Mẹo bấm huyệt chữa nghẹt mũi cực hay từ Y học cổ truyền

Ngày cập nhật: 30/01/2024 Biên tập viên: Trần Hoa

Nghẹt mũi là một trong những triệu chứng đường hô hấp rất phổ biến, thường gây ra nhiều phiền toái và mệt mỏi cho người bệnh. Thay vì lạm dụng thuốc kháng sinh và các sản phẩm xịt thông mũi, quý vị có thể áp dụng cách bấm huyệt chữa nghẹt mũi của YHCT. Đây là phương pháp đơn giản, tiết kiệm nhưng cho hiệu quả nhanh và ít gây tác dụng phụ.

Xoa bóp bấm huyệt phát huy hiệu quả như thế nào trong điều trị nghẹt mũi

Nghẹt mũi (hay ngạt mũi) là triệu chứng đường hô hấp thường gặp, gây ra do cảm lạnh, cảm cúm, viêm phế quản, viêm xoang, viêm mũi dị ứng… Nghẹt mũi thường đi kèm với các triệu chứng khác như sổ mũi, ho, đau đầu… Tình trạng này dù không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe nhưng gây ra nhiều phiền toái và mệt mỏi cho người bệnh trong đời sống và sinh hoạt.

Việc sử dụng thuốc xịt, thuốc nhỏ mũi chứa steroid có thể gây khô mũi còn thuốc kháng sinh thường có nhiều tác dụng phụ và dễ gặp phải tình trạng nhờn thuốc. Thay vì sử dụng các phương pháp này, có một giải pháp chữa nghẹt mũi đơn giản, an toàn mà chúng ta có thể dễ dàng áp dụng tại nhà là xoa bóp bấm huyệt.

Day ấn huyệt là phương pháp hiệu quả để điều trị ngạt mũi do viêm đường hô hấp cấp và mạn tính
Day ấn huyệt là phương pháp hiệu quả để điều trị nghẹt mũi do viêm đường hô hấp cấp và mạn tính.

Theo Y học cổ truyền, ngạt mũi, sổ mũi là do khí hàn hoặc nhiệt xâm nhập, khiến khiếu (mũi) hư yếu, kinh mạch bị tắc nghẽn gây nên. Thực hiện bấm huyệt giúp điều hòa khí huyết, giải phóng tắc nghẽn, giúp quá trình lưu thông dịch tiết hô hấp diễn ra thuận lợi, từ đó khắc phục tình trạng nghẹt mũi và các triệu chứng đi kèm hiệu quả.

Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý day bấm huyệt chỉ phát huy hiệu quả cao với các trường hợp ngạt mũi do viêm đường hô hấp cấp và mạn tính. Nếu ngạt mũi xuất phát từ các bệnh lý phức tạp như polyp mũi, phì đại amidan, vẹo vách ngăn và khối u ở xoang; người bệnh nên đi khám để sớm được điều trị ngoại khoa.

Cách bấm huyệt chữa ngạt mũi theo tư vấn từ chuyên gia

Để bấm huyệt trị nghẹt mũi, bệnh nhân nên ngồi thẳng, thư giãn, thả lỏng cơ thể sau đó bắt đầu thực hiện tuần tự các động tác xoa bóp và day ấn huyệt dưới đây.

Vuốt trán trị ngạt mũi

Dùng hai ngón tay vuốt thẳng từ chân tóc xuống hai bên đầu lông mày. Thực hiện liên tục khoảng 40 lần tới khi cảm thấy vùng trán nóng lên là được. Động tác xoa bóp đơn giản này có tác dụng rất tốt trong việc khơi thông bế tắc trong khoang mũi, giúp mũi nhanh chóng thông thoáng hơn.

Vuốt thẳng từ chân tóc xuống 2 bên đầu lông mày
Vuốt thẳng từ chân tóc xuống 2 bên đầu lông mày.

Vị trí bấm huyệt chữa nghẹt mũi hiệu quả nhất – Huyệt Hợp cốc

Hợp cốc là huyệt nằm trên mu bàn tay. Khi khép ngón trỏ và ngón cái lại, vị trí huyệt là điểm cao nhất trên vùng cơ bắp của hai ngón này. Bấm huyệt Hợp cốc có tác dụng khu phong, giải nhiệt, thanh tiết Phế khí; được sử dụng trong điều trị cảm cúm, sốt, đau răng, đau mắt… Đây còn là huyệt vị để tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp phòng bệnh hiệu quả khi thời tiết chuyển mùa.

Các tác động: dùng ngón cái day ấn huyệt Hợp cốc với lực mạnh đủ để có cảm giác tê tức. Bấm từ 3-5 lần liên tục, mỗi lần trong khoảng 2 giây. Thực hiện lần lượt với hai huyệt trên hai tay.

Bấm huyệt Hợp cốc trị nghẹt mũi
Bấm huyệt Hợp cốc trị nghẹt mũi.

Nghẹt mũi bấm huyệt nào? – Ấn đường

Huyệt Ấn đường nằm ở giữa đường thẳng nối hai đầu chân mày. Công dụng của huyệt này là định thần chí và trừ phong nhiệt; bấm huyệt chữa viêm xoang, đau đầu, nghẹt mũi…

Cách tác động: Dùng ngón tay cái day ấn huyệt Ấn đường trong khoảng 3 phút. Tác động lực từ nhẹ tới mạnh. Nên xoa dầu gió trước khi ấn huyệt và bấm lặp lại sau vài giờ để đạt được hiệu quả chữa bệnh tốt nhất.

Vị trí huyệt Ấn đường và Nghinh hương
Vị trí huyệt Ấn đường và Nghinh hương.

Ấn huyệt trị nghẹt mũi – Huyệt Nghinh hương

Nghinh hương là cặp huyệt nằm ở hai bên cánh mũi, tại giao điểm của đường rãnh mũi – má và đường ngang qua chân cánh mũi. Bấm huyệt này có tác dụng thông khiếu, tán phong nhiệt, thanh khí hỏa; điều trị tốt các bệnh về mũi, đặc biệt là ngạt mũi.

Cách tác động: dùng ngón cái bấm mạnh lên huyệt Nghinh hương (giữ đầu ngón tay vuông góc để đạt hiệu quả tốt nhất) trong khoảng từ 1-3 phút, thực hiện đồng thời với cả hai huyệt. Sau khi bấm huyệt có thể thoa dầu hoặc dán một miếng Salonpas vuông kích thước 1x1cm để làm nóng huyệt, giúp tăng hiệu quả trị nghẹt mũi.

Huyệt Thượng tinh và Toàn trúc trị ngạt mũi
Huyệt Thượng tinh và Toàn trúc trị ngạt mũi.

Ngoài các huyệt vị chính kể trên, người bệnh có thể day ấn thêm các huyệt bổ trợ dưới đây để có thể giảm nghẹt mũi nhanh chóng nhất:

  • Huyệt Thượng tinh: nằm trên đường dọc giữa đầu, tại trung điểm của đường nối huyệt Bách hội và Ấn đường. Đây là huyệt có khả năng điều trị nhiều bệnh về mũi, trong đó có ngạt mũi, sổ mũi. Dùng ngón trỏ hoặc ngón giữa day ấn huyệt từ 3-5 lần với lực vừa phải sẽ giúp giảm tắc nghẽn và làm cho mũi thông thoáng hơn.
  • Huyệt Toàn trúc (Toản trúc): nằm ở chỗ lõm ngay đầu chân mày. Huyệt có tác dụng khứ phong, minh mục; trị được các bệnh mắt đau, đầu đau, liệt mặt, ngạt mũi. Dùng ngón tay xoa bóp nhẹ ở hai huyệt Toàn trúc trong khoảng 3 phút sẽ giúp giảm chứng nghẹt mũi do xoang.
  • Huyệt Quyền liêu: nằm ở dưới xương gò má, tại giao điểm của đường dọc qua bờ ngoài của mắt và đường ngang qua chân cánh mũi. Đây là huyệt trị được nghẹt mũi, sổ mũi do xoang. Cách bấm huyệt Quyền liêu thông mũi là dùng 2 ngón tay xoa và ấn đồng thời cả 2 huyệt với lực nhẹ trong khoảng 30-60 giây.
  • Huyệt Ế phong: nằm ở phía sau trái tai, tại chỗ lõm giữa góc hàm dưới và gai xương chũm. Đây là huyệt có tác dụng khu phong tiết nhiệt, minh mục, thông nhĩ khiếu. Bấm huyệt Ế phong chữa bệnh ngạt mũi bằng cách dùng ngón tay ấn vào vị trí huyệt với lực tăng dần, tới khi cảm thấy hơi đau tức là được. Bấm từ 3-5 cái mỗi lần.
Bấm huyệt Quyền liêu và Ế phong chữa nghẹt mũi
Huyệt Quyền liêu và Ế phong.

Cần lưu ý gì khi bấm huyệt chữa nghẹt mũi?

Xoa bóp bấm huyệt cần được thực hiện thận trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị. Bên cạnh việc xác định đúng vị trí huyệt và bấm huyệt đúng cách, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau khi bấm huyệt tại nhà:

  • Bấm huyệt ngạt mũi đều đặn 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và tối, liên tục trong khoảng 1 tuần. Nếu bệnh nặng thì nên day bấm huyệt ít nhất 3 lần/ngày và duy trì trong khoảng 20 ngày để đạt được hiệu quả tốt nhất.
  • Không bấm huyệt hết nghẹt mũi cho phụ nữ mang thai và những người đang trong trạng thái tâm lý bất ổn.
  • Cắt gọn móng tay, rửa sạch tay và tránh tác động lên những vùng da đang có vết thương hoặc bị sưng viêm để tránh gây bầm tím và nhiễm trùng khi xoa bóp bấm huyệt.
  • Không bấm huyệt chữa tắc mũi sau khi uống rượu bia hay khi đang quá đói hoặc quá no để tránh gây ra các ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
  • Bên cạnh việc sử dụng mẹo chữa nghẹt mũi bằng bấm huyệt, có thể kết hợp với các biện pháp khác như xịt mũi, xông mũi… ở mức độ hợp lý để cải thiện triệu chứng nhanh chóng nhất.
  • Nếu nghẹt mũi kéo dài hơn 3 tuần, đi kèm với các triệu chứng sốt, ho dai dẳng thì không nên chữa bằng bấm huyệt mà cần sớm tới bệnh viện để được thăm khám và điều trị bằng phương pháp thích hợp.

Bấm huyệt chữa nghẹt mũi là phương pháp hữu ích để cải thiện triệu chứng tạm thời. Kiên trì bấm huyệt đều đặn mỗi ngày kết hợp với ăn uống và sinh hoạt điều độ là cách đơn giản và không tốn kém để nhanh chóng đẩy lùi triệu chứng đường hô hấp khó chịu này.

Xem thêm: 

Array

Chuyên khoa

Bệnh học

Đặt lịch khám chữa bệnh

22/11

hôm nay

23/11

Ngày mai

24/11

Ngày kìa

+

Khác