Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Huyệt Vân Môn: Vị trí, tác dụng và cách tác động trị đau vai, hen suyễn
Huyệt Vân Môn là huyệt đạo nằm trên khuôn vai, được áp dụng phổ biến trong y học cổ truyền trong công tác điều trị bệnh. Huyệt đạo này có tác dụng trị liệu các bệnh lý liên quan đến khớp vai và phổi. Cùng tìm hiểu các thông tin cụ thể về huyệt Vân Môn trong bài viết ngay sau đây.
Vân Môn là huyệt gì? – Vị trí huyệt Vân Môn
Tên huyệt: Vân Môn.
Giải nghĩa tên huyệt: Vân chỉ hơi nước, còn Môn là nơi ra vào. Vân Môn là nơi Phế khí giống như hơi nước ra vào qua cửa (Theo Trung Y Cương Mục).
Xuất xứ: Thiên ‘Thuỷ Nhiệt Huyệt’ (Tố Vấn 61).
Đặc tính: Là nơi phát ra mạch khí của kinh Phế.
Vị trí:
- Huyệt Vân Môn nằm ở bờ dưới xương đòn gánh, vị trí chỗ lõm ngang cơ ngực to, giữa cơ Delta, nơi có gian sườn 1, cách đường ngực 6 thốn, phía trên huyệt Trung Phủ 1,6 thốn.
Giải phẫu:
- Dưới da là rãnh cơ Delta ngực, cơ Delta, cơ ngực to, cơ răng cưa to, cơ dưới đòn và các cơ gian sườn 1.
- Thần kinh vận động cơ là dây thần kinh mũ, dây thần kinh ngực to, dây thần kinh răng to, dây thần kinh răng to của đám rối thần kinh nách, dây thần kinh dưới đòn và dây thần kinh gian sườn 1.
- Da vùng huyệt Vân Môn chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C4.
Tác dụng và cách phối huyện Vân Môn trị bệnh
Tác dụng: Tuyên thông Phế khí.
Chủ trị: Trị suyễn, ho, ngực đầy tức, đau lưng, vai đau.
Cách phối huyệt:
Theo các sách y học cổ truyền,kết hợp huyệt Vân Môn với các huyệt đạo khác nhau giúp tăng hiệu quả điều trị bệnh. Cụ thể, trong một số sách y văn cổ lưu lại một số cách phối huyệt như sau:
- Theo Giáp Ất Kinh: Phối với Khuyết Bồn (Vi.12) chủ trị vai đau không đưa lên cao được.
- Theo Thiên Kim Phương: Phối với Ẩn Bạch (Ty.1), Hồn Môn (Bq.47), Kỳ Môn (C.14), Phế Du (Bq.13), Trung Phủ (P.1) trị vai đau.
- Theo Tư Sinh Kinh: Phối với Bỉnh Phong (Ttr.12) trị vai đau.
- Theo Châm Cứu Học Thủ Sách: Phối với Chi Câu (Ttu.5), Cực Tuyền (Tm.1), Thiên Trì (Tb.1), Trung Phủ (P.1) trị cơ nhục bị phong thấp.
- Theo sách Phối Huyệt Kinh Lạc Giảng Nghĩa: Phối Vân Môn với Du Phủ (Th.27), Nhũ Căn (Vi.18) trị suyễn.
Hướng dẫn cách tác động lên huyệt đạo chuẩn xác nhất
Cũng như hầu hết các huyệt đạo khác trên cơ thể, huyệt Vân Môn cũng có thể áp dụng hai cách chính là châm cứu và bấm huyệt. Điểm giống nhau chính là đều tác động vào huyệt đạo này để chữa bệnh, tăng cường sức khỏe. Cụ thể như sau:
Day, bấm huyệt
Đây là cách tác động lên huyệt đạo đơn giản nhất mà nhiều người áp dụng vì có thể tự thực hiện được tại nhà.
- Bạn đọc chỉ cần xác định chính xác vị trí huyệt Vân Môn, đặt 3 ngón tay lên, ngón cái và ngón út đặt cố định ở vị trí xung quanh.
- Sau đó day ấn huyệt theo hình tròn kết hợp với lực vừa đủ, thực hiện 3 – 5 lần, mỗi lần 2 – 3 phút, khoảng cách mỗi lần 30 giây.
- Nên thực hiện thường xuyên vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ để đạt được tác dụng tốt nhất.
Châm cứu
Để thực hiện được châm cứu, đầu tiên người thực hiện sẽ xác định huyệt vị trí chính xác huyệt Vân Môn. Sau đó dùng kim châm đâm vào huyệt đạo, châm kim thẳng hoặc xiên, sâu 0,5 – 1 thốn, cứu 3 đến 5 tráng, ôn cứu 5 – 10 phút. Tùy từng trường hợp mà được chỉ định châm cứu hàng ngày hoặc cách nhật để hiệu quả tốt hơn.
Ứng dụng huyệt Vân Môn trong hoạt động trị liệu
Huyệt Vân Môn được ứng dụng trong điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau. Dưới đây là hướng dẫn bấm huyệt, châm cứu đúng cách nhất đối với từng bệnh lý cụ thể:
Viêm khớp quanh vai
Bệnh viêm quanh khớp vai được xếp vào chứng kiên tý của y học cổ truyền. Nguyên nhân gây bệnh là do các yếu tố phong, hàn, thấp kết hợp xâm nhập làm bế tắc tại kinh lạc. Mà “bất thông tắc thống” sẽ gây đau nên khiến bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau tại khớp vai.
Có 3 thể bệnh được chia theo giai đoạn bệnh gồm: kiên thống, kiên ngưng và hậu kiên phong. Giai đoạn đầu khi phong hàn thắng thì người bệnh đau là chủ yếu tương ứng với giai đoạn đau khớp vai đơn thuần trong y học hiện đại.
Giai đoạn tiếp theo khi hàn thấp thắng thì người bệnh có hạn chế vận động là chủ yếu. Khi bệnh diễn biến lâu ngày, khí huyết bí tắc trở không lưu thông, không đến nuôi dưỡng được cân cơ mà gây ra thể bệnh hậu kiên phong.
Do vậy châm cứu điều trị viêm quanh khớp vai cũng có sự khác nhau ở các thể.
Kiên thống:
- Châm tả các huyệt: Trung Phủ, Thiên Tông, Vân Môn, Cự Cốt, Kiên Tỉnh, Kiên Trinh, Kiên Ngung.
- Kết hợp với chiếu đèn, cứu ngải, xoa bóp bấm huyệt và thủy châm tùy trường hợp.
Kiên ngưng:
- Châm cứu các huyệt: Kiên Tỉnh, Kiên Trinh, Kiên Ngung, Trung Phủ, Thiên Tông, Vân Môn, Cự Cốt.
- Giai đoạn này nên kết hợp xoa bóp và tập vận động mở dần khớp vai cho bệnh nhân bắt đầu với các động tác nhẹ nhàng.
Hậu kiên phong:
- Châm tả: Kiên Tỉnh, Kiên Trinh, Kiên Ngung, Trung Phủ, Thiên Tông, Vân Môn, Cự Cốt.
- Châm bổ: Khúc Trì, Ngoại Quan, Dương Trì, Thủ Tam Lý, Hợp Cốc bên bị đau.
- Kết hợp thủy châm, xoa bóp bấm huyệt để đạt được hiệu quả cao hơn.
Hen suyễn
Trong các tài liệu Y học cổ truyền, chứng hen suyễn được gọi với bệnh danh là “háo hống”. Nguyên nhân gây bệnh vô cùng phong phú, nhưng chủ yếu được quy do chức năng của 2 tạng phế và thận suy giảm.
Theo Nội kinh “phế chủ khí, thận nạp khí”, phế không làm chủ được chức năng thăng giáng, phế khí nghịch nên gây suyễn. Thận tàng tinh, nhưng có chức năng nạp khí nên thận không nạp được khí thì khí nghịch lên gây suyễn thở.
Bệnh hen suyễn thường được thể hiện bằng các triệu chứng sau: người bệnh đột nhiên lên cơn khó thở, ho khạc được đờm, đứng cạnh có thể nghe thấy tiếng cò cử do phế quản co thắt. Trong cơn hen, vẻ mặt người bệnh thường trắng bệch do thiếu oxy, dáng so vai rụt cổ, mệt mỏi,…
Lúc này, thầy thuốc sẽ phối huyệt Du Phủ, Vân Môn, Nhũ Căn với hiệu năng thanh Phế giáng nghịch, ngưng ho, định suyễn để trị bệnh.
- Phép châm và cứu: Châm huyệt Du Phủ, mũi kim hướng xuống phía dưới sâu 3 phân, bổ. Châm huyệt Vân Môn, châm thẳng xuống sâu 3 phân, không dễ vượt quá 5 phân, tiên tả hậu bổ, nếu nhiệt thì không cứu, hàn thì cứu 3 tráng, lưu kim 10 phút.
- Phép gia giảm: Nếu người bệnh ho nặng, châm thêm huyệt Nhũ Căn, châm xiên, mũi kim hơi lệch lên trên, sâu 3 – 5 phân.
Phương pháp bấm huyệt, châm cứu mang lại hiệu quả không thể phủ nhận nhưng cũng để lại nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm nếu lạm dụng hoặc thực hiện không đúng cách. Do vậy, người bệnh nên tìm đến các cơ sở y học cổ truyền để được hướng dẫn chính xác cách thực hiện.
Những lưu ý khi tác động huyệt Vân Môn để có hiệu quả tốt nhất
Tác động lên huyệt Vân Môn không quá khó khăn nhưng cũng cần có kỹ năng, thao tác chính xác, đồng thời phải tuân thủ một số những lưu ý nhất định như:
- Châm cứu và bấm huyệt, nếu người bệnh không có kỹ năng và chuyên môn thì hãy đến những cơ sở y tế để bác sĩ và thầy thuốc có kinh nghiệm thực hiện.
- Khi thực hiện, việc xác định chính xác vị trí huyệt đạo là rất quan trọng. Đồng thời cần ấn một lực vừa đủ, không quá mạnh tránh làm bầm tím, tụ máu, cũng không quá yếu ở huyệt vị.
- Không thực hiện bất kỳ hình thức nào khác khi vị trí huyệt đang bị thương ngoài da, chảy máu hoặc có vết bầm tím.
- Không áp dụng châm cứu, bấm huyệt cho đối tượng là phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 6 tuổi, những người đang điều trị bệnh lý liên quan đến tim, phổi bằng máy móc.
- Trước khi thực hiện châm cứu từ 8 – 12 tiếng không sử dụng rượu bia, chất kích thích,… vì có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của việc tác động vào huyệt Vân Môn.
Trên đây là một số thông tin về đặc tính, vị trí, cách xác định và những tác dụng của huyệt Vân Môn đối với sức khỏe. Hy vọng với thông tin này đã giúp bạn hiểu hơn về huyệt đạo để ứng dụng được trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.
Tham khảo thêm
- Huyệt bách hội: Cách day bấm hiệu quả và những lưu ý cần cẩn trọng
- Huyệt Dương bạch: Vị trí, công dụng và cách châm cứu huyệt
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!