Huyệt Bát Liêu: Vị Trí, Công Năng Và Cách Châm Cứu, Bấm Huyệt

Ngày cập nhật: 23/07/2024 Biên tập viên: Trần Hoa

Huyệt Bát Liêu là một nhóm huyệt đạo quan trọng trong Y học cổ truyền Việt Nam, có tác dụng điều trị hiệu quả các bệnh vùng lưng và bệnh liên quan đến đường sinh dục. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về vị trí, tác dụng, cách châm cứu và những cách phối huyệt giúp khai mở huyệt đạo đúng cách, hỗ trợ nâng cao sức khỏe tốt nhất.

Huyệt Bát Liêu là gì?

Huyệt Bát Liêu có xuất xứ từ Châm cứu Học Thượng Hải, thuộc đường kinh Bàng Quang. Phân tích ý nghĩa của huyệt đạo như sau: “Bát” nghĩa là số 8 và “Liêu” nghĩa là ở cạnh. Nghĩa là có 8 huyệt đạo nằm vị trí cạnh nhau ở gần xương cùng.

Cụ thể hơn, 8 huyệt Bát Liêu được chia thành 4 cặp huyệt lần lượt: 2 huyệt Thượng Liêu (BL31), 2 huyệt Thứ Liêu (BL32), 2 huyệt Trung Liêu (BL33) và 2 huyệt Hạ Liêu (BL34).

Vị trí huyệt Bát Liêu

Huyệt Bát Liêu là một nhóm gồm tám huyệt đạo nằm đối xứng nhau dọc theo đường Đốc Mạch, bắt đầu từ vị trí dưới lỗ xương cùng thứ nhất cho đến tận cùng của xương cùng cụt. Mỗi huyệt Bát Liêu được xác định cách nhau khoảng 0.5 đến 1 thốn (khoảng 1.5 đến 3 cm).

Cách xác định huyệt Bát Liêu đơn giản như sau:

  • Huyệt Thượng Liêu (BL31): Cặp huyệt này nằm tại lỗ xương cùng đầu tiên, đây cũng chính là vị trí cao nhất.
  • Huyệt Thứ Liêu (BL32): Đây là cặp huyệt có vị trí nằm ở giữa huyệt Thượng Liêu và huyệt Trung Liêu, ngay ở lỗ xương cùng thứ 2.
  • Huyệt Trung Liêu (BL33): Có vị trí nằm tại lỗ xương cùng thứ 3, giữa huyệt Thứ Liêu với huyệt Hạ Liêu.
  • Huyệt Hạ Liêu (BL34): Cặp huyệt đạo có vị trí nằm tại lỗ xương cùng thấp nhất, ngay dưới huyệt đạo Trung Liêu.

Để dễ dàng hình dung hơn, bạn đọc tham khảo hình minh họa hệ thống huyệt Bát Liêu như sau:

Hình ảnh minh họa hệ thống huyệt đạo Bát Liêu
Hình ảnh minh họa hệ thống huyệt đạo Bát Liêu

Tác dụng của huyệt Bát Liêu

Trong Y thư cổ ghi chép huyệt đạo Bát Liêu giúp lý hạ tiêu, kiện thoái và kiện yêu. Dưới đây là phân tích chi tiết về công năng của huyệt đạo này:

Phạm vi điều trị tại chỗ và theo đường Bàng Quang kinh

Xét theo phạm vi điều trị tại chỗ và theo đường Bàng Quang kinh, huyệt đạo Bát Liêu có tác dụng điều trị đau xương cùng, đau lưng, viêm dây thần kinh hông và chi dưới tê yếu.

Phạm vi điều trị toàn thân

Khi xét theo phạm vi điều trị toàn thân, huyệt chuyên chủ trị các bệnh lý về bộ phận sinh dục và bệnh ở bàng quang. Cụ thể tác động với nữ giới và nam giới như sau:

Đối với nữ giới: Huyệt Bát Liêu có nhiều tác dụng tích cực trong điều trị các bệnh phụ khoa thường gặp ở nữ giới, bao gồm:

  • Điều hòa kinh nguyệt: Kích thích huyệt có thể giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, giảm tình trạng rong kinh, thống kinh (đau bụng kinh).
  • Giảm đau vùng chậu: Bấm huyệt Bát Liêu giúp lưu thông khí huyết vùng chậu, cải thiện tình trạng khí trệ, huyết ứ, từ đó giảm các cơn đau nhức vùng bụng dưới, đau lưng do co thắt cơ trơn tử cung.
  • Cải thiện sinh lý nữ: Kích thích huyệt có thể hỗ trợ cải thiện ham muốn tình dục, tăng tiết dịch âm đạo.
  • Hỗ trợ điều trị các bệnh phụ khoa khác: Bên cạnh những tác dụng chính, huyệt Bát Liêu còn có thể hỗ trợ điều trị các bệnh lý phụ khoa khác như viêm vùng chậu, khí hư trắng, đau lưng dưới thời kỳ kinh nguyệt,…
  • Điều trị bệnh bàng quang: Khai thông huyệt đạo này có tác dụng hỗ trợ điều trị chứng bí tiểu, tiểu rắt, tiểu buốt hiệu quả.

Đối với nam giới: Chuyên gia cho biết, khi khai thông huyệt đạo này sẽ giúp điều trị vấn đề về bàng quang, đồng thời cải thiện các chứng bệnh về nam khoa như lãnh cảm, vô sinh, di tinh, tinh trùng yếu, mộng tinh, thậm chí liệt dương,…

Tác động huyệt giúp trị các bệnh phụ khoa hiệu quả
Tác động huyệt giúp trị các bệnh phụ khoa hiệu quả

Cách châm cứu và bấm huyệt Bát Liêu

Châm cứu và bấm huyệt Bát Liêu là phương pháp điều trị hiệu quả giúp khai thông huyệt và điều trị bệnh. Tuy nhiên, cần thực hiện đúng kỹ thuật và lưu ý một số vấn đề nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Kỹ thuật châm cứu

Châm cứu huyệt Bát Liêu được thực hiện bởi các lương y, bác sĩ Y học cổ truyền đã được đào tạo chuyên môn. Người bệnh không tự ý châm cứu vì có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là các bước cơ bản trong quy trình châm cứu huyệt Bát Liêu.

  • Bước 1: Bệnh nhân nằm sấp trên giường châm cứu, thư giãn cơ thể và giữ tinh thần thoải mái. Sau đó bác sĩ sẽ xác định huyệt Bát Liêu ở đâu.
  • Bước 2: Bác sĩ sử dụng kim châm đã được khử trùng để châm vào huyệt đạo với độ sâu 1 – 2 thốn.
  • Bước 3: Thực hiện cứu 3 – 7 tráng.
  • Bước 4: Ôn cứu 5 – 20 phút tùy tình trạng từng người bệnh.
  • Bước 5: Rút kim, tại chỗ châm kim sẽ được sát khuẩn bằng cồn y tế.

Sau khi châm cứu, người bệnh cần ngồi lại 30 phút để theo dõi phản ứng của cơ thể. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường, cần thông báo ngay cho bác sĩ để được xử lý an toàn.

Châm cứu huyệt đạo giúp trị bệnh nhanh chóng
Châm cứu huyệt đạo giúp trị bệnh nhanh chóng

Kỹ thuật bấm huyệt

Khác với châm cứu, người bệnh có thể tự bấm huyệt cải thiện bệnh tại nhà, nhưng cần đảm bảo tuân thủ từng bước hướng dẫn dưới đây:

  • Bước 1: Xác định vị trí huyệt tương tự như cách xác định vị trí khi châm cứu.
  • Bước 2: Dùng ngón tay cái ấn trực tiếp vào huyệt đạo với lực vừa đủ, cảm giác hơi ê, tức.
  • Bước 3: Bấm huyệt theo chiều kim đồng hồ hoặc ngược chiều kim đồng hồ, mỗi lần bấm khoảng 30 giây.

Có thể kết hợp bấm huyệt với xoa bóp nhẹ nhàng để tăng hiệu quả. Nhưng cần lưu ý không bấm huyệt quá mạnh hoặc quá lâu, đồng thời tránh bấm huyệt khi đang đói hoặc quá no để đảm bảo phát huy tác dụng tốt nhất.

Phối hợp huyệt nâng cao hiệu quả trị bệnh

Ngoài tác dụng đơn huyệt, trong sách Y học cổ truyền cũng ghi chép lại các phác đồ phối huyệt Bát Liêu cùng một số huyệt đạo khác nhằm nâng cao và khai mở thêm tác dụng điều trị bệnh.

  • Phối cùng huyệt đạo Quan Nguyên (Nh 4) + thấu huyệt đạo Trung Cực (Nh 3) + huyệt đạo Tam Âm Giao (Ty 6): Điều trị thống kinh (theo Châm cứu Học Thượng Hải)
  • Phối cùng huyệt đạo Huyết Hải (Ty 10) + huyệt đạo Khí Hải (Nh 6) + huyệt đạo Quan Nguyên (Nh 4) + huyệt đạo Tam Âm Giao (Ty 6) + huyệt đạo Túc Tam Lý (Vi 36) + huyệt đạo Tử Cung: Giúp điều trị tử cung xuất huyết (theo Châm cứu Học Thượng Hải).
  • Phối cùng huyệt đạo Thừa Sơn (Bq 57) + huyệt đạo Trường Cường (Đc 1): Có tác dụng điều trị hậu môn bị rò (theo Châm cứu Học Thượng Hải).
  • Phối cùng huyệt đạo Hợp Cốc (Đtr 4) + huyệt đạo Tam Âm Giao (Ty 6) + huyệt đạo Thứ Liêu (Bq 32) + huyệt đạo Thượng Liêu (Bq 31): Có tác dụng thúc đẻ (theo Châm cứu Học Thượng Hải).

Huyệt Bát Liêu là một trong những điểm huyệt quan trọng và phổ biến trong y học cổ truyền, có rất nhiều ứng dụng trong điều trị và bảo vệ sức khỏe, đặc biệt các bệnh liên quan đến đường sinh dục. Tuy nhiên, trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào liên quan đến huyệt học, nên tìm hiểu kỹ và tham khảo ý kiến của chuyên gia để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Xem Thêm:

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh