Huyệt Trung Quản: Vị Trí, Công Dụng Và Phương Pháp Chữa Bệnh

Ngày cập nhật: 07/08/2024 Biên tập viên: Nguyễn Trang

Huyệt Trung Quản, một trong những huyệt quan trọng trong hệ thống huyệt vị của y học cổ truyền, nằm trên đường giữa của cơ thể. Tác động vào huyệt sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhất là đối với chức năng của dạ dày. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vị trí và cách ứng dụng của huyệt đạo Trung Quản trong y học cổ truyền.

Tổng quan về huyệt Trung Quản

Huyệt Trung Quản, còn được gọi là Thái thương, Trung hoãn, Thượng ký, Trung oản, Trung uyển, Vị quản, là một huyệt vị quan trọng trong châm cứu và Y học cổ truyền. Tên gọi Trung Quản cũng rất dễ hiểu, xuất phát từ vị trí của huyệt, nằm ở giữa đoạn ống tiêu hóa từ mũi ức đến lỗ rốn, bao gồm thực quản, dạ dày và một phần ruột non.

Huyệt đạo này có mối liên kết với thiên Kinh mạch và nằm trong linh khu 10. Trung Quản huyệt nổi bật vì là điểm hội tụ của mạch Nhâm với các kinh Tiểu trường, Vị, và Tam tiêu. Đây là huyệt hội của Phủ, là huyệt mộ của Vị, và nơi tập trung khí của Tỳ. Ngoài ra, nó thuộc nhóm 9 huyệt Hồi Dương Cứu Nghị và là một trong 4 huyệt Hội Khí của mạch Dương theo sách Kinh Mạch Biệt Luận.

  • Vị trí huyệt: Huyệt nằm trên đường giữa bụng, theo hướng vuông góc với rốn và cách rốn khoảng 4 thốn. Nó nằm ở điểm giữa đoạn nối từ rốn đến đường ngang qua bờ dưới sườn.
  • Cấu trúc liên quan dưới huyệt: Dưới huyệt đạo Trung Quản, có thể tìm thấy đường trắng giữa, mạc ngang và phúc mạc. Khi vào sâu trong ổ bụng, huyệt này liên quan đến phần ngang của dạ dày.
  • Huyệt Trung Quản được thần kinh D8 chi phối và có tác động trực tiếp đến da vùng huyệt đạo. Điều này cho thấy huyệt có vai trò quan trọng trong các phương pháp châm cứu và điều trị bệnh.

Cách xác định vị trí huyệt:

  • Người bệnh nằm ngửa thoải mái, đo từ rốn lên phía trên khoảng 4 thốn ngón tay để xác định vị trí huyệt.
  • Một phương pháp khác là vẽ hai đường thẳng: Một đường dọc từ rốn và một đường ngang nối hai bờ sườn, sau đó xác định giao điểm của hai đường thẳng để tìm vị trí của huyệt đạo này.
Hình ảnh huyệt Trung Quản
Hình ảnh huyệt Trung Quản

Công dụng của huyệt Trung Quản

Với vị trí quan trọng trên cơ thể, Trung Quản huyệt mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm:

  • Hỗ trợ giảm cân và điều trị béo phì: Huyệt có thể kích thích lưu thông khí huyết, phân bổ năng lượng hiệu quả, đồng thời giúp giảm mỡ thừa và hỗ trợ quá trình giảm cân.
  • Hỗ trợ trị viêm loét dạ dày: Theo Y học cổ truyền, huyệt vị này có khả năng điều chỉnh lưu thông khí và Can khí, góp phần làm giảm triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng và tăng cường chức năng bảo vệ của cơ thể.
  • Giảm nấc cụt: Trung Quản huyệt có thể được sử dụng để làm giảm các cơn nấc cụt, giúp giảm cảm giác khó chịu cho người bệnh.
  • Điều hòa và cải thiện chức năng dạ dày: Huyệt đạo Trung Quản giúp cân bằng hoạt động của dạ dày, giảm các triệu chứng như đầy hơi, khó tiêu và trào ngược dạ dày.
  • Cải thiện chức năng hệ tiêu hóa: Kích thích huyệt có thể giảm cơn đói và thúc đẩy lưu thông máu, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.

Phương pháp chữa bệnh bằng huyệt Trung Quản

Trong Y học cổ truyền, hai phương pháp chính để tác động lên huyệt là bấm huyệt và châm cứu:

Bấm huyệt

Bấm huyệt là phương pháp điều trị bằng cách áp dụng áp lực nhẹ nhàng lên huyệt trên cơ thể để kích thích dòng chảy của khí và năng lượng. Để bấm huyệt Trung Quản hiệu quả, cần xác định chính xác vị trí huyệt. Sử dụng đầu ngón tay cái để tạo áp lực lên huyệt, dần dần tăng cường áp lực cho đến khi cảm giác căng tức hoặc nặng xuất hiện tại điểm huyệt. Sau khi đạt cảm giác mong muốn, giữ nguyên áp lực một thời gian trước khi dừng lại.

