Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Huyệt Phong Thị: Vị Trí, Đặc Tính Và Cách Tác Động Theo YHCT
Rất nhiều tài liệu Đông y có nhắc đến huyệt Phong Thị, đây là huyệt đạo có công dụng chủ trị nhiều bệnh lý liên quan đến xương khớp. Cùng theo dõi bài viết dưới đây để hiểu hơn về nguồn gốc xuất xứ, vị trí chính xác và cách tác động huyệt vị này trong điều trị bệnh lý.
Một số thông tin về huyệt Phong Thị
Trên cơ thể có hàng trăm huyệt đạo, trong đó huyệt Phong Thị đóng vai trò rất quan trọng với hệ cơ xương. Khi tác động đúng cách vào huyệt đạo này sẽ giúp khu phong, tán hàn thấp, làm mạnh gân cốt, điều hòa khí huyết hiệu quả.
Thông tin về huyệt Phong Thị:
- Tên gọi khác: Thùy Phủ.
- Xuất xứ: Trữu Hậu Phương.
- Đặc tính: Là huyệt thứ 31 của kinh Đởm.
- Ý nghĩa tên gọi: Sự hội tụ và tập trung, công dụng chính của huyệt là tán phong nên được gọi là Phong Thị (Trung Y Cương Mục).
- Chủ trị: Tác động huyệt đúng cách trị liệt chân, vùng lưng và chân đau, thần kinh tọa đau.
Vị trí và cách xác định huyệt Thùy Phủ
Theo các tài liệu Y Học Cổ Truyền, huyệt Phong Thị hay Thùy Phủ nằm ở má ngoài của đùi, chính xác là phần đường rãnh 2 gân mặt ngoài giữa đùi trước và đùi sau. Khi ép cánh tay dọc theo cơ thể xuống đùi, vị trí huyệt sẽ nằm ở điểm giao đầu ngón tay giữa áp lên đùi trên đầu khớp gối 7 thốn.
Khi giải phẫu sẽ thấy, phần dưới da huyệt là bờ sau của cân đùi và cơ rộng ngoài bờ trước cơ 2 đùi, cơ rộng giữa và xương đùi. Vùng da huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L2, thần kinh vận động chính là cơ nhánh của dây thần kinh mông trên, nhánh thần kinh hông, thần kinh đùi.
Cách xác định huyệt Thùy Thủ như sau:
- Để người bệnh nằm ở tư thế ngửa, hai tay duỗi thẳng ép sát thân mình, 2 ngón tay giữa áp vào phần cơ căng cân đùi, cách khớp gối 7 thốn.
- Khi đó, vị trí lõm mà ngón tay giữa chạm đến chính là vị trí huyệt tương ứng ở hai bên chân.
Lợi ích khi tác động huyệt Phong Thị
Nằm trên hệ thống kinh Đởm, huyệt Phong Thị có công dụng chủ trị các bệnh xương khớp do bị phong hàn thấp gây ra. Khi tác động đúng cách vào huyệt vị này sẽ giúp khu phong, tán hàn nhờ đó giúp điều hòa khí huyết và hỗ trợ điều trị tổn thương, làm giảm đau đớn cho người bệnh.
Đông y đánh giá cao huyệt vị này bởi bên cạnh công dụng chủ trị, Phong Thị còn tác động được tới từng vùng cơ thể, cụ thể:
- Vùng mặt (thần kinh): Tác động huyệt giúp tinh thần tỉnh táo, cải thiện tình trạng hoa mắt, chóng mặt, huyết áp thấp, đau vùng đầu.
- Tại chỗ, theo kinh Đởm: Hỗ trợ điều trị trúng phong, liệt chi dưới hoặc liệt nửa người.
- Toàn thân: Bấm, cứu huyệt Phong Thị giúp làm giảm cảm giác ngứa ngáy trên khắp cơ thể.
Hướng dẫn cách bấm, cứu huyệt Phong Thị trị bệnh
Nhìn chung, kỹ thuật bấm và châm cứu các huyệt đạo gần như giống nhau. Tùy thuộc mục đích hỗ trợ chữa trị bệnh lý nào mà sẽ có cách tác động phù hợp hoặc phối cùng một số huyệt vị khác trên cơ thể.
Cách bấm huyệt – châm cứu
Để tác động lên huyệt Thùy Thủ, mọi người có thể thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Để người bệnh nằm, ngồi ở tư thế thoải mái và thuận tiện nhất.
- Bước 2: Xác định chính xác vị trí huyệt theo hướng dẫn bên trên, có thể bôi tinh dầu dược liệu để tăng hiệu quả điều trị. Riêng đối với châm cứu không nên sử dụng bất kỳ loại dầu hoặc dược liệu nào trên bề mặt da.
- Bước 3: Dùng ngón tay cái day nhẹ theo chiều kim đồng hồ rồi ấn huyệt. Động tác này lặp đi lặp lại trong vòng 3 – 5 phút. Đối với châm cứu sẽ châm kim thẳng sâu 1 – 1.5 thốn, thực hiện ký thuật cứu từ 3 – 5 tráng và ôn cứu 5 – 10 phút.
Cách phối huyệt Phong Thị hỗ trợ điều trị bệnh
Phối huyệt đúng cách sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, đặc biệt là các huyệt có liên quan trực tiếp với nhau trên hệ thống kinh lạc. Riêng đối với huyệt Thùy Phủ, trong các tài liệu y thư có ghi chép lại nhiều cách phối chủ trị cho các đầu bệnh khác nhau, cụ thể:
- Ngọc Long Ca đề cập: Phối tổ hợp Thùy Thủ, Hành Gian, Ủy Trung có tác dụng trị đau lưng, đau khi xoay người.
- Châm Cứu Đại Hành ghi chép 2 nhóm: Kết hợp Phong Thị và huyệt Hoàn Khiêu giúp trị bệnh đầu gối; phối Phong Thị cùng huyệt Tam Âm Giao, huyệt Ngoại Quan, Thủ Tam Lý, huyệt Dương Lăng Tuyền cùng huyệt Khúc Trì chữa trúng gió khiến tay chân đau nhức, ê mỏi.
- Vệ Sinh Bảo Giám: Tổ hợp huyệt Túc Tam Lý, huyệt Kiên Ngung, huyệt Khúc Trì, huyệt Bá Hội, Thùy Thủ (Phong Thị)… có thể chữa đau nhức chân tay.
- Châm Cứu Tụ Anh cho biết: Huyệt vị này phối cùng huyệt Âm Giao chữa chân và đùi không có sức lực.
- Tài liệu Thần Cứu Kinh Luân: Phối Phong Thị với huyệt Hợp Cốc, huyệt Côn Lôn, Đơn Điền, Quan Nguyên, Thủ Tam Lý chữa tâm thần rối loạn, tay chân tê bì, hoặc trúng gió.
Một số lưu ý khi châm cứu – bấm huyệt Thùy Thủ
Châm cứu và bấm huyệt là các liệu pháp Đông y an toàn nhưng đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và độ chính xác cao. Quá trình điều trị tự phát có thể không mang lại hiệu quả như mong đợi và có nhiều nguy cơ rủi ro, gây rối loạn hoạt động của hệ thống kinh lạc. Mọi người nên tìm hiểu và đến các trung tâm Đông y chuyên bấm huyệt trị bệnh uy tín để đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, trong quá trình trị liệu bấm – cứu huyệt, bệnh nhân cũng cần lưu ý:
- Thời gian điều trị châm cứu – bấm huyệt cần kéo dài tối thiểu 15 – 30 ngày, mọi người nên kiên trì thực hiện đều đặn để có hiệu quả cao nhất.
- Thực hiện theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc chuyên môn, có chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh.
- Cố gắng giảm bớt tối đa các món ăn chứa nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng, thức uống có cồn…
- Trước khi châm cứu, người bệnh nên để cơ thể trong trạng thái tĩnh khoảng 15 phút để điều hòa nhịp thở và khí huyết trong cơ thể.
- Ngoài ra, không nên ăn quá no hoặc để bụng đói trước khi châm cứu.
- Bà bầu, người có bệnh lý nền, trẻ em cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn trước khi thực hiện liệu trình.
- Châm cứu và bấm huyệt mang lại nhiều lợi ích, giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng bệnh lý thế nhưng không thể thay thế thuốc đặc trị cũng như phẫu thuật. Vì vậy mọi người cần tìm hiểu kỹ và cân nhắc giữa các giải pháp điều trị để phục hồi sức khỏe sớm nhất có thể nhé.
Trên đây là thông tin cơ bản nhất về huyệt Phong Thị – huyệt đạo trên kinh Đởm. Để hiểu thêm về huyệt vị này mọi người có thể tìm kiếm và tham khảo thêm các tài liệu Y Học Cổ Truyền.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!