Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Huyệt Kinh Cốt: Nằm Ở Đâu Và Có Tác Dụng Gì?
Từ lâu, các huyệt đạo trên cơ thể con người được y học cổ truyền ứng dụng nhiều trong các phương pháp điều trị bệnh. Mỗi huyệt đạo sẽ có những những đặc tính và công dụng khác nhau. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu những thông tin hữu ích về huyệt Kinh Cốt.
Huyệt Kinh Cốt là gì?
Theo giải phẫu học, phần xương khối bàn chân thứ 5 trên cơ thể con người là Kinh Cốt. Huyệt ở sát khối xương này nên có tên gọi là Kinh Cốt.
Theo ghi chép của “Kinh huyệt thích nghĩa hội giải”, “Kinh” có nghĩa là lớn, nằm phía dưới xương lớn của mặt ngoài chân. Bên cạnh đó, ngày xưa thông dụng dùng chữ “Kinh”, tức chữ Nguyên. Huyệt đạo này là Nguyên huyệt của Túc Thái – dương Bàng quang mạch nên được gọi là Kinh Cốt.
Huyệt Kinh Cốt có xuất xứ từ Thiên Bản Du, thuộc vị trí huyệt thứ 64 trong Kinh Bàng quang, huyệt Nguyên. Dù ít được biết đến nhưng huyệt Kinh Cốt lại có vai trò quan trọng trong điều trị nhiều bệnh lý liên quan tới sơ tà hay khu phong.
Huyệt Kinh Cốt nằm ở đâu?
Huyệt đạo này có vị trí dễ nhận biết, chỉ cần quan sát tỉ mỉ, người bệnh có thể dễ dàng tìm ra vị trí của huyệt đạo.
Trước đây, huyệt Kinh Cốt được xác định nằm dưới xương to phía ngoài bàn chân, tại vị trí chỗ hõm trên khoảng giáp nhau giữa da thịt trắng và đỏ. Tuy nhiên, ngày nay huyệt được xác định ở bên ngoài bàn chân, thẳng với ngón út, phía trước huyệt Kim Môn, tại vị trí chỗ lằn da trắng đỏ, ở dưới mắt xương.
Khi xác định vị trí huyệt đạo, lấy phần khu vực lõm ở trên đường tiếp giáp của da gan bàn chân với mu bàn chân và phần ngang tiếp nối giữa thân với phần đầu sau của xương bàn chân số 5.
Tác dụng trị bệnh bất ngờ của huyệt Kinh Cốt
Dù không được nhiều người biết đến song theo y học cổ truyền, huyệt Kinh Cốt có nhiều tác dụng với sức khỏe như khu phong, sơ tà, định thần chí. Huyệt vị có khả năng trị cả tại chỗ và toàn thân:
- Tại chỗ: Huyệt giúp trị chứng đau nhức ở phía ngoài bàn chân.
- Theo kinh: Huyệt đạo này có công dụng trị các chứng đau vùng thắt lưng, đau ở khớp háng, đau cứng gáy, đau đầu. Ngoài ra, chảy máu mũi, trong mắt có màng, đau mắt và hoa mắt cũng có thể chủ trị bằng huyệt Kinh Cốt.
- Toàn thân: Huyệt có khả năng chủ trị tim đập hồi hộp, bệnh sốt rét hoặc chứng động kinh.
Bên cạnh đó, huyệt Kinh Cốt có thể phối cùng một số huyệt khác để trị một số bệnh như:
- Phối cùng huyệt Thận Du và Nhiên Cốc có tác dụng trị chứng bàn chân lạnh.
- Phối cùng huyệt Tuyệt Cốt và Trung Phong giúp giảm chứng tê dại cơ thể.
- Phối huyệt Thừa Sơn với Thừa Cân tại Kinh Bàng Quang và huyệt Thương Khâu có tác dụng trị chứng mỏi chân.
- Phối cùng huyệt Đại Chung giúp trị chứng Tâm Đởm nhiệt.
- Khi phối cùng huyệt Trung Lữ Du giúp điều trị chứng đau lưng.
- Phối cùng huyệt Đại Trữ của kinh Bàng Quang giúp phát huy tác dụng trị chứng đau cứng vùng cổ gáy.
- Phối với huyệt Thiếu Phủ, Nội Quan và Khích Thượng, Thông Lý để trị chứng cơ tim viêm.
Phương pháp châm cứu huyệt trị bệnh
Trong y học cổ truyền, bệnh nhân mắc các bệnh lý liên quan tới huyệt Kinh Cốt sẽ được điều trị bằng phương pháp châm cứu. Cách châm cứu huyệt đạo như sau: Sau khi xác định vị trí huyệt, kim châm cứu được châm xiên, mũi kim hướng vào bên trong, hướng xuống dưới. Kim châm sâu từ 0,3 – 0,5 thốn. Cứu từ 3 – 5 tráng và 5 – 10 phút là thời gian ôn cứu.
Cần lưu ý gì trong quá trình châm cứu huyệt?
Từ lâu châm cứu đã được ứng dụng trong các phương pháp trị liệu của y học cổ truyền. Theo đó, châm là dùng kim châm vào huyệt, cứu là dùng sức nóng cứu trên huyệt nhằm gây kích thích trị bệnh. Trong quá trình châm cứu cần phải chú ý những vấn đề sau để đạt hiệu quả cao nhất:
- Người bệnh không tự ý châm cứu tại nhà khi chưa rõ kỹ thuật châm cứu. Bởi, nếu thực hiện không đúng kỹ thuật có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người bệnh.
- Trong thời gian châm cứu, nếu bệnh nhân có những dấu hiệu bất thường như đau, tê cần báo ngay cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.
- Tuyệt đối không châm cứu chữa bệnh với bệnh nhân cấp cứu hay xuất hiện các cơn đau bụng ngoại khoa. Người bị thiếu máu, mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp… hay có trạng thái tinh thần không ổn định cũng không được châm cứu.
- Bệnh nhân vừa lao động nặng, mệt mỏi, vùa ăn no hay quá đói cũng chống chỉ định châm cứu.
- Không được châm cứu tại các vùng như núm vú, rốn…
- Phụ nữ đang có kinh hay đang mang thai cũng không nên châm cứu khi chưa thật sự cần thiết.
- Người bệnh cần tuân thủ các yêu cầu của bác sĩ để quá trình trị liệu đạt hiệu quả cao nhất.
- Bệnh nhân nên châm cứu tại các cơ sở y tế uy tín để quá trình trị liệu an toàn, giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Trên đây là những thông tin cơ bản về huyệt Kinh Cốt. Hy vọng bài viết sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về huyệt đạo này để có lựa chọn hợp lý khi điều trị bệnh. Đặc biệt, bệnh nhân không tự ý châm cứu tại nhà khi chưa rõ về phương pháp trị liệu.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!