Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Huyệt Cự Cốt: Vị trí và tác dụng đặc biệt trong chữa bệnh vai gáy
Cự Cốt là huyệt vị quan trọng vùng bả vai và cánh tay. Khi tác động lên huyệt Cự Cốt sẽ có tác dụng điều trị các bệnh đau nhức vai gáy hiệu quả.
Tên gọi, đặc tính của huyệt Cự Cốt
Tên gọi: Cự Cốt.
Giải nghĩa:
- Cự có nghĩa chỉ một cái gì đó to lên.
- Cốt theo sách y cổ có nghĩa là xương.
- Theo giải phẫu cổ gọi xương đòn là Cự cốt vì huyệt nằm trên chỗ cuối cùng ở vai, vị trí thường phải chịu tác động khi mang một vật gì đó ở trên vai.
Đặc tính:
- Huyệt thứ 16 trong kinh Đại Trường.
- Huyệt giao hội với mạch Âm Kiểu – nơi kinh Đại Trường qua Đốc Mạch ở vị trí huyệt Đại Chùy, trước khi tới rãnh Khuyết Bồn.
Vị trí huyệt Cự Cốt
Vị trí: Huyệt nằm ở chỗ lõm của khe hai xương chéo nhau, từ đầu vai đi vào (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành).
Giải phẫu huyệt:
- Bên dưới da ở vị trí huyệt là cơ thang, cơ trên gai.
- Thần kinh vận động cơ của khu vực huyệt là dây trên vai của đám rối thần kinh nách, nhánh ngoài của dây thần kinh sọ não số XI cùng 1 nhánh của đám rối cổ sâu.
- Da vùng huyệt được chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C4.
Cách xác định huyệt cự cốt: Khi tìm huyệt cần thực hiện nắn tìm đầu ngoài của xương đòn, nơi tiếp khớp với mỏm cùng vai lùi ngón tay vào phía trong. Sau đó xác định khe giữa xương đòn và gai sống vai, lấy huyệt ở chỗ lõm ngay phía trong tại vị trí 2 xương tiếp khớp với nhau.
Tác dụng và cách phối huyệt trị bệnh
Tác dụng tại chỗ: Giảm đau vùng vai.
Công dụng: Tán uế, thông kinh lạc, giáng khí.
Chủ Trị: Trị bệnh ở khớp vai, lưng, chi trên, lao hạch
Phối huyệt:
Theo các sách y cổ, khi phối Cự Cốc với các huyệt vị khác giúp tăng hiệu quả điều trị bệnh. Một số cách phối huyệt có thể kể đến như:
- Phối với huyệt Tiền Cốc (Tiểu trường.2) trị tình trạng tay không giơ lên được (theo Tư Sinh Kinh).
- Phối với huyệt Kiên Ngung (Đại trường.15), huyệt Nhu Hội (Tam tiêu.13), huyệt Thiên Liêu (Tam tiêu.15) và huyệt Tý Nhu (Đại trường.14) trị cơ tam giác ở vai bị sưng đau (theo Trung Quốc Châm Cứu Học)
- Phối với huyệt Khổng Tối (Phế 6), huyệt Ngư Tế (Phế 9) và huyệt Xích Trạch (Phế 5) trị chứng ho ra máu (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối với huyệt Dương Lăng Tuyền (Đ.34), huyệt Kiên Liêu (Tam tiêu.14), thấu Cực Tuyền (Tm.1) trị viêm quanh khớp vai (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
Cách châm cứu và bấm huyệt Cự cốt
Đối với huyệt Cự Cốt, cách châm cứu và bấm huyệt thực hiện như sau:
- Cách bấm huyệt: Xác định huyệt vị rồi lấy ngón tay trỏ hoặc ngón tay cái ấn vào huyệt. Chú ý nên bấm với lực vừa đủ, sau đó day huyệt theo chiều kim đồng hồ. Tiến hành thực hiện day ấn như vậy trong khoảng 2 đến 3 phút sẽ có hiệu quả..
- Cách châm cứu: Châm thẳng hoặc hơi xiên xuống dưới bên ngoài, sâu khoảng 0,5 – 1,5 thốn, Cứu 3 – 7 tráng, Ôn cứu khoảng 5 – 10 phút.
Người bệnh có thể tự thực hiện châm cứu hoặc bấm huyệt theo hướng dẫn bên trên, tuy nhiên, xung quanh huyệt này còn rất nhiều huyệt vị khác. Nếu xác định và tác động nhầm sẽ không có hiệu quả, thậm chí gây ra nguy hiểm. Vì thế, bệnh nhân nên tìm đến các cơ sở châm cứu uy tín hoặc bác sĩ có chuyên môn về bấm huyệt, trị liệu YHCT để được hướng dẫn điều trị chính xác nhất, đảm bảo an toàn.
Các ứng dụng huyệt Cự Cốt trong điều trị bệnh
Thông thường, khi tác động lên huyệt Cự Cốt thường có tác dụng điều trị các bệnh liên quan đến vai gáy. Cụ thể, huyệt vị này được áp dụng điều trị một số bệnh sau:
Trị bệnh viêm quanh khớp vai
Trong Đông y, viêm quanh khớp vai còn được gọi là kiên tỷ thống. Bệnh thường do phong – hàn – thấp kết hợp với nhau gây bế tắc sự vận hành khí huyết dẫn đến đau nhức hoặc do sang chấn gây huyết ứ lâu ngày sinh bệnh.
Viêm vai gáy thường có biểu hiện lâm sàng là đau tại vùng vai và hạn chế vận động quanh khớp vai. Một số hoạt động như chải tóc, xoay vai, vòng tay ra sau hay nhấc tay lên cao,… cần vận động khớp đều khó thực hiện được. Lâu dần bệnh có thể đau lan lên trên cổ hoặc lan xuống cánh tay. Nếu bệnh nặng sẽ làm giảm khả năng vận động, thậm chí gây tê liệt.
Xoa bóp, bấm huyệt là một trong những phương pháp giảm đau và giúp cho khớp vai vận động linh hoạt hơn.
Cách thực hiện bấm huyệt trị bệnh đau nhức do viêm vai thực hiện như sau:
- Bước 1: Xoa xát, day ấn xung quanh vùng vai bị viêm với lực vừa phải giúp cho các cơ mềm ra.
- Bước 2. Lần lượt dùng tay day ấn các huyệt: Kiên Ngung, Kiên Tỉnh, Kiên Trung du, Kiên Ngoại Du, Phế Du, Kiên Tông, Kiên Trinh, Cự Cốt, Nhu Du, Tí Nhu, Vân Môn và Trung Phủ. Mỗi huyệt thực hiện day ấn trong khoảng 3 – 5 phút.
- Bước 3: Tiếp theo dùng ngón tay cái ấn vào điểm đau nhất trên bả vai với một lực mạnh thích hợp.
- Bước 4: Sau khi day ấn huyệt, thì làm các động tác chặt, đấm, bóp, vờn, rung, vò xát và nâng vai. Chú ý khi thực hiện 2 tay đấm, bóp, chặt cùng một nhịp, phối hợp day ấn, đỡ ấn nhịp nhàng. Bạn có thể để tay bệnh nhân lên vai mình để có điểm tựa thực hiện thao tác dễ dàng hơn.
Lưu ý: Để cắt giảm cơn đau rất nhanh, người bệnh nên thực hiện bấm huyệt Cự Cốt đều đặn ngày 1 – 2 lần trong vòng khoảng 1 tuần. Thực hiện đúng thao tác, 2 ngày triệu chứng đau đã thuyên giảm đáng kể.
Chữa đau vai gáy do trúng phong hàn
Trúng phong hàn ở kinh lạc cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn đến đau vai gáy. Triệu chứng bệnh thường gặp là: Xuất hiện tình trạng vai gáy cứng đau, quay cổ khó, dùng tay ấn vào khối cơ vùng cổ gáy thấy đau và khối cơ co cứng so với bên lành. Bên cạnh đó, toàn thân sợ gió, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch phù.
Có thể tác động vào huyệt để trị bệnh theo 2 phương pháp dưới đây:
1, Châm cứu huyệt
Cách châm cứu được thực hiện như sau:
- Cứu hoặc ôn châm lần lượt vào các huyệt vị Phong Trì, Kiên Tỉnh, Thiên Tông, Kiên Ngung, Cự Cốt, Đại Trữ và Phế Du.
- Ngoài ra, bác sĩ/thầy thuốc còn có thể châm tả huyệt Tuyệt Cốt, vừa châm bệnh nhân vừa vận động cổ.
- Mỗi ngày nên châm 1 lần lưu kim từ 15 – 20 phút, thông thường điều trị trong khoảng 2 – 7 ngày, có khi chỉ 1-2 ngày là khỏi.
2, Xoa bóp, bấm huyệt
Sau khi xác định huyệt Cự Cốt, thực hệt bấm huyệt với lực vừa phải trong khoảng 30 giây đến 1 phút. Ngoài ra, cần kết hợp xoa bóp các khu vực cùng vai gáy để giảm đau nhức hiệu quả.
Xử lý đau vai gáy do huyết ứ, khí trệ
Tình trạng huyết ứ, khí trệ ở kinh lạc cũng gây ra đau nhức vùng vai gáy. Nguyên nhân khí huyết không thông có thể do chấn thương, mang vác vật nặng, vận động sai tư thế, quay cổ đột ngột…
Một số triệu chứng bệnh thường gặp là đau dữ dội ở 1 chỗ, vận động cổ khó, cơ vùng cổ bị co cứng, lưỡi có điểm ứ huyết, mạch sáp. Tình trạng đau nhức lâu ngày khiến người bệnh khó chịu và giảm khả năng vận động khớp tay. Nếu đau lâu ngày không khỏi nguy cơ mắc các bệnh xương khớp rất cao.
Cách tác động huyệt trị bệnh được thực hiện như sau:
- Châm tả các huyệt Cự Cốt, Phong Trì, Kiên Tỉnh, Thiên Tông, Kiên Ngung, Đại Trữ, Phế Du, Cách Du và Huyết Hải.
- Liệu trình: Mỗi ngày châm 1 lần, mỗi lần lưu kim khoảng từ 15 – 20 phút, điều trị 2 – 7 ngày các triệu chứng đau nhức, tê mỏi sẽ khỏi.
Lưu ý khi châm cứu/ bấm huyệt Cự Cốt
Một số lưu ý khi tác động huyệt Cự Cốt trị bệnh là:
- Cần xác định đúng vị trí huyệt trước khi tiến hành để mang lại hiệu quả tốt nhất.
- Khi điều trị bệnh vai gáy nên tiến hành vận động khớp nhẹ nhàng và tránh mang vác vật nặng, hoạt động sai tư thế làm gia tăng đau nhức.
- Cần thực hiện châm cứu, bấm huyệt trong thời gian dài mới đạt hiệu quả mong muốn.
- Nếu tác động huyệt Cự Cốt không mang lại hiệu quả, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và chỉ định điều trị.
Huyệt Cự Cốt có tác dụng điều trị đau nhức vai gáy, cánh tay do bệnh xương khớp gây ra rất hiệu quả. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả nhất người bệnh nên đến địa chỉ châm cứu, bấm huyệt uy tín để thực hiện.
Tham khảo thêm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!