sơn + huyệt đạo Nhân Trung: Giúp điều trị nóng rát vùng lưng vai (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt đạo A Thị Huyệt + huyệt đạo Ân Môn + huyệt đạo tương ứng 2 bên cột sống: Nhằm điều trị trường hợp té ngã hoặc tổn thương vùng lưng (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
Huyệt Hậu Khê là một huyệt đạo quan trọng, có nhiều tác dụng tích cực cho sức khỏe. Để đạt hiệu quả trị bệnh tốt nhất và tránh các biến chứng không mong muốn, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ Y học cổ truyền để có hướng dẫn phác đồ khai thông huyệt đạo phù hợp nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!