Chưa có sản phẩm nào trong giỏ hàng
Huyệt Uyển Cốt: Nằm Ở Vị Trí Nào? Công Dụng Ra Sao?
Trong Y Học Cổ Truyền, huyệt Uyển Cốt được biết đến chủ yếu với công dụng thanh thấp nhiệt. Bên cạnh đó, việc tác động huyệt đúng cách cũng mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe. Để hiểu rõ hơn về huyệt vị này, cũng như các xác định vị trí, cách tác động hiệu quả, mọi người hãy tham khảo các thông tin trong bài viết dưới đây.
Những thông tin cần biết về huyệt Uyển Cốt
Uyển Cốt là một trong những huyệt đạo được nhắc đến rất nhiều trong Đông y, nằm ở vị trí đặc biệt, dễ xác định. Cũng như các huyệt đạo khác trên cơ thể, Uyển Cốt giữ vai trò nhất định trong hệ thống kinh lạc và có những đặc tính nổi bật như sau:
- Tên gọi chính: Uyển Cốt.
- Ý nghĩa tên gọi: Huyệt nằm trên xương (Cốt) cổ tay (Uyển, Đậu), vì vậy có tên gọi là Uyển Cốt hay Uyển Đậu Cốt.
- Đặc tính: Là huyệt Nguyên, huyệt thứ 4, một trong những huyệt quan trọng nhất trên kinh Tiểu Trường có mối liên hệ chặt chẽ với các huyệt đạo khác.
- Chủ trị: Chủ trị chứng đau đầu, cổ bị đau cứng, ù tai, đau dạ dày.
Vị trí và cách xác định huyệt vị
Theo “Kinh Huyệt Thích Nghi Hội Giải”, huyệt vị này có thể nhìn thấy ở chỗ hõm xuống phía trước xương Đậu. Khám lâm sàng xác định huyệt nằm phía bờ trong của tay, tại nơi lõm giữa xương bàn tay số 5 với xương móc. Đồng thời nằm trên đường tiếp giáp của mu tay và da gan tay. Khi giải phẫu, vùng da dưới huyệt là các cơ da gan tay, cơ dạng của ngón út, xương tháp (chỗ lõm giữa đầu trên xương bàn tay) và xương móc (đáy chỗ lõm) bị chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1.
Cách xác định huyệt Uyển Cốt như sau: Người bệnh để ngửa bàn tay trên mặt phẳng cố định hoặc úp tay sau đó đồng thời hơi nắm các ngón tay lại. Ven theo huyệt Hậu Khe tới xương tháp và xương bàn số 5 sẽ xác định được vị trí huyệt đạo này.
Công dụng và cách phối huyệt Uyển Cốt
Theo Đông y, khi tác động vào huyệt Uyển Cốt mang đến tác dụng chính là chủ trị thanh nhiệt thấp trên kinh Tiểu Trường. Do đó huyệt vị này được nhắc đến nhiều trong các liệu trình điều trị một số bệnh lý như đau đầu, cổ bị đau cứng, đau các khớp ngón tay, cổ tay, lưng bị đau do vặn vẹo sai tư thế. Trong một số tài liệu Y Học Cổ Truyền cũng khẳng định, tác động huyệt Uyển Cốt cũng góp phần hỗ trợ điều trị hiệu quả ù tai, đau dạ dày thể cấp.
Ngoài ra, huyệt vị này còn phát huy được công dụng khi phối cùng các bộ huyệt khác. Tùy thuộc và tình trạng bệnh lý của bệnh nhân, thầy thuốc sẽ áp dụng bộ huyệt phù hợp.
- Phối huyệt vị này với Thiên Tông có thể trị chứng tay, vai bị đau nhức.
- Tổ hợp Dương Cốc và Uyển Cốt có tác dụng chủ trị chứng nóng lạnh thất thường, sưng đau cổ, gáy.
- Khi tác động dùng với huyệt Trung Chủ điều trị chứng các ngón tay không thể co duỗi được.
- Huyệt Uyển Cốt có thể phối cùng với Trung Quản để trị bệnh vàng da, tỳ hư.
- Phối Túc Tam Lý, Tỳ Du, Phi Du và Uyển Cốt chủ trị tiểu đường (cấp độ nhẹ).
- Có thể phối huyệt vị này cùng Thân Mạch, Ngoại Quan và Dũng Tuyền để chữa trị bệnh vàng da sau khi nhiễm thương hàn.
- Bộ 4 huyệt Đại Lăng, Tam Gian, Gian Sử và Uyển Cốt có thể giúp làm giảm triệu chứng viêm khớp ở cổ tay.
Cách tác động huyệt Uyển Cốt đúng cách mang lại hiệu quả cao
Có thể tác động lên huyệt đạo này bằng phương pháp châm cứu để kích thích khí huyết lưu thông đồng thời tán nhiệt thấp. Sau khi xác định vị trí huyệt, dùng kim chuyên dụng châm cứu thẳng với độ sâu từ 0,3 – 0,5 thốn, ôn cứu trong 5 – 10 phút, cứu 3 – 5 tráng.
Kỹ thuật châm cứu đòi hỏi độ chính xác cao, vì vậy mọi người không nên tự ý thực hiện mà hãy đến các trung tâm điều trị Đông y uy tín để được bác sĩ có chuyên môn châm cứu. Ngoài ra, để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, trong thời gian điều trị châm cứu, bấm huyệt mọi người cần lưu ý.
- Xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, giữ cho tinh thần luôn thoải mái và minh mẫn. Có thể tập luyện thêm các bài tập bổ trợ cho vùng lưng, tay, vai gáy 25 – 30 phút mỗi ngày.
- Không để bụng quá no hoặc quá đói trước khi thực hiện châm cứu
- Phương pháp này chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị và duy trì trong thời gian dài mới mang lại hiệu quả. Vì vậy mọi người cố gắng thực hiện theo đúng liệu trình, tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ.
- Một số trường hợp như phụ nữ mang thai (đặc biệt là trong các tháng đầu và cuối thai kỳ), người có bệnh lý nền, trẻ nhỏ khi không có sự đồng ý của bác sĩ chủ trị thì không được châm cứu.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về huyệt Uyển Cốt và ứng dụng thực tế trong điều trị bệnh lý. Tuy có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không vì thế mà lạm dụng và tác động bừa bãi. Việc thực hiện sai cách có thể gây ra nhiều nguy hại khó lường trước được như kinh lạc rối loạn, huyệt vị tổn thương chảy máu…
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!