Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Huyệt Thiên Liêu: Vị Trí, Tác Dụng và Cách Sử Dụng
Một trong những giải pháp giúp cải thiện cơn đau nhức vai gáy là châm cứu hoặc bấm huyệt Thiên Liêu. Để phát huy tác dụng của huyệt một cách tối đa và an toàn, trong bài viết dưới đây, chuyên gia sẽ cung cấp thông tin chi tiết về huyệt đạo, giúp bạn đọc nắm được vị trí và cách châm cứu chuẩn kỹ thuật Y học cổ truyền.
Thông tin tổng quan về huyệt Thiên Liêu
Các thông tin về ý nghĩa tên gọi, xuất xứ và đặc tính của huyệt đạo Thiên Liêu được ghi chép trong Y thư cổ như sau:
Ý nghĩa tên gọi
Tên gọi “Thiên Liêu” mang ý nghĩa đặc biệt trong Đông y:
- Thiên: Có nghĩa là vùng trên cao, chỉ huyệt nằm ở phần trên cơ thể.
- Liêu: Nghĩa là cạnh, bên. Ý chỉ vị trí của huyệt nằm ở cạnh mỏm cùng vai.
Vì vậy, huyệt này được gọi là Thiên Liêu, nằm tại phần trên của cơ thể, gần với mỏm cùng vai, và thường được sử dụng trong nhiều liệu pháp châm cứu và điều trị.
Xuất xứ và đặc tính
- Xuất xứ: Huyệt Thiên Liêu được ghi chép trong sách “Giáp Ất Kinh,” một tài liệu quan trọng về châm cứu và huyệt đạo.
- Đặc tính: Đây là huyệt thứ 15 của kinh Tam Tiêu và giao hội với Dương Duy Mạch, đóng vai trò quan trọng trong điều trị các bệnh lý liên quan đến vùng vai và gáy.
Vị trí huyệt đạo
Huyệt Thiên Liêu nằm trên vai, để xác định vị trí chính xác, chuyên gia hướng dẫn 2 cách sau:
- Cách 1:Tìm trung điểm của đoạn nối giữa huyệt Đại Chùy và mỏm cùng vai. Đo khoảng cách từ huyệt Đại Chùy đến mỏm cùng vai và chia đôi đoạn này để tìm trung điểm.
- Cách 2: Xác định trung điểm của đoạn nối từ huyệt Kiên Tỉnh đến Khúc Viên, nằm ở hố trên gai xương bả vai.
Giải phẫu vị trí huyệt
- Dưới lớp da tại vị trí huyệt có cơ thang, cơ góc và cơ trên sống.
- Thần kinh vận động cơ bao gồm nhánh nhánh đám rối cổ sâu, dây thần kinh sọ não số XI và nhánh dây thần kinh trên vai.
- Da vùng huyệt đạo này chịu sự chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C4.
Tác dụng của huyệt Thiên Liêu
Huyệt Thiên Liêu hiệu quả trong việc điều trị các vấn đề đau nhức vai, cổ, gáy nhờ tác dụng như sau:
- Khử phong trừ thấp: Đối với những trường hợp đau nhức do phong thấp gây ra, huyệt có tác dụng rất tốt trong việc xua tan phong hàn, giảm sưng đau và cứng khớp.
- Thông kinh hoạt lạc: Huyệt giúp thông kinh lạc, cải thiện lưu thông máu, từ đó giảm đau và tăng cường chức năng vận động của các khớp.
- Hành khí hoạt huyết: Huyệt này có tác dụng thúc đẩy khí huyết lưu thông, giúp các cơ bắp được nuôi dưỡng đầy đủ, tăng cường sức mạnh và giảm mỏi mệt.
Cách khai thông huyệt Thiên Liêu
Để tận dụng tối đa các lợi ích của huyệt Thiên Liêu, trong Y học cổ truyền ứng dụng các phương pháp khai thông huyệt như sau:
Châm cứu:
- Chuẩn bị kim: Chuẩn bị kim châm cứu đã được khử trùng.
- Hướng châm: Châm thẳng, hơi nghiêng mũi kim về phía vùng bả vai.
- Độ sâu: Châm sâu khoảng 0,5 – 0,8 thốn.
- Cứu: Sau khi châm kim, thực hiện cứu 3 – 7 tráng và ôn cứu 5 – 15 phút.
Day ấn huyệt:
- Tìm vị trí huyệt: Sử dụng các cách trên để xác định chính xác vị trí huyệt Thiên Liêu.
- Tư thế: Ngồi hoặc đứng thẳng, thả lỏng vai và cổ.
- Dùng ngón tay cái: Ấn nhẹ và đều vào huyệt, sau đó tăng dần lực ấn đến khi cảm thấy hơi đau tức.
- Thời gian: Mỗi lần ấn khoảng 5 – 7 giây.
- Lặp lại: Thực hiện động tác này 5 – 10 lần mỗi bên.
- Kết hợp xoay vai: Sau khi ấn huyệt, bạn có thể kết hợp với động tác xoay vai nhẹ nhàng để tăng cường hiệu quả.
Khi sử dụng huyệt Thiên Liêu, chú ý đến các phản ứng của cơ thể và thông báo cho bác sĩ nếu có dấu hiệu bất thường như đổ nhiều mồ hôi, đau vai dữ dội hơn, choáng váng, đau buốt vị trí châm,….
Huyệt Thiên Liêu là một trong những huyệt đạo quan trọng có tác dụng giảm đau nhức vai, cổ, gáy rất hiệu quả. Tuy nhiên, hãy luôn tham khảo ý kiến của chuyên gia để đảm bảo việc sử dụng huyệt này an toàn và hiệu quả.
Xem Thêm:
- Huyệt Thiên Tỉnh Là Gì? Kỹ Thuật Châm Cứu, Bấm Huyệt Trị Bệnh
- Huyệt Thiên Linh Nằm Ở Đâu? Tác Dụng Và Kích Thích Huyệt
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!