Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Huyệt Lương Môn: Vị Trí Và Cách Khai Thông Trị Bệnh Dạ Dày
Huyệt Lương Môn được ứng dụng rộng rãi trong Y học cổ truyền để điều trị các vấn đề về tiêu hóa, đặc biệt là bệnh liên quan đến dạ dày. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết xác định chuẩn xác vị trí huyệt và cách tác động khai thông và phối huyệt đạo. Chuyên gia Đông Phương Y Pháp đã nghiên cứu và giải đáp chi tiết các thông tin về huyệt đạo này trong bài viết sau đây.
Huyệt Lương Môn là gì?
Huyệt Lương Môn có xuất xứ từ Giáp Ất Kinh, là huyệt thứ 21 của kinh Vị. Ý nghĩa tên huyệt được phân tích như sau:
- Lương: Có nghĩa là “xà ngang”, “cầu”, tượng trưng cho một cấu trúc vững chắc, có vai trò nâng đỡ và kết nối.
- Môn: Nghĩa là “cửa”, “cổng”, ý chỉ lối vào hoặc một điểm quan trọng để kiểm soát sự lưu thông.
Khi kết hợp lại, “Lương Môn” được hiểu là “cánh cổng trên xà ngang”, phản ánh vị trí của huyệt nằm ở vùng thượng vị, ngay dưới xương sườn, kiểm soát sự lưu thông của khí và thức ăn trong hệ tiêu hóa.
Vị trí của huyệt Lương Môn
Huyệt Lương Môn nằm ở vùng bụng trên, cách rốn 4 thốn và cách đường giữa cơ thể 2 thốn. Để xác định huyệt, bạn thực hiện các bước sau:
- Bắt đầu từ rốn, đo lên phía trên khoảng 4 thốn (khoảng 8 cm).
- Từ điểm vừa xác định, di chuyển sang 2 bên 2 thốn (khoảng 4 cm) chính là 2 điểm huyệt Lương Môn cần tìm.
Giải phẫu huyệt vị:
- Dưới da huyệt đạo là cân cơ chéo to, phúc mạc, mạc ngang, bên phải là gan và bên trái là dạ dày.
- Thần kinh vận động cơ tại vị trí huyệt là 6 dây thần kinh gian sườn, dây thần kinh bụng – sinh dục.
- Da vùng huyệt chịu sự chi phối bởi tiết đoạn dây thần kinh D7.
Tác dụng của huyệt Lương Môn
Huyệt Lương Môn được ứng dụng rộng rãi để điều trị các bệnh lý về dạ dày như chữa viêm loét dạ dày, viêm dạ dày mãn tính – cấp tính, thần kinh dạ dày rối loạn.
Cụ thể, khi châm cứu và bấm huyệt đạo này sẽ mang lại những lợi ích như:
- Giảm đau dạ dày: Huyệt có tác dụng kích thích hệ thần kinh, giúp giảm đau rõ rệt, đặc biệt là đau vùng thượng vị, các cơn đau mãn tính – cấp tính hoặc đau do viêm loét dạ dày.
- Tiêu viêm: Kích thích huyệt Lương Môn giúp giảm viêm niêm mạc dạ dày, tá tràng, từ đó hỗ trợ quá trình lành vết loét hiệu quả tốt hơn.
- Điều trị triệu chứng: Huyệt này còn giúp điều hòa sự co bóp và tiết dịch vị của dạ dày, giảm các triệu chứng như ợ chua, đầy bụng, khó tiêu.
- Tăng cường chức năng dạ dày: Đối với viêm dạ dày mãn tính, việc tác động thường xuyên vào huyệt Lương Môn sẽ giúp tăng cường chức năng dạ dày, cải thiện khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn.
Kỹ thuật khai thông huyệt đạo Lương Môn
Huyệt Lương Môn có thể được khai thông bằng nhiều kỹ thuật khác nhau, bao gồm xoa bóp bấm huyệt hoặc châm cứu như sau:
Xoa bóp bấm huyệt:
- Người bệnh nằm ngửa, thả lỏng cơ thể để xác định vị trí huyệt.
- Dùng đầu ngón tay hoặc dụng cụ bấm huyệt chuyên dụng để tác động vào huyệt với lực vừa phải trong 2 – 3 phút.
- Nghỉ khoảng 1 phút, sau đó tiếp tục lặp lại động tác trên từ 3 – 5 lần.
Châm cứu:
- Người bệnh nằm ngửa để xác định chuẩn xác vị trí huyệt đạo.
- Châm kim vào huyệt với độ sâu khoảng 1 – 2 thốn, thời gian lưu kim khoảng 20 phút.
- Đốt ngải cứu và hơ trên huyệt, cách da khoảng 3cm và hơ trong 5 – 10 phút.
Phối hợp huyệt Lương Môn với các huyệt đạo khác
Trong Y học cổ truyền, việc phối hợp các huyệt đạo với nhau là một phương pháp thường được sử dụng để tăng cường hiệu quả điều trị. Huyệt Lương Môn được kết hợp với một số huyệt đạo khác để điều trị các bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa như sau:
- Phối cùng huyệt đạo Trung Quản (Nh.12) + huyệt đạo Túc Tam Lý (Vi.36): Có tác dụng điều trị ruột có ung nhọt (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt đạo Khí Hải + huyệt đạo Thiên Xu (Vi.25) + huyệt đạo Thượng Cự Hư (Vi.37) + huyệt đạo Trung Quản (Nh.12): Giúp điều trị cơ bụng liệt (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt đạo Khâu Khư (40) + huyệt đạo Nội Quan (Tb.6): Có tác dụng điều trị rối loạn chức năng dạ dày (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt đạo Dương Phụ (Đ.38): Điều trị sốt cách nhật (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt đạo Hậu Khê (Ttr 3) + huyệt đạo U Môn (Th.21): Điều trị ho ra máu (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt đạo Khí Hải + huyệt đạo Thượng Cự Hư (Vi.37): Điều trị nhiệt ở trường vị (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt đạo Trung Quản (Nh.12) + huyệt đạo Thủ Tam Lý (Đtr.10) + huyệt đạo Túc Tam Lý (Vi.36): Điều trị dạ dày loét (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối cùng huyệt đạo Trung Quản (Nh.12) + huyệt đạo Túc Tam Lý (Vi.36): Giúp điều trị vùng thượng vị đau (theo Châm Cứu Học Việt Nam).
- Phối cùng huyệt đạo Lương Khâu (Vi.34) + huyệt đạo Nội Quan (Tb.6) + huyệt đạo Trung Quản (Nh.12): Điều trị dạ dày rối loạn chức năng (theo Châm Cứu Học Việt Nam).
- Phối cùng huyệt đạo Công Tôn (Ty.4) + huyệt đạo Nội Quan (Tb.6) + huyệt đạo Trung Quản (Nh.12) + huyệt đạo Túc Tam Lý (Vi.36): Chữa trị đau dạ dày và ăn uống không tiêu (theo Châm Cứu Học Giản Biên).
Bằng cách khai thông huyệt Lương Môn thông qua các phương pháp như xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, kết hợp với lối sống lành mạnh sẽ cải thiện đáng kể các triệu chứng khó chịu do các bệnh dạ dày gây ra. Nếu bạn đang gặp phải các vấn đề về tiêu hóa, hãy tìm hiểu thêm về huyệt đạo này và tham khảo ý kiến chuyên gia để áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.
Xem Thêm:
- Huyệt Minh Nhãn Trị Bệnh Gì? Vị Trí Huyệt Và Cách Khai Thông
- Huyệt Mi Xung: Xác Định Vị Trí Và Cách Tác Động Huyệt Trị Bệnh
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!