Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Viêm Amidan: Nguyên Nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm amidan là một trong những bệnh lý tai mũi họng thường gặp, nhất là ở trẻ em vào thời điểm giao mùa hay thời tiết thất thường. Do tính phổ biến của bệnh lý nên nhiều người thờ ơ và chủ quan, không điều trị tận gốc, kịp thời. Vậy nguyên nhân gây bệnh là gì? Cách điều trị và phòng tránh như thế nào? Mời bạn cùng tìm lời giải đáp trong bài viết sau.
Viêm amidan là gì? Nguyên nhân gây bệnh thường gặp nhất
Viêm amidan là sự tổn thương viêm nhiễm cấp tính hoặc mãn tính do vi khuẩn và virus gây ra.
Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi từ 5-15 tuổi với nhiều nguyên nhân như:
- Do bị lạnh: Các vi khuẩn, virus luôn có sẵn ở khu vực mũi họng và sẽ gây bệnh khi cơ thể có sức đề kháng yếu. Amidan nằm ở giao điểm giữa mũi và họng – một cửa ngõ thuận lợi để vi khuẩn và virus xâm nhập gây bệnh.
- Do các bệnh lý nhiễm khuẩn gây ra: Một số bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như cúm, sởi, ho gà… Sau khi chữa khỏi nhưng không dứt điểm, bệnh nhân có thể bị viêm amidan.
Viêm amidan có nguy hiểm không? Biến chứng nguy hiểm của bệnh
Mặc dù viêm amidan là một bệnh lý phổ biến và có thể điều trị tốt. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan không thăm khám thì có thể dẫn đến các biến chứng như sau:
Biến chứng tại chỗ
Biến chứng tại vị trí viêm amidan thường gặp là viêm tấy hoặc viêm áp xe. Hiện tượng viêm tại chỗ xảy ra khi người bệnh bị viêm cấp tính nhưng không điều trị dứt điểm, tái đi tái lại nhiều lần gây viêm lan rộng.
Biến chứng tại chỗ khiến bệnh nhân đau họng, đau tai, sưng vòm họng, khó nói chuyện và ăn uống, hơi thở có mùi hôi, đau đầu, sốt cao kéo dài…
Biến chứng chứng kế cận
Biến chứng kế cận của bệnh có thể kèm theo bệnh viêm tai giữa, viêm xoang, viêm mũi, viêm thanh-phế quản hoặc viêm hạch dưới hàm. Ngoài ra, biến chứng còn lan sang các khu vực khác tạo thành áp xe bên trong họng.
Biến chứng toàn thân
Biến chứng toàn thân có thể kể đến bao gồm: viêm cầu thận, viêm khớp cấp, viêm màng ngoài tim cấp, viêm nội mạc tim, nhiễm khuẩn máu….Dấu hiệu của viêm amidan toàn thân bao gồm: đau nhức đầu, sốt cao, nôn mửa, nổi ban, nổi hạch… Đặc biệt là các biểu hiện như ngưng thở khi ngủ, amidan quá lớn sẽ gây khó nuốt, khó thở và khó phát âm.
Triệu chứng viêm amidan 9/10 người mắc
Dấu hiệu viêm amidan được phân biệt giữa 2 loại cấp và mãn tính. Đây là 2 dạng viêm có những biểu hiện và cách điều trị khác nhau.
Viêm amidan cấp tính
Viêm amidan cấp tính là tổn thương viêm xung huyết hoặc viêm mủ do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Nếu do virus, tình trạng bệnh thường sẽ nhẹ hơn.
Viêm amidan cấp tính thường gặp ở trẻ trong độ tuổi từ 5-15 tuổi với các triệu chứng bao gồm:
- Rét và sốt 38-39 độ C.
- Mệt mỏi, nhức đầu, biếng ăn, nước tiểu đỏ
- Bệnh nhân đau họng, nuốt vướng…
- Cảm giác khô rát và nóng ở họng
- Đau họng nhói lên vùng tai và hàm
- Khó thở, thở khò khè
- Khi viêm nhiễm lan xuống phế quản, bệnh nhân sẽ bị ho từng cơn, kéo đờm, khàn tiếng và đau tức lồng ngực.
- Môi khô, lưỡi bám trắng.
Viêm amidan mạn tính
Viêm amidan mạn tính là tình trạng viêm tuyến amidan có tính lặp lại (một năm một hoặc nhiều lần). Bệnh xuất hiện ở nhiều độ tuổi khác nhau với các triệu chứng sau:
- Sốt nhẹ
- Cảm giác ngứa và vướng rát họng
- Nuốt vướng, hay khạc nhổ do xuất tiết.
- Bệnh nhân ho khan từng cơn, nhất là buổi sáng khi mới ngủ dậy.
- Giọng nói mất trong.
- Thở khò khè, đêm ngủ ngáy to.
- Nhìn chung, triệu chứng viêm amidan mạn tính không rõ rệt, người bệnh dễ bỏ qua hoặc lầm tưởng với các bệnh lý viêm họng thông thường.
Đừng thờ ơ với những triệu chứng bệnh, hãy nhanh chóng liên hệ ngay với bác sĩ để xử lý viêm amidan kịp thời.
Cách điều trị viêm amidan cấp tính và mãn tính
Việc điều trị viêm amidan ngày nay đã có nhiều tiến bộ thay đổi hơn so với thời gian trước đây. Mục tiêu chính của bước phát triển này là hạn chế phẫu thuật vì amidan đảm nhận vai trò miễn dịch quan trọng của cơ thể.
Viêm amidan có thể được điều trị theo các phương pháp sau:
Dùng kháng sinh theo phác đồ tây y
Điều trị bằng thuốc theo từng triệu chứng như: thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm, hạ sốt, thuốc làm lỏng chất nhầy, thuốc ho…nhằm kiểm soát từng triệu chứng hiệu quả.
Tùy trường hợp mà các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị viêm amidan khác nhau, thông thường gồm những cách như sau:
- Điều trị viêm amidan bằng thuốc kéo dài từ 7-14 ngày.
- Viêm amidan nhiễm liên cầu thường điều trị bằng kháng sinh penicillin.
- Ở trẻ nhỏ, penicillin thường dùng ở dạng tiêm.
- Kháng sinh penicillin cần dùng ít nhất 10 ngày. Do đó, mặc dù bệnh nhân có cảm thấy khá hơn sau 1-2 ngày thì vẫn cần duy trì sử dụng kháng sinh đến hết đợt. Việc dừng kháng sinh sớm sẽ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh nguy hiểm, có thể gây biến chứng nặng hơn.
Mẹo dân gian – hỗ trợ giảm triệu chứng bệnh
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn người bệnh dùng nước muối sinh lý để nhỏ mũi, súc họng hoặc các dung dịch sát khuẩn kèm theo. Người bệnh nên ăn thức ăn dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, bổ sung nước đầy đủ.
- Điều trị tại chỗ bằng cách vệ sinh với nước muối sinh lý 0,9%, súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn.
- Tích cực nghỉ ngơi và ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, uống nước đầy đủ.
Phẫu thuật cắt amidan – người bệnh vẫn có nguy cơ tái phát bệnh
Bệnh nhân viêm amidan nên đến bệnh viện để được điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa và nhận được chỉ định phẫu thuật khi cần thiết.
Không nên lạm dụng phương pháp cắt bỏ amidan trừ khi được khuyến cáo bởi những trường hợp sau:
- Amidan quá phát gây bít đường ăn, đường thở
- Nghi ngờ tiến triển thành áp xe hoặc ung thư amidan
- Viêm amidan tái phát nhiều lần (hơn 6 lần trong năm)
- Viêm amidan mạn tính được điều trị nội khoa tích cực nhưng vẫn tái đi tái lại, đau họng dai dẳng, nổi hạch, hơi thở có mùi…
- Viêm amidan có mưng mủ.
- Viêm amidan biến chứng cầu thận, gây mủ hạch cổ
Trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 45 tuổi nên cân nhắc trước khi cắt amidan. Hiện nay có nhiều phương pháp phẫu thuật amidan an toàn, không chảy máu và hồi phục nhanh.
Có nên cắt amidan không?
Bệnh viêm amidan khiến người bệnh khó chịu vì ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt là viêm amidan mạn tính. Bệnh nhân sẽ phải thường xuyên tái phát và điều trị liên tục, nhiều người thường chọn cách điều trị dứt điểm bởi phẫu thuật cắt amidan.
Thực tế không phải bệnh nhân nào cũng được khuyến khích cắt amidan. Một số trường hợp bệnh sẽ tự khỏi sau 1-2 tuần. Đối với bệnh nhân mãn tính, những trường hợp đặc biệt mới có thể tiến hành cắt amidan.
Đối tượng được chỉ định phẫu thuật cắt amidan là người bị viêm nhiễm mạn tính, tình trạng nặng, amidan không còn mang lại lợi ích cho cơ thể. Vì vậy, để xác định có nên cắt amidan hay không thì bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và đưa ra lời khuyên hữu ích.
Bên cạnh đó, người mắc bệnh viêm amidan phải chịu một số biến chứng nghiêm trọng, cần cắt bỏ phần viêm nhiễm. Đó là những trường hợp như áp xe quanh amidan, viêm xoang, viêm phế quản…Một số bệnh nhân còn bị biến chứng cận như viêm cầu thận, viêm khớp…
Dù trường hợp viêm amidan của bạn đang như thế nào, hãy đảm bảo thăm khám và điều trị sớm tại bệnh viện chuyên khoa nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Cần lưu ý gì khi cắt amidan?
Có không ít trường hợp các bậc phụ huynh yêu cầu bác sĩ tiến hành cắt amidan khi bé bị viêm. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, viêm amidan ở trẻ nhỏ có thể được điều trị theo nhiều phương pháp và rất hạn chế phẫu thuật.
Đa số trẻ bị viêm amidan nhẹ và không cần thiết can thiệp phẫu thuật. Bệnh nhân nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn và điều trị đúng cách. Kể cả khi có chỉ định phẫu thuật cắt amidan, bạn cũng nên đến bệnh viện có uy tín, bệnh viện chuyên khoa Tai mũi họng, không nên tiến hành tại các phòng khám tư nhân, cơ sở vật chất hạn chế, dễ gặp sự cố và không có phương pháp xử lý kịp thời.
Trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 45 tuổi nên chú ý đến sức khỏe trước khi cắt amidan. Do hệ miễn dịch của nhóm tuổi này khá yếu, đặc biệt người trên 45 tuổi cắt amidan dễ bị chảy máu hoặc có các bệnh nền khác đi kèm như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, suy giảm chức năng nội tạng… Sau thời gian 7-10 ngày nếu vết phẫu thuật có chảy máu, bạn nên đến bệnh viện để được xử trí.
Viêm amidan nên ăn gì, kiêng gì để nhanh khỏi bệnh?
Người mắc bệnh liên quan đến họng sẽ gặp khó khăn khi ăn uống. Do vậy, bạn nên chọn các món ăn mềm, dễ nhai nuốt, như vậy sẽ giúp bệnh nhân ăn ngon miệng và hạn chế ma sát đến chỗ sưng đau.
Một số nhóm thực phẩm người bệnh cần bổ sung bao gồm:
- Thực phẩm giàu vitamin C: Bệnh nhân viêm amidan nên dung nạp khoảng 1000mg vitamin C mỗi ngày để phòng tránh bệnh viêm mũi họng và các bệnh liên quan đường hô hấp. Các thực phẩm giàu vitamin C gồm có: cam, quýt, bưởi, dâu tây, thanh long…Bạn có thể ép nước trái cây để làm dịu cổ họng và dễ dùng hơn.
- Tăng cường bổ sung rau xanh: Rau xanh là một trong nhóm các loại thực phẩm tốt cho hệ hô hấp nói chung và bệnh nhân viêm amidan nói riêng. Ngoài ra, chất lỏng trong rau xanh còn bổ sung nước, cân bằng điện giải, giảm mệt mỏi. Một số loại rau xanh tốt cho người bệnh như rau mồng tơi, bắp cải, rau đay, cải thảo…
- Tăng cường thực phẩm chứa nhiều kẽm: Kẽm là nguyên tố thúc đẩy tế bào lympho T tạo ra khoáng chất bảo vệ cơ thể. Vì vậy, khi bị viêm amidan, bạn nên bổ sung thực phẩm nhiều kẽm như rong biển, hạt kiều mạch, hạt bí,…để bảo vệ sức khỏe tốt.
- Thực phẩm có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn: Virus và vi khuẩn gây viêm amidan có thể lan sang các cơ quan lân cận khác. Vì vậy, ngoài việc dùng kháng sinh, bạn cũng nên bổ sung một số thực phẩm có khả năng kháng khuẩn, chống viêm như bột đinh hương, gừng, nghệ và củ cải…
- Thực phẩm giàu protein: Protein là một trong những thành phần dinh dưỡng thiết yếu với cơ thể. Một số thực phẩm giàu dinh dưỡng protein và dễ tiêu hóa như thịt gà, trứng, sữa… Tuy nhiên, bạn nên chế biến món ăn mềm, thịt bằm hoặc gà xé…hạn chế dùng thịt nướng, thịt xông khói hay đóng hộp.
- Bổ sung đủ 2 – 2.5 lít nước/ ngày: Khi bị viêm amidan, thân nhiệt người bệnh có thể tăng cao, khoang miệng luôn trong trạng thái khô rát, sưng nóng. Vì vậy, bạn cần đảm bảo bổ sung từ 2-2.5 lít nước mỗi ngày để làm dịu cổ họng, cân bằng điện giải. Song song đó, uống nhiều nước còn giúp điều hòa thân nhiệt, giảm viêm và phòng tránh khàn tiếng, mất tiếng…
Nếu bạn bị đắng miệng khi uống nước lọc, hãy thay thế bằng các loại nước ép trái cây có vị chua ngọt hoặc nước ép rau xanh. Đây là các loại thức uống vừa cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể vừa mang lại vị thơm ngon, dễ uống cho người bệnh.
Bệnh nhân viêm amidan không nên ăn các món cay, đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh, các thực phẩm tươi sống. Bên cạnh đó, nếu không muốn tình trạng bệnh nặng hơn, bạn cũng cần hạn chế món ăn khô cứng, khó nuốt.
Những lưu ý cần biết khi chăm sóc bệnh nhân viêm amidan
Có thể thấy rằng người mắc bệnh viêm amidan thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, ho và sốt liên tục. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn bị suy giảm khả năng ăn uống, không hấp thu được chất dinh dưỡng, cơ thể suy nhược và càng làm cho chứng viêm amidan thêm trầm trọng.
Vì vậy, việc chăm sóc và xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp cho người bệnh là vô cùng cần thiết. Để rút ngắn thời gian trị liệu cũng như làm giảm triệu chứng của viêm amidan, bạn cần xây dựng thực đơn ăn uống theo nguyên tắc sau:
- Ưu tiên bổ sung thực phẩm tốt cho sức khỏe, các loại trái cây, ngũ cốc, trứng, sữa, omega 3…
- Hạn chế thực phẩm kích ứng niêm mạc như nước ngọt, bia rượu, đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, thức uống lạnh, thức uống có gas…
- Chia nhỏ bữa ăn và tránh dùng thực phẩm có tính cứng, hạn chế áp lực lên vùng amidan đang bị viêm.
- Chế biến món ăn mềm, lỏng sẽ giúp bệnh nhân dễ nuốt hơn.
- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày.
- Đa dạng các loại thực phẩm, cố gắng ăn đủ 3 bữa ăn. Dù bạn sẽ gặp tình trạng khó nuốt nhưng hãy cố gắng ăn theo mỗi cữ nhỏ, không nên bỏ bữa ảnh hưởng đến sức khỏe.
Biện pháp phòng tránh viêm amidan
Viêm amidan là một bệnh thường gặp và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế, cần thực hiện nghiêm ngặt những biện pháp phòng tránh bệnh.
Một số biện pháp phòng tránh sau đây có thể hỗ trợ bạn giảm nguy cơ mắc bệnh:
- Hạn chế uống nước đá khi trời trở lạnh hoặc khi cơ thể có sức đề kháng yếu
- Giữ ấm cơ thể, tránh bị lạnh, không uống nước đá hoặc ăn kem khi trời trở gió rét.
- Giữ vệ sinh răng miệng, mũi họng, đánh răng súc miệng với nước muối sinh lý để tránh viêm nhiễm.
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc khi đến nơi công cộng để tránh hít khói bụi và vi khuẩn mầm bệnh gây viêm amidan.
- Khám và điều trị tích cực các bệnh lý về tai mũi họng để tránh biến chứng.
- Nâng cao sức đề kháng qua các bài tập rèn luyện thân thể.
- Xây dựng chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng.
Viêm amidan là bệnh lý phổ biến hiện nay. Trẻ em thuộc nhóm đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Vì vậy, các bậc cha mẹ nên trang bị kiến thức để giúp bé phòng và điều trị khi có nguy cơ mắc bệnh. Nếu người bệnh có dấu hiệu viêm amidan mạn tính, hãy tìm đến bác sĩ để được điều trị theo chỉ định. Chúc bạn sức khỏe và đẩy lùi được các triệu chứng của viêm amidan.