Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Huyệt Xung Môn: Vị Trí, Cách Khai Thông Và Phối Huyệt Trị Bệnh
Huyệt Xung Môn là một huyệt quan trọng trong hệ thống châm cứu và y học cổ truyền, có vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí huyết và có tác dụng trong việc điều trị một số bệnh lý khác nhau. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu vào vị trí, tác dụng và cách ứng dụng huyệt giúp tăng cường sức khỏe hiệu quả.
Tìm hiểu huyệt Xung Môn là gì?
Huyệt Xung Môn có xuất xứ Giáp Ất Kinh. Trong cuốn Trung Y Cương Mục có phân tích ý nghĩa tên huyệt như sau: Huyệt là nơi hội của kinh túc Thái Âm Tỳ với túc Quyết Âm Can, cả 2 đường kinh này đều có kinh khí khởi đầu từ chân lên đến vùng bụng thì chạm nhau (xung) tại môn hộ, vì vậy gọi là Xung Môn (Trung Y Cương Mục).
Ngoài ra, huyệt có tên gọi khác như huyệt đạo Thượng Tử Cung, huyệt đạo Tiền Chương, huyệt đạo Từ Cung.
Đặc tính:
- Là huyệt đạo thứ 12 của kinh Tỳ.
- Là huyệt Hội của Quyết Âm Can, Túc Thái Âm Tỳ và Mạch Âm Duy.
- Là huyệt đạo khởi đầu của kinh Biệt Tỳ.
Vị trí huyệt Xung môn
Huyệt xung môn nằm ở bụng dưới, nằm bên cạnh động mạch đùi, cách đường trung tâm cơ thể khoảng 3.5 thốn sang ngang và cách bờ trên của xương mu khoảng 3 thốn.
Khi giải phẫu vị trí huyệt sẽ thấy các đặc điểm như sau:
- Dưới huyệt đạo là bờ ngoài bó mạch thần kinh đùi, khe giữa cơ lược và cơ chậu, cơ bịt ngoài và cơ sinh đôi dưới.
- Thần kinh vận động cơ vùng huyệt là các ngành ngang của nhánh của dây thần kinh cơ da và đám rối thắt lưng, các nhánh dây thần kinh bịt.
- Da vùng huyệt đạo Xung Môn chịu chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L1.
Tác dụng của huyệt Xung Môn
Trong Y học cổ truyền, huyệt Xung Môn có tác dụng thanh tiết nhiệt ở hạ tiêu, do đó được ứng dụng trong điều trị nhiều bệnh lý như sau:
- Hỗ trợ điều trị bệnh phụ khoa: Huyệt nằm ở vùng chậu, gần cơ quan sinh dục nữ, nên thường được sử dụng trong điều trị các bệnh phụ khoa như kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, viêm nhiễm phụ khoa và các vấn đề liên quan đến sinh sản.
- Giảm đau bụng dưới: Khi kích thích huyệt Xung Môn giúp giảm các cơn đau ở vùng bụng dưới, bao gồm đau do kinh nguyệt, viêm ruột thừa, hoặc đau bụng do các nguyên nhân khác.
- Hỗ trợ tiêu hóa: Huyệt cũng có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa, giúp điều trị các vấn đề như đầy bụng, khó tiêu, táo bón, và tiêu chảy.
- Cải thiện chức năng gan: Vì huyệt này nằm trên kinh mạch Túc Quyết Âm Can, kích thích huyệt có thể giúp tăng cường chức năng gan, cải thiện quá trình giải độc và chuyển hóa của cơ thể.
- Điều trị các vấn đề về tiết niệu: Huyệt được sử dụng để điều trị các vấn đề về tiết niệu như tiểu khó, tiểu đau và viêm bàng quang.
- Tăng cường sức khỏe tổng thể: Tác dụng điều hòa khí huyết và kích thích kinh lạc của huyệt Xung Môn giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, cải thiện tinh thần và thể chất.
Hướng dẫn châm cứu và bấm huyệt
Châm cứu và bấm huyệt hiện là 2 phương pháp được ứng dụng trong khai thông huyệt đạo Xung Môn trong Y học cổ truyền.
Châm cứu huyệt đạo Xung Môn
Đây là phương pháp sử dụng kim châm cứu để châm trực tiếp lên huyệt. Để đảm bảo an toàn, không gây biến chứng nguy hiểm, châm cứu huyệt đạo Xung Mô cần được thực hiện bởi bác sĩ, người có chuyên môn cao.
Cách châm cứu:
- Bước 1: Chuẩn bị kim châm cứu vô trùng, cồn y tế để sát trùng vùng huyệt.
- Bước 2: Xác định vị trí huyệt.
- Bước 3: Dùng cồn sát trùng vùng da cần châm.
- Bước 4: Châm kim với góc 90 độ so với bề mặt da, độ sâu khoảng 1 – 1.5 thốn.
- Bước 5: Cứu 3 – 5 tráng.
- Bước 6: Ôn cứu 10 – 20 phút.
- Bước 7: Rút ra nhẹ nhàng và dùng bông ấn nhẹ lên để tránh chảy máu.
Bấm huyệt
Với phương pháp này, người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà nhằm giảm đau và nâng cao sức khỏe bản thân.
- Bước 1: Xác định vị trí huyệt.
- Bước 2: Dùng ngón tay cái hoặc ngón trỏ để bấm vào vị trí huyệt Xung Môn.
- Bước 3: Bấm và giữ động tác trong khoảng 2 phút.
- Bước 4: Lặp lại quá trình này từ 3 đến 5 lần trong một buổi trị liệu.
Trong trường hợp vùng da huyệt đạo có vết thương hở, tuyệt đối không châm cứu hay bấm huyệt lên vị trí đó. Đồng thời nếu có bất kỳ cảm giác khó chịu như đổ mồ hôi, đau đớn, chóng mặt, cần dừng ngay và báo cho bác sĩ.
Phối huyệt trị bệnh hiệu quả
Khi phối huyệt Xung Môn với các huyệt đạo tương hợp sẽ giúp tăng hiệu quả trị bệnh, khai mở thêm nhiều tác dụng khác. Cụ thể như sau:
- Phối cùng huyệt đạo Khí Xá (Vi.11): Điều trị bụng đầy (theo Tư Sinh Kinh).
- Phối cùng huyệt đạo Âm Khích (Tm.6): Điều trị sán khí (thoát vị) (theo Tư Sinh Kinh).
- Phối cùng huyệt đạo Đại Đôn (C.1): Có tác dụng điều trị rối loạn đường tiểu (theo Tư Sinh Kinh).
- Phối cùng huyệt Huyết Hải (Ty.10): Ứng dụng trong điều trị đau từng cơn do bụng có hòn cục [Huyền tích] (theo Châm Cứu Tụ Anh).
- Phối cùng huyệt đạo Khí Xung (Vi.30): Có tác dụng điều trị đới hạ, sản hậu bị băng huyết (theo Bách Chứng Phú).
Bài viết này cung cấp thông tin chi tiết về huyệt Xung Môn, bao gồm vị trí, chức năng và lợi ích sức khỏe tổng thể. Đồng thời chuyên gia cũng hướng dẫn kỹ thuật kích thích huyệt bằng phương pháp châm cứu, bấm huyệt giúp giảm đau mà còn cải thiện tuần hoàn máu và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Xem Thêm:
- Huyệt Yêu Thống Là Gì? Vị Trí Và Tác Dụng Đối Với Sức Khỏe
- Huyệt Túc Tam Lý và mẹo bấm huyệt để tăng cường sức khỏe
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!