Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Huyệt Nhị Gian Ở Đâu? Xác Định Vị Trí Và Tác Dụng Điều Trị Bệnh
Huyệt Nhị Gian là một huyệt đạo quan trọng trong hệ thống kinh lạc của Y học cổ truyền, thuộc kinh Đại Trường. Với vị trí đặc thù trên bàn tay, huyệt được sử dụng rộng rãi trong châm cứu và bấm huyệt để điều trị nhiều loại bệnh lý như đau răng, đau họng, đau ngón tay và các triệu chứng viêm nhiễm khác.
Tìm hiểu tổng quan về huyệt Nhị Gian
Huyệt Nhị Gian có xuất xứ từ Thiên ‘Bản Du’ (Linh Khu 2). Các đặc tính của huyệt đạo này như sau:
- Là huyệt đạo thứ 2 của Đại Trường kinh.
- Huyệt Vinh, thuộc hành Thủy.
- Huyệt Tả của Đại Trường kinh.
Trong Y thư cổ phân tích ý nghĩa tên huyệt như sau:
- “Nhị” có nghĩa là “thứ hai”.
- “Gian” nghĩa là “khoảng” hoặc “lóng”.
Khi ngón tay trỏ hơi co lại sẽ thấy ba lóng (gian) gấp được tạo thành. Huyệt Nhị Gian nằm ở cuối lóng thứ hai tính từ đầu ngón tay. Do đó, tên gọi “Nhị Gian” phản ánh chính xác vị trí của huyệt đạo này trên cơ thể.
Ngoài ra, huyệt đạo này có tên gọi khác như huyệt đạo Gian Cốc, huyệt đạo Chu Cốc.
Các xác định vị trí huyệt Nhị Gian
Huyệt Nhị Gian nằm trên mu bàn tay, gần ngón trỏ, ở phía ngón cái. Để xác định vị trí của huyệt chính xác, bạn làm theo các bước sau:
- Bước 1 – Co nhẹ ngón trỏ: Hơi nắm bàn tay lại, co nhẹ ngón trỏ vào lòng bàn tay.
- Bước 2 – Tìm điểm lõm: Tìm điểm lõm rõ nhất ở phía trước khớp nối giữa xương bàn tay và đốt ngón tay trỏ thứ nhất.
- Bước 3 – Xác định đường phân giới: Vị trí huyệt nằm trên đường tiếp giáp giữa da gan tay (vùng da mềm ở lòng bàn tay) và da mu bàn tay (vùng da phía trên bàn tay).
- Bước 4 – Kiểm tra lại: Huyệt Nhị Gian sẽ nằm ở cuối nếp gấp thứ hai (tính từ đầu ngón tay) trên ngón trỏ.
Giải phẫu vị trí huyệt đạo Nhị Gian sẽ thấy các đặc điểm cơ, thần kinh như sau:
- Dưới da vùng huyệt là gân cơ gian cốt mu tay và xương.
- Thần kinh vận động cơ là nhánh dây thần kinh quay chi phối.
- Da vùng huyệt bị chi phối bởi tiết đoạn dây thần kinh C7.
Tác dụng của huyệt Nhị Gian đối với sức khỏe
Trong Y học cổ truyền, huyệt Nhị Gian được ứng dụng trong điều trị nhiều bệnh lý bao gồm:
- Trị đau ngón tay trỏ và bàn tay: Khi kích hoạt huyệt này giúp cải thiện tuần hoàn máu, điều trị viêm khớp, căng cơ hoặc đau do hoạt động lặp đi lặp lại (như đánh máy hoặc cầm nắm đồ vật).
- Trị đau họng: Huyệt được sử dụng để điều trị đau họng, viêm họng và các triệu chứng khó chịu liên quan đến hệ hô hấp trên. Bằng cách kích hoạt huyệt này, dòng khí trong kinh mạch được điều hòa, giúp giảm viêm và làm dịu cổ họng trong các trường hợp cảm lạnh, viêm amidan hoặc viêm thanh quản.
- Trị đau răng: Huyệt này liên kết với kinh mạch Đại Trường, chạy qua vùng miệng và hàm. Khi châm cứu hoặc bấm huyệt Nhị Gian làm giảm cảm giác đau nhức do viêm lợi, viêm tủy răng hoặc các vấn đề về răng khác.
- Trị liệt mặt: Liệt mặt thường liên quan đến sự rối loạn trong lưu thông khí huyết ở các kinh mạch trên mặt. Huyệt giúp khôi phục sự cân bằng này, giảm triệu chứng liệt mặt.
- Trị đau vai và lưng: Châm cứu huyệt này giúp giảm đau vai gáy, đau lưng trên, đặc biệt là trong trường hợp đau do căng cơ hoặc tư thế không đúng.
- Trị sốt: Khi cơ thể bị sốt do cảm lạnh, cảm cúm, việc kích hoạt huyệt này giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể, giảm cảm giác nóng và khó chịu.
2 phương pháp khai thông huyệt đạo Nhị Gian
Huyệt Nhị Gian dễ dàng tiếp cận và nó thường được kích hoạt bằng phương pháp châm cứu, bấm huyệt.
Châm cứu huyệt
Phương pháp châm cứu được các bác sĩ thực hiện với các bước như sau:
Chuẩn bị
- Dụng cụ: Sử dụng kim châm cứu chuyên dụng, đảm bảo kim đã được vô trùng.
- Vệ sinh vùng da: Trước khi châm, cần vệ sinh sạch sẽ vùng da xung quanh huyệt Nhị Gian bằng cồn y tế hoặc dung dịch sát khuẩn.
Thực hiện
- Xác định vị trí huyệt: Áp dụng các bước xác định vị trí huyệt đạo như đã hướng dẫn.
- Góc châm kim: Giữ kim châm ở góc khoảng 45 độ so với bề mặt da, nhắm vào phía xương bàn tay thứ hai.
- Châm kim: Nhẹ nhàng đưa kim vào huyệt với độ sâu khoảng 0,3 – 0,5 thốn.
- Điều chỉnh kim: Sau khi châm kim vào huyệt, xoay nhẹ hoặc nâng lên, hạ xuống kim để kích thích huyệt và điều hòa khí trong kinh mạch.
- Thời gian châm: Giữ kim tại vị trí huyệt trong khoảng 15 phút. Trong quá trình này, người bệnh nên thư giãn và tránh cử động bàn tay.
- Rút kim: Sau khi kết thúc, rút kim ra nhẹ nhàng và nhanh chóng. Dùng bông gòn sạch hoặc băng gạc ép nhẹ vào vị trí châm để tránh chảy máu.
Bấm huyệt Nhị Gian
Người bệnh có thể tự thực hiện bấm huyệt trị bệnh tại nhà, nhưng cần đảm bảo thực hiện đúng kỹ thuật dưới đây:
Chuẩn bị
- Vệ sinh tay: Trước khi bấm huyệt, rửa tay sạch sẽ để tránh lây nhiễm vi khuẩn.
- Thả lỏng: Người được bấm huyệt nên giữ tư thế thoải mái, thả lỏng cơ thể.
Thực hiện
- Xác định vị trí huyệt: Sử dụng ngón tay cái của tay đối diện để xác định vị trí của huyệt trên bàn tay.
- Áp lực: Sử dụng ngón tay cái hoặc ngón trỏ ấn nhẹ lên huyệt. Áp dụng một lực vừa phải, tạo cảm giác nhấn mạnh nhưng không gây đau.
- Thao tác bấm huyệt: ấn và xoay nhẹ theo chiều kim đồng hồ trong khoảng 1 – 2 phút. nhấn sâu vào huyệt trong vài giây, sau đó thả lỏng, lặp lại quá trình này nhiều lần.
- Thời gian bấm huyệt: Thực hiện bấm huyệt trong khoảng 3 – 5 phút cho mỗi lần. Có thể bấm huyệt 2 – 3 lần mỗi ngày tùy vào tình trạng của người bệnh.
Phối huyệt đạo Nhị Gian tăng hiệu quả trị bệnh
Để tăng hiệu quả điều trị bệnh, trong Y thự cổ ghi chép lại các phác đồ phối huyệt đạo Nhị Gian cùng các huyệt đạo tương hợp như sau:
- Phối hợp cùng huyệt đạo Tiền Cốc (Tiểu trường.2): Có tác dụng điều trị mắt viêm cấp (Theo cuốn Tư Sinh Kinh).
- Phối hợp cùng huyệt đạo Tam Gian (Đại trường.3): Giúp cải thiện tình trạng buồn ngủ kéo dài (Theo cuốn Tư Sinh Kinh).
- Phối hợp cùng huyệt đạo Hợp Cốc (Đại trường.4): Được ứng dụng trong điều trị mắt có màng (Theo cuốn Châm Cứu Tụ Anh).
- Phối hợp cùng huyệt đạo Âm Khích (Tm.6): Ứng dụng trong điều trị sợ lạnh (Theo cuốn Châm Cứu Tụ Anh).
- Phối hợp cùng huyệt đạo Dương Khê (Đại trường.5): Có tác dụng điều trị sưng đau họng, răng (Theo cuốn Tịch Hoằng Phú).
- Phối hợp cùng huyệt đạo Thủ Tam Lý (Đại trường.10): Điều trị đau đầu, đau răng, sưng họng (Theo cuốn Thiên Tinh Bí Quyết).
- Phối hợp cùng huyệt đạo Hợp Cốc (Đại trường.4) + huyệt Ky Môn (Tâm bào.4) + huyệt Gian Sử (Tâm bào.5) + huyệt Phong Trì (Đ.20) + huyệt Túc Tam Lý (Vị 36) + huyệt Thần Đạo (Đc.11): Trị sốt cao và thương hàn gây đau đầu (Theo cuốn Loại Kinh Đồ Dực).
Huyệt Nhị Gian là một huyệt đạo đa dụng trong Y học cổ truyền, với tác dụng điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, từ đau cơ xương khớp đến các vấn đề hô hấp và thần kinh. Việc sử dụng đúng cách huyệt này, thông qua châm cứu hoặc bấm huyệt mang lại hiệu quả điều trị cao và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Xem Thêm:
- Huyệt Phượng Nhãn: Tìm Hiểu Vị Trí Và Tác Dụng Điều Trị Bệnh
- Huyệt Phụ Dương Ở Đâu? Công Dụng Và Cách Tác Động Trị Bệnh
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!