Châm cứu

Châm cứu là phương pháp truyền thống trong Y học cổ truyền, thực hiện bằng cách sử dụng kim châm để kích thích các điểm huyệt. Quy trình châm cứu bao gồm:

  • Sử dụng kim châm cứu và các dụng cụ vệ sinh để đảm bảo điều kiện sạch sẽ.
  • Định vị huyệt và vệ sinh khu vực xung quanh bằng cồn 70 độ.
  • Làm căng da để giảm cảm giác đau khi kim được châm vào huyệt. Đưa kim vào huyệt đạo Trung Quản với áp lực phù hợp, tùy thuộc vào mục đích điều trị và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
  • Thời gian kim được giữ trong huyệt có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Trong thời gian này, có thể áp dụng các kỹ thuật như bổ tả, ôn châm hoặc điện châm để nâng cao hiệu quả điều trị.
  • Sau khi kết thúc, rút kim và thực hiện vệ sinh khu vực châm cứu một lần nữa để đảm bảo sạch sẽ.
Châm cứu là phương pháp trị bệnh hiệu quả
Châm cứu là phương pháp trị bệnh hiệu quả

Cách phối huyệt đạo chữa bệnh

Huyệt Trung Quản thường được phối hợp với các huyệt khác để tăng hiệu quả điều trị nhiều loại bệnh lý khác nhau. Dưới đây là các cách phối huyệt theo từng y thư cổ và các tác giả:

Theo sách Tư Sinh Kinh:

  • Tam Âm Giao (Ty.6): Dùng để trị chứng ăn không tiêu.
  • Thừa Mãn (Vi.20): Được sử dụng để giảm đau bụng lan ra vai.

Theo sách Ngọc Long Kinh:

  • Túc Tam Lý (Vi.36): Huyệt này được phối với Trung Quản để trị chứng hoàng đản và tình trạng tay chân yếu.

Theo sách Châm Cứu Tụ Anh:

  • Khí Hải (Nh.6): Phối với huyệt này để điều trị tiểu ra máu.

Theo sách Châm Cứu Đại Thành:

  • Cự Hư Thượng Liêm (Vi.37) và Kỳ Môn (C.14): Được phối để trị suyễn cấp.
  • Thiên Xu (Vi.25) và Trung Cực (Nh.3): Phối hợp để điều trị tiêu chảy không cầm.
  • Thiên Xu (Vi.25): Dùng để trị thổ tả.

Theo sách Hành Châm Chỉ Yếu:

  • Túc Tam Lý (Vi.36): Được sử dụng để trị đờm.
  • Chiên Trung (Nh.17) và Khí Hải (Nh.6): Phối hợp để trị nôn mửa.

Theo sách Trung Hoa Châm Cứu Học cho biết:

  • Quan Nguyên (Nh.4), Thiên Xu (Vi.25) và Túc Tam Lý (Vi.36): Dùng để trị đau bụng.

Theo sách Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu cho thấy:

Theo y sách cổ Châm Cứu Học Thượng Hải:

  • Khí Hải (Nh.6), Nội Quan (Tâm bào.6) và Thiên Xu (Vi.25): Được sử dụng để trị ruột tắc cấp tính.
  • Lương Khâu (Vi.34) và Nội Quan (Tâm bào.6): Phối hợp để trị đau dạ dày.
  • Túc Tam Lý (Vi.36): Dùng để trị no hơi và thực đạo co thắt.
  • Âm Đô (Th.19): Trị chứng nấc cụt.
  • Dương Trì (Tam tiêu.4) và Thượng Quản (Nh.13): Điều trị nôn mửa khi mang thai.
  • Phế Du (Bàng quang.13) và Túc Tam Lý (Vi.36): Phối hợp để trị ho ra máu.
  • Chí Dương (Đốc.10) và Đởm Du (Bàng quang.19): Điều trị vàng da.
  • Khí Hải (Nh.6) và Thần Khuyết (Nh.8): Trị trúng lạnh.
  • Túc Tam Lý (Vi.36) và Vị Thượng: Điều trị sa dạ dày.
  • Lương Môn (Vi.21), Nội Quan (Tâm bào.6), Thiên Xu (Vi.25) và Túc Tam Lý (Vi.36): Sử dụng để trị xuất huyết dạ dày.

Theo sách Châm Cứu Chân Tuỷ:

  • Dương Trì (Tam tiêu.4): Được dùng để trị lệch tử cung (ra trước, sau, qua phải, trái) và thoát vị.

Trích sách Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học:

  • Công Tôn (Ty.4), Nội Quan (Tâm bào.6) và Túc Tam Lý (Vi.36): Phối hợp để trị nôn mửa.

Các phương pháp phối huyệt này cho thấy sự phong phú và đa dạng trong việc sử dụng huyệt để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, dựa trên kiến thức y học cổ truyền.

Phối huyệt Trung Quản trị được nhiều bệnh lý nguy hiểm
Phối huyệt Trung Quản trị được nhiều bệnh lý nguy hiểm

Một số lưu ý trong khi bấm huyệt, châm cứu

Trong quá trình tác động lên huyệt, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Cần xác định chính xác huyệt đạo ở đâu trước khi thực hiện bất kỳ cách tác động nào.
  • Song song với quá trình trị liệu, người bệnh cần xây dựng một chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học. Bổ sung rau xanh, trái cây kết hợp vận động nhẹ nhàng để hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho bản thân.
  • Tránh châm cứu trên vùng da đang bị tổn thương hoặc có hiện tượng chảy máu. Khi châm cứu cũng không châm sâu quá vì phía trong huyệt Trung Quản là vào ổ bụng.
  • Phụ nữ đang có thai không được châm kim sâu và tốt nhất không nên thực hiện việc châm cứu để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé.
  • Khi phối hợp các huyệt vị cùng một lúc cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn. Bởi việc phối hợp không đúng có thể gây ra tác động xấu đối với sức khỏe, thậm chí là đe doạ tính mạng.

Trên đây là toàn bộ các thông tin tham khảo về huyệt Trung Quản. Lưu ý rằng bạn không nên tự ý châm cứu hay bấm huyệt tại nhà mà nên đến các cơ sở chuyên môn để được hướng dẫn thực hiện một cách chính xác và hiệu quả nhất.

Xem Thêm:

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh