Huyệt Dương Phụ: Vị Trí Và Cách Tác Động Trị Đau Xương Khớp

Ngày cập nhật: 30/09/2024 Biên tập viên: Đỗ Thanh
Đánh giá bài viết

Huyệt Dương Phụ là huyệt đạo quan trọng trong hệ kinh Đởm của Y học cổ truyền, có tác dụng điều hòa khí huyết và hỗ trợ điều trị các bệnh lý về xương khớp. Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá vị trí, tác dụng và cách khai thông huyệt để tận dụng tối đa lợi ích của huyệt đạo này đối với sức khỏe.

Huyệt Dương Phụ là gì?

Huyệt Dương Phụ có xuất xứ từ Thiên ‘Bản Du’ (LKhu.2). Huyệt nằm ở phần ngoài cẳng chân (thuộc dương) và ở chỗ phụ cốt nên được gọi là Dương Phụ (theo Trung Y Cương Mục).

Tên gọi khác: Huyệt Dương Phò, huyệt Phân Gian, huyệt Dương Phù, huyệt Phân Nhục.

Đặc tính của huyệt:

  • Là huyệt thứ 38 của kinh Đởm.
  • Là huyệt Kinh thuộc hành Hỏa, có tác dụng tăng cường năng lượng dương.
  • Là huyệt Tả của kinh Đởm giúp điều hòa khí huyết và hỗ trợ các bệnh lý liên quan đến đau nhức xương khớp.
Hình ảnh minh họa Dương Phụ huyệt
Hình ảnh minh họa Dương Phụ huyệt

Vị trí huyệt Dương phụ

Huyệt Dương Phụ nằm trên cẳng chân, cách đỉnh mắt cá chân ngoài 4 thốn, ở bờ trước xương mác. Để xác định chính xác vị trí huyệt, bạn làm theo các bước sau:

  • Xác định mắt cá ngoài: Trước tiên, xác định đỉnh của mắt cá chân ngoài (mắt cá nằm phía bên ngoài của bàn chân).
  • Đo khoảng cách: Từ đỉnh mắt cá ngoài, đo lên 4 thốn (tương đương với chiều rộng của 4 ngón tay của bạn đặt cạnh nhau).
  • Tìm bờ trước xương mác: Xác định vị trí bờ trước của xương mác (là phần xương nhô ra phía trước của cẳng chân).
  • Xác định huyệt: Huyệt Dương Phụ nằm trong khe giữa cơ mác bên ngắn và bờ trước xương mác, vị trí này lõm nhẹ và hơi đau khi ấn vào.

Đặc điểm giải phẫu:

  • Dưới da huyệt đạo là khe giữa cơ mác bên ngắn cùng với bờ trước xương mác.
  • Thần kinh vận động cơ tại vị trí huyệt này là nhánh dây thần kinh cơ – da.
  • Da vùng huyệt đạo được chi phối bởi tiết đoạn dây thần kinh L5.

Tác dụng của huyệt Dương Phụ đối với sức khỏe

Trong Y học cổ truyền, huyệt Dương Phụ được ứng dụng trong điều trị các vấn đề về sức khỏe như:

  • Viêm khớp gối: Kinh Đởm đi qua vùng đầu gối, tác động lên huyệt này có thể giúp điều hòa kinh khí, thúc đẩy lưu thông máu huyết tại khớp gối, từ đó giảm đau và viêm.
  • Đau lưng: Tác động vào huyệt này giúp khai thông tắc nghẽn do khí huyết ứ trệ, từ đó giảm đau lưng do căng cơ, mỏi cơ hoặc do các vấn đề về cột sống.
  • Bồn chồn, mỏi mệt: Theo Y học cổ truyền, huyệt có liên quan đến tâm trạng và tinh thần. Bấm huyệt này có thể giúp giải tỏa căng thẳng, lo âu, giảm bồn chồn và mệt mỏi.
Huyệt có tác dụng giảm đau và viêm khớp gối
Huyệt có tác dụng giảm đau và viêm khớp gối

Châm cứu, bấm huyệt Dương Phụ chuẩn Y học cổ truyền

Bấm huyệt và châm cứu huyệt Dương Phụ là 2 liệu pháp được ứng dụng phổ biến trong Y học cổ truyền, nhưng cần thực hiện đúng kỹ thuật để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Kỹ thuật châm cứu:

  • Người thực hiện: Bác sĩ hoặc chuyên viên Y học cổ truyền có chứng chỉ hành nghề.
  • Chuẩn bị: Kim châm cứu vô trùng, bông, cồn sát trùng, ngải cứu (nếu cần).
  • Tư thế bệnh nhân: Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và vị trí huyệt, bệnh nhân có thể nằm sấp hoặc nằm ngửa, để lộ rõ vùng cẳng chân bên ngoài.
  • Châm kim: Châm thẳng góc với bề mặt da với độ sâu từ 1 – 1.5 thốn.
  • Lưu kim: Để kim tại huyệt trong khoảng 15 – 20 phút rồi rút ra.
  • Cứu và ôn cứu: Đốt ngải cứu và hơ trên đầu kim hoặc gần huyệt 3 – 5 mồi hoặc dùng điếu ngải cứu để ôn ấm huyệt trong 5 – 10 phút.

Kỹ thuật bấm huyệt:

  • Người thực hiện: Có thể tự bấm huyệt hoặc nhờ người khác hỗ trợ.
  • Bấm huyệt: Dùng ngón tay cái hoặc ngón trỏ ấn vào huyệt với lực vừa phải, sau đó day nhẹ nhàng theo vòng tròn hoặc ấn và thả liên tục.
  • Thời gian và tần suất: Bấm mỗi huyệt khoảng 2 phút với tần suất bấm huyệt 2 – 3 lần mỗi ngày.
Châm cứu cần được thực hiện bởi chuyên gia có kinh nghiệm
Châm cứu cần được thực hiện bởi chuyên gia có kinh nghiệm

Hướng dẫn phối huyệt Dương Phụ trị bệnh

Dưới đây là ghi chép về các phác đồ phối huyệt Dương Phụ với hệ thống huyệt đạo tương hợp, giúp tăng hiệu quả chữa trị bệnh.

  • Phối cùng huyệt đạo Dương Giao (Đ.35) + huyệt đạo Dương Lăng Tuyền (Đ.34): Điều trị tê mông và xương ống chân (theo Thiên Kim Phương).
  • Cứu huyệt đạo Dương Lăng Tuyền (Đ.34) + huyệt đạo Dương Phụ (Đ.38) + huyệt đạo Huyền Chung (Đ.39) + huyệt đạo Phong Thị (Đ.31): Điều trị cước khí (theo Ngoại Đài Bí Yếu).
  • Phối cùng huyệt đạo Dương Quan (Đ.33): Điều trị phong tê (theo Tư Sinh Kinh).
  • Phối cùng huyệt đạo Chi Câu + huyệt đạo Chương Môn (C.13) + huyệt đạo Túc Lâm Khấp (Đ.41): Điều trị loa lịch (theo Tư Sinh Kinh).
  • Phối cùng huyệt đạo Chương Môn + huyệt đạo Lâm Khấp (Đ.41): Điều trị quyết nghịch (theo Châm Cứu Đại Thành).
  • Phối cùng huyệt đạo Khâu Khư (Đ.40) + huyệt đạo Túc Lâm Khấp (Đ.41): Điều trị sưng dưới nách (theo Châm Cứu Đại Thành).
  • Phối cùng huyệt đạo Thái Xung (C.3): Điều trị nách sưng, có nhọt ở cổ (theo Châm Cứu Đại Thành).
  • Phối cùng huyệt đạo Dương Giao (Đ.35) + huyệt đạo Hành Gian (C.2) + huyệt đạo Tuyệt Cốt (Đ.39): Điều trị 2 chân tê (theo Châm Cứu Đại Thành).
  • Phối cùng huyệt đạo Cách Du + huyệt đạo Nội Quan (Tb.6) + huyệt đạo Thương Khâu (Ty.5) + huyệt đạo Tỳ Du (Bq.20) + huyệt đạo Vị Du (Bq.21): Điều trị dạ dày đau (theo Thần Cứu Kinh Luân).
  • Cứu huyệt đạo Dương Phụ 21 tráng, phối cứu huyệt đạo Khí Hải (Nh.6) 100 tráng + huyệt đạo Tam Âm Giao (Ty.6) 21 tráng + huyệt đạo Túc Tam Lý (Vi.36) 21 tráng: Điều trị khí nhược, rốn lạnh, bụng đau, tiêu chảy phân sống (theo Vệ Sinh Bảo Giám).
  • Phối cùng huyệt đạo Dương Lăng Tuyền + huyệt đạo Hiệp Khê (Đ.43) + huyệt đạo Túc Khiếu Âm (Đ.44) + huyệt đạo Túc Lâm Khấp (Đ.41): Điều trị mụn nhọt mọc 1 bên đầu (theo Ngoại Khoa Lý Lệ).
  • Phối cùng huyệt đạo Thái Xung (C.3): Điều trị nách sưng lở (theo Tân Châm Cứu Học).
  • Phối cùng huyệt đạo Cách Du + huyệt đạo Can Du (Bq.18) + huyệt đạo Chi Câu (Ttu.6) + huyệt đạo Nội Quan (Tb.6) + huyệt đạo Túc Lâm Khấp (Đ.41): Điều trị ngực và sườn đau (theo Châm Cứu Học Giản Biên).

Qua bài viết này, chúng ta đã khám phá sâu hơn về huyệt Dương Phụ – một điểm huyệt quan trọng trong điều trị đau nhức xương khớp. Bằng cách áp dụng phương pháp châm cứu, bấm huyệt này đúng theo chuyên gia hướng dẫn sẽ giúp bảo an toàn và hiệu quả cho sức khỏe.

Xem Thêm:

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh