Huyệt Trật Biên: Tìm Hiểu Vị Trí Và Tác Dụng Đối Với Sức Khỏe 

Ngày cập nhật: 22/07/2024 Biên tập viên: Trần Hoa

Huyệt Trật Biên là đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí huyết, cân bằng âm dương, từ đó phòng và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh thuộc khu vực thắt lưng, hông và chi dưới. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về vị trí, công dụng và các lưu ý khi châm cứu và day bấm huyệt đạo này trị bệnh.

Vị trí huyệt Trật Biên ở đâu?

Huyệt Trật Biên có xuất xứ từ Giáp Ất Kinh, thuộc kinh Bàng Quang và là huyệt thứ 54 trên đường kinh này. Theo phân tích từ Trung Y Cương Mục, huyệt đạo có ý nghĩa như sau: “Trật” có nghĩa là gần cuối, “Biên” là bên cạnh. Đây cũng phản ánh vị trí huyệt nằm ở vị trí bên cạnh của xương cùng thứ tư, hơi chếch về phía ngoài.

Chuyên gia Y học cổ truyền hướng dẫn cách xác định huyệt Trật Biên đơn giải theo các bước như sau:

  • Bước 1: Người bệnh nằm sấp.
  • Bước 2: Bác sĩ xác định vị trí mỏm gai của đốt sống cùng thứ tư.
  • Bước 3: Từ mỏm gai này, đo ngang ra 2 bên 3 thốn sẽ tìm thấy huyệt Trật Biên. Lưu ý đo huyệt cần đảm bảo độ chính xác cao để tránh sai lệch, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Khi giải phẫu vị trí huyệt Trật Biên sẽ có đặc điểm sau:

  • Dưới da vùng huyệt đạo là cơ mông to và bờ dưới cơ tháp.
  • Thần kinh vận động cơ tại vùng huyệt là nhánh dây thần kinh mông trên và nhánh của đám rối cùng.
  • Da vùng huyệt chịu sự chi phối bởi tiết đoạn thần kinh S2.
Hình ảnh minh họa huyệt đạo
Hình ảnh minh họa huyệt đạo

Công dụng của huyệt Trật Biên

Trong ghi chép tại các cuốn Y thư cổ, huyệt Trật Biên có tác dụng lợi thấp, thanh nhiệt, cường kiện yêu tất và sơ thông kinh lạc. Vậy nên huyệt được biết đến với công dụng trong điều trị nhiều bệnh lý, bao gồm:

  • Điều trị vấn đề về thắt lưng, hông: Châm cứu huyệt Trật Biên có tác dụng giảm đau lưng, đau mỏi hông, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, đau rễ thần kinh, thoái hóa đốt sống lưng,…
  • Cải thiện chức năng chi dưới: Kích thích huyệt đạo này giúp lưu thông khí huyết, cải thiện tình trạng đau nhức, tê bì ở chân, hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan đến hệ thống vận động chi dưới như liệt sau zona, liệt sau chấn thương, viêm đa dây, viêm màng nhện tủy,…
  • Hỗ trợ điều trị các vấn đề về tiết niệu và sinh dục: Bấm huyệt Trật Biên được cho là có tác dụng lợi tiểu, điều hòa kinh nguyệt, giảm đau bụng dưới thời kỳ kinh nguyệt, hỗ trợ điều trị viêm bàng quang, trĩ,… hiệu quả.

Kỹ thuật châm cứu, bấm huyệt Trật Biên trị bệnh

Trong Y học cổ truyền, có 2 liệu pháp phổ biến được ứng dụng trong khai thông huyệt đạo Trật Biên trị bệnh như sau:

Kỹ thuật châm cứu

Châm cứu đòi hỏi kỹ thuật chính xác, do đó cần được thực hiện bởi người có trình độ chuyên môn để tránh các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là kỹ thuật từng bước châm cứu huyệt Trật Biên thường được bác sĩ Y học cổ truyền áp dụng.

Bước 1: Chuẩn bị các dụng cụ như kim châm cứu, bông gòn, cồn sát khuẩn.

Bước 2: Điều chỉnh tư thế người bệnh nằm sấp, hai chân duỗi thẳng.

Bước 3: Xác định huyệt Trật Biên nằm ở đâu, sau đó dùng bông thấm cồn sát khuẩn toàn bộ vùng da tại huyệt vị.

Bước 4: Dùng kim châm cứu châm vào huyệt, tùy từng bệnh lý sẽ có cách châm cụ thể như sau:

  • Châm thẳng với độ sâu 2 – 3 thốn khi trị đau dây thần kinh hông. Lúc này tại chỗ châm sẽ có cảm giác căng tức, nếu châm sâu sẽ như điện giật lan xuống chi dưới.
  • Châm xiên vào trong khoảng 45 độ, sâu từ 2 – 3 thống để điều trị bệnh về cơ quan sinh dục, tại chỗ châm sẽ có cảm giác tức lan xuống hậu môn.
  • Châm thẳng và hướng mũi kim ra ngoài thấu huyệt Hoàn khiêu hoặc huyệt Khiêu dược để trị yếu, teo cơ mông.

Bước 5: Cứu 5 – 7 lửa và ôn cứu từ 5 – 20 phút tùy từng tình trạng bệnh.

Bước 6: Sau khi châm, rút kim ra, dùng bông gòn ấn nhẹ vào huyệt vị.

Châm cứu huyệt với độ sâu 2 – 3 thốn
Châm cứu huyệt với độ sâu 2 – 3 thốn

Bấm huyệt trị bệnh

Người bệnh có thể áp dụng các bước dưới đây để bấm huyệt đạo Trật Biên điều trị bệnh tại nhà.

  • Bước 1: Người bệnh nằm sấp, hai chân duỗi thẳng.
  • Bước 2: Tìm chính xác huyệt Trật Biên vị trí ở đâu.
  • Bước 3: Dùng ngón tay cái ấn sâu vào huyệt vị, ấn nhả nhẹ nhàng từ 3 – 5 phút. Có thể kết hợp với day ấn, xoa bóp huyệt vị. Không nên bấm huyệt quá nhiều lần trong một ngày để tránh gây mỏi cơ hoặc tổn thương da.

Lực bấm khi tác động lên huyệt Trật Biên cần vừa đủ, không quá mạnh hoặc quá nhẹ. Nên bắt đầu từ lực nhẹ và tăng dần theo cảm giác của người được bấm. Nếu cảm thấy đau nhức hoặc khó chịu, cần giảm lực bấm hoặc ngừng bấm.

Chú ý, cần theo dõi sát sao phản ứng của cơ thể, khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau khi bấm huyệt hoặc châm cứu, người bệnh cần thông báo bác sĩ để được kiểm tra.

Phác đồ phối huyệt Trật Biên trị bệnh

Để mang đến hiệu quả chữa bệnh và tăng cường sức khỏe, ngoài sử dụng độc lập, huyệt Trật Biên có thể phối cùng các huyệt đạo tương hợp dưới đây:

  • Phố cùng huyệt đạo Dương Lăng Tuyền + huyệt đạo Thận Du + huyệt đạo Quan Nguyên + huyệt đạo Ủy Trung: Có tác dụng hỗ trợ điều trị đau thần kinh tọa (theo Châm Cứu Học Giản Biên).
  • Phối cùng huyệt đạo Dương Lăng Tuyền + huyệt đạo Hoàn Khiêu + huyệt đạo Côn Lôn: Giúp điều trị chứng đau thần kinh tọa (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối cùng huyệt đạo Dương Lăng Tuyền + huyệt đạo Ân Môn: Được ứng dụng trong điều trị chứng đau lưng, đau đùi (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
Phối các huyệt tương hợp giúp tăng hiệu quả trị bệnh
Phối các huyệt tương hợp giúp tăng hiệu quả trị bệnh

Những ai không nên tác động Trật Biên huyệt trị bệnh

Châm cứu và bấm huyệt Trật Biên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng một số đối tượng sau đây không nên áp dụng phương pháp này:

  • Người rối loạn đông máu: Châm cứu và bấm huyệt có thể gây chảy máu hoặc bầm tím, do đó những người có rối loạn đông máu như hemophilia, thiếu máu tiểu cầu,… không nên thực hiện.
  • Người đang mắc các bệnh truyền nhiễm: Nguy cơ lây nhiễm chéo qua dụng cụ châm cứu là điều cần lưu ý đối với những người mắc bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan B, viêm gan C,…
  • Người có da mỏng, dễ xuất huyết: Châm cứu có thể gây tổn thương da, chảy máu, do đó, những người có da mỏng, dễ xuất huyết không nên áp dụng.
  • Người có bệnh nền về tim mạch: Bao gồm rối loạn huyết áp, tiền sử nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ,…
  • Trẻ em dưới 3 tuổi: Hệ miễn dịch và hệ thần kinh của trẻ em dưới 3 tuổi còn non nớt, do đó không nên châm cứu.
  • Phụ nữ mang thai: Tác động lên huyệt Trật Biên có khả năng kích thích co bóp tử cung, dẫn đến nguy cơ sảy thai hay sinh non.
  • Người đang say rượu bia: Rượu bia làm giảm hiệu quả của châm cứu và tăng nguy cơ tai biến.

Huyệt Trật Biên là một huyệt đạo quan trọng trong Y học cổ truyền với nhiều tác dụng tích cực cho sức khỏe. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, việc châm cứu cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ để đạt được kết quả điều trị mong muốn.

Xem Thêm:

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